Trong thế giới youtube - Dẹp loạn từ gốc

Từng được coi là “hiện tượng mạng” với những video hàng chục triệu view, nhưng không ít kênh YouTube cũng không tránh khỏi quy luật đào thải tất yếu của thị trường. Khi các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe cũng là lúc quyền lực của khán giả, đặc biệt quyền tẩy chay lên ngôi với hy vọng hạn chế những nội dung rác.    

Quy luật đào thải

Từ những video đầu tiên dễ dàng thu hút hàng triệu, thậm chí chục triệu lượt view, nhưng khoảng nửa năm trở lại đây, các video trên kênh Bà Tân Vlog sức hút đã giảm đi rõ rệt, rất hiếm video đạt triệu lượt view. Những món ăn “siêu to khổng lồ” từ người phụ nữ nông thôn này trở nên nhàm chán với khán giả. Vẫn đăng tải với tần suất khá dày đặc, trung bình 8-10 video/tháng, nhưng có nhiều lý do để lý giải cho sự quay lưng của khán giả, bởi nội dung không còn mới mẻ, đặc sắc. Đó là chưa kể, những ồn ào liên quan đến con trai bà Tân - Hưng Vlog cũng ít nhiều ảnh hưởng. Hiện kênh YouTube này vẫn có hơn 4 triệu lượt theo dõi. Cuối tháng 2 vừa qua, kênh YouTube thứ 2 của bà Tân với tên gọi “Ẩm thực bà Tân” đã được lập. Vẫn với các món ăn siêu to khổng lồ, nhưng hiện kênh mới chỉ có hơn 13.000 lượt theo dõi và các video chỉ dừng lại con số hơn 100.000 view.  

Khán giả đang dần quay lưng với sản phẩm câu view, phản cảm
Có thể thấy rõ, “hiện tượng mạng” bà Tân Vlog thành công là nhờ sự tò mò của khán giả về một phụ nữ nông thôn dẫn đầu trào lưu làm kênh Vlog. Thực chất, các video của kênh này không mang lại giá trị cho cộng đồng. Cách làm chụp giật, câu like, câu view, thậm chí từng bị phản ứng là mất vệ sinh, sai công thức, gian dối… Với những nội dung “ăn xổi” đó, việc sớm nở tối tàn là hệ quả tất yếu. “Hậu” bà Tân, xuất hiện rất nhiều “ông, bà” tương tự như Bà Mập, Bà Sáu, Ông Ba, Bà Tám… cũng mở kênh YouTube, nhưng xét cho cùng, trào lưu đó không thể thêm một lần “đánh lừa” khán giả. 

Trước Bà Tân Vlog, những “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Ngọc Rambo, Dũng trọc, Phú Lê… đã lần lượt bị “khai tử” các video, thậm chí là cả kênh YouTube. Gần đây nhất, đình đám như kênh Thơ Nguyễn với gần 9 triệu lượt theo dõi cũng đã phải ẩn hàng ngàn video. Chị Trương Tú Ngân, Giám đốc Truyền thông và vận hành POPS, nhận định: “Với sự phát triển của giải trí kỹ thuật số, cùng với ngày càng có nhiều lựa chọn dành cho người xem, sự đào thải là quy luật tự nhiên. Các nội dung chất lượng và phù hợp với xu hướng cũng như cần người xem mới có thể tồn tại. Tôi tin mọi thứ dần dần sẽ đi vào khuôn khổ. Từ nhiều trường hợp điển hình xảy ra gần đây, rất nhiều YouTuber, thậm chí cả các MCN (mạng đa kênh - các nhà cung cấp dịch vụ của bên thứ ba liên kết với nhiều kênh YouTube để cung cấp dịch vụ - PV) cũng phải rút ra kinh nghiệm xương máu cho mình”.

Thừa nhận quy luật của sự đào thải, theo một YouTuber đình đám: “Là một sân chơi mở nên nền tảng này có vô số nội dung khác nhau, hay - dở, mang lại nhiều giá trị - vô bổ. Để bàn sâu sẽ là một câu chuyện rất dài, nhưng tôi luôn tin rằng thị hiếu của người xem và chọn lọc tự nhiên sẽ ưu tiên cho những nội dung mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng”.  

Nhìn nhận một cách công bằng từ chính những người trong cuộc, trào lưu nhà nhà làm YouTube là xu thế tất yếu và về bản chất, nó không xấu. Việc nở rộ các kênh YouTube về ẩm thực là những điều “giúp truyền cảm hứng tới mọi người về một cuộc sống gia đình tích cực, về món ăn, con người, xã hội, làng quê...”. Còn theo nhiều YouTuber chuyên nghiệp có một lượng khán giả ổn định, hầu như không ai dám đánh đổi vài video câu view để mất khán giả, bởi sẽ rất “dễ chết”.   

