Tôi xin thông báo cho các anh chị: Trong lúc chúng ta đang yên lành ở đây, giữa Paris, thì ở đất nước tôi - Việt Nam, đang hứng chịu bom đạn của Mỹ. Nhân dân tôi đã đứng lên đấu tranh, đặc biệt là Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra rất ác liệt. Bao nhiêu người trẻ tuổi như sinh viên chúng ta đây đang phải ra trận, phải gác lại bút nghiên để tham gia trận chiến - cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ở đây chúng ta có thể làm gì? 50 năm trước, trong Mậu Thân 1968, sinh viên năm nhất Đại học Paris XI (Orsay, Pháp) Lương Bạch Vân, đặt câu hỏi như thế trước 500 sinh viên trong trường.
Tiếng nói mạnh mẽ tại Paris
Nửa thế kỷ đã trôi qua, chỉ vào người con trai nay cũng tròn 50 tuổi, Tiến sĩ Lương Bạch Vân - Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, người nữ sinh năm ấy nhớ lại, hồi đó mình đang mang bầu, là sinh viên năm nhất và chưa bao giờ nói trước đám đông. Hàng ngày, cô gái trẻ lên giảng đường học cốt lấy tấm bằng, tạo dựng cuộc sống ổn định ở nước Pháp cùng chồng và ba mẹ. Mọi chuyện vẫn sẽ tiếp tục bình lặng như thế nếu không có một ngày Giáo sư Nguyễn Trọng Anh vừa giảng bài xong thì nói trước hội trường khoảng 500 sinh viên, chỉ có vài người Việt, hầu hết là sinh viên Pháp và các nước. “Giáo sư nói, tôi quý người Mỹ về khoa học; nhưng cũng phải nói là tôi không hài lòng với chính sách của Chính phủ Mỹ vì hiện nay quân đội Mỹ đang ném bom ở đất nước tôi. Nói một câu như vậy, giáo sư xách cặp đi. Trong hội trường, tất cả sinh viên ngạc nhiên”, bà Vân chia sẻ.
Trong lúc mọi người đang ngớ ra thì lớp trưởng của Vân, sinh viên F. Clapier (Pháp), chạy bổ về phía Vân, giơ hai tay ra hiệu mọi người yên lặng, “Đề nghị các bạn nán lại trong hội trường, có 1 cô gái Việt Nam ở đây, cô ấy sẽ nói thêm với các bạn về việc Mỹ thả bom ở Việt Nam như thế nào. Đề nghị chúng ta phản đối hành động đó. Mỹ phải ngừng ném bom Việt Nam”. Không đợi Vân trả lời, F. Clapier kéo tay Vân chạy vào giữa hội trường, trong vòng vây các bạn sinh viên. Làm sao bây giờ? Không thể nào thờ ơ với thời cuộc. Vân trấn tĩnh và bắt đầu nói rành mạch về tình hình Mỹ ném bom Việt Nam; về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến mà nhân dân Việt Nam đang thực hiện; về những thanh niên, sinh viên Việt Nam không tiếc máu xương đứng lên giải phóng dân tộc. Cô dõng dạc: “Tôi đề nghị các bạn hãy cùng chúng tôi đòi Mỹ phải ngưng ném bom Việt Nam, phải rút quân về nước”.