Không thể nhẹ tay

Sau clip “xin vía học giỏi”, kênh Thơ Nguyễn chỉ bị xử phạt 7,5 triệu đồng. Tương tự, 2 lần vi phạm, kênh Hưng Vlog, Hưng Troll cũng chỉ bị xử phạt 7,5 triệu đồng và 10 triệu đồng. Vụ làm thịt chim quý của kênh “Ẩm thực Tam Mao” thậm chí chỉ bị xử phạt 1,5 triệu đồng. Tuy các mức phạt này đều nằm trong khung quy định của pháp luật nhưng đa phần ý kiến cho rằng nó quá nhẹ so với doanh thu lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng của các kênh YouTube nói trên.   

Có một thực tế khác, nhiều kênh YouTube sau khi bị phạt vì chứa những nội dung phản cảm, đã chơi chiêu “vỗ về” bằng cách tắt chức năng kiếm tiền, thậm chí xóa kênh. Đơn cử như kênh Hưng Troll, sau khi bị xử phạt, từng được cho là đã biến mất khỏi YouTube, nhưng sau đó kênh này đã hoạt động trở lại, chỉ không còn tồn tại các video gây sốc trước đây. Theo quy định của YouTube, việc chấm dứt kênh hoặc tài khoản khi: vi phạm nguyên tắc cộng đồng (nhiều lần vi phạm, có một trường hợp vi phạm nghiêm trọng, chuyên đăng nội dung vi phạm chính sách), vi phạm bản quyền. Nhưng hầu hết những kênh có sản phẩm vi phạm chỉ gỡ các video đó. Nếu bị xóa, để qua mắt dư luận, lập tức có kênh mới được lập và đăng lại toàn bộ các video không nằm trong diện vi phạm, lượt xem và theo dõi vẫn tăng chóng mặt. Phạt xong, vẫn còn đó những kênh có nội dung nhảm nhí, cờ bạc, bạo lực... từng bị dư luận lên án, vô tư hoạt động với hàng triệu người theo dõi. 

Một điều quan ngại không kém, sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội đang đi với tốc độ chóng mặt và hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp, trong khi hành lang pháp lý chưa đủ chặt chẽ. Đó là lý do, đến cuối năm 2020, trong số 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền tại Việt Nam, chỉ có khoảng 30% (tương đương 5.000 kênh YouTube) có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Nhiều vi phạm sau khi diễn ra, bị cộng đồng mạng phản ứng, các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra, xử phạt. Chưa kể, những vi phạm như phản cảm, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục… chưa được định nghĩa rõ ràng, thậm chí còn quá mơ hồ nên để xử lý mạnh tay hơn, đặc biệt về mặt hình sự, hiện vẫn là điều bất khả thi. 

Không thể loại bỏ triệt để thông tin, nội dung xấu, độc, nhưng để hạn chế và góp phần làm trong sạch môi trường YouTube, trước hết dựa vào chính ý thức của người làm kênh. Hơn ai hết, họ phải là những nhà sáng tạo sạch, có đạo đức. “Bên cạnh việc tuân thủ các quy định chung, vai trò của người sáng tạo luôn ở vị trí trung tâm, bởi họ chính là chủ thể tạo nên nội dung, định hướng sự phát triển kênh YouTube của mình theo hướng nào và sẽ chịu trách nhiệm với các video được đăng tải”, chị Trương Tú Ngân nói. 

Nhưng quan trọng hơn hết, người dùng phải thể hiện sức mạnh của mình. Theo chị Trần Minh Ngọc (quản lý nhân sự, quận 5, TPHCM): “Người xem luôn cần tỉnh táo và biết nói không với các video dạng này. Ngay từ đầu, tôi xác định: không xem, không nghe, không theo dõi những kênh có phốt, bị dư luận phản ứng”. Các kênh YouTube sống nhờ những lượt theo dõi, lượt xem, nên những hành động nói không một cách quyết liệt sẽ khiến “kênh rác” chết yểu. Hơn lúc nào hết, quyền tẩy chay và triệt đường sống của các video xấu từ người xem sẽ góp phần mang đến hiệu quả tích cực, làm trong sạch môi trường YouTube.

Cuối năm 2020, đại diện Bộ TT-TT cho biết  đã đạt được thỏa thuận với YouTube: khi cơ quan chức năng Việt Nam