Dấn thân
Sau buổi nói chuyện này, Lương Bạch Vân cùng các sinh viên Việt Nam càng có ý thức theo dõi, cập nhật tình hình đấu tranh ở trong nước để thông báo với bạn bè quốc tế. Làm gì thì làm, học gì thì học, đến giờ phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, là Lương Bạch Vân và các sinh viên phân công người ghe, người ghi lại tình hình Mỹ ném bom, gây thương vong thế nào, người dân Việt Nam chiến đấu ra sao, bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ…
Những thông tin này được các sinh viên dùng nói chuyện hoặc in ra phát cho sinh viên, bạn bè quốc tế. Khi Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra ngay tại đầu não Sài Gòn và các đô thị toàn miền Nam, những sinh viên xa nhà như Lương Bạch Vân đều biết cuộc chiến đang bước vào giai đoạn ác liệt. Và ai cũng thấy ngày giải phóng không còn xa. Bà Lương Bạch Vân thổ lộ, lúc đó, không ai giao trách nhiệm nhưng mọi sinh viên làm việc đó vì tự thấy trách nhiệm của mình. Trong nước đang đấu tranh để giải phóng dân tộc, mình sống xa đất nước, chưa được tự mình cầm súng song vẫn có thể tham gia, đóng góp bằng cách tuyên truyền và kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam. “Trong nước bao nhiêu thế hệ trẻ ra trận hết, mình không có lý do gì lại ngồi yên lành ở đây”, bà Lương Bạch Vân sống lại những cảm xúc ngày trước.
Không ngồi yên ở đây, Lương Bạch Vân cùng chồng là Nguyễn Bình và các sinh viên Việt Nam viết huyết tâm thư. Các sinh viên chích máu viết thư, ký tên, bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng về nước, tham gia cuộc đấu tranh chung của dân tộc, tham gia giải phóng dân tộc. Một xấp dầy huyết tâm thư của sinh viên được gửi tới đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pháp. Hai vợ chồng bàn nhau, anh Bình về trước, Vân sinh con xong sẽ về. Các gia đình khác, các sinh viên khác cũng thu vén việc riêng, không ai sửa sang nhà cửa, không mua sắm đồ tốt; tất cả coi cuộc sống ở Paris là tạm, chỉ cần “trong nước cần là về”. Bà Lương Bạch Vân chia sẻ: “Sau đó, đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói đã nhận được huyết thư và đề nghị các sinh viên cố gắng học tập cho xong, vì sau chiến tranh cần xây dựng đất nước”. Bà Vân cho hay, từ đó, các sinh viên như bà đặt ra chỉ tiêu không chỉ học cho cá nhân mình, học cho gia đình mình mà còn học thay cho giới trẻ trong nước hiện nay đang xả thân cho Mậu Thân 1968, đang tận hiến xương máu vì đất nước.
Cùng với việc tuyên truyền tới bạn bè quốc tế, như nhiều sinh viên khác, Lương Bạch Vân tham gia các cuộc mít tinh, tham gia đội văn nghệ diễn thơ, kịch, hợp xướng trong các buổi hội họp, sinh hoạt chính trị, xuống đường biểu tình ủng hộ cuộc chiến bảo vệ đất nước của Việt Nam, phản đối Mỹ. Các sinh viên tại Pháp còn in hình ảnh Bác Hồ, in hình trẻ em Việt Nam đội mũ rơm đi học lên áo phông; bán cánh hoa “vì hòa bình”, bán thức ăn Việt Nam… làm đủ mọi việc có ích để gây quỹ ủng hộ Tổ quốc. Bà Vân xúc động: “Xuân Mậu Thân 1968 đã nung nấu ý chí của sinh viên ở nước ngoài như thế!”.
Theo bà Lương Bạch Vân, tinh thần Mậu Thân 1968 và cũng chính từ Mậu Thân 1968, đã hun đúc trong sinh viên nói riêng và người Việt Nam ở Pháp nói chung, tình gắn kết, tình cảm đối với quê hương, tình yêu đất nước. Và ai cũng xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình là học thay các bạn, học về xây dựng đất nước nên không ngạc nhiên khi giải phóng xong, ùn ùn lớp lớp trí thức được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã về cống hiến cho đất nước. Lúc đó và cả sau này, có những người vẫn đặt câu hỏi: “Tại sao lại về?”, Tiến sĩ Lương Bạch Vân thổ lộ, về là lời hứa từ lâu, là tinh thần, là động lực đã được chuẩn bị từ năm 1968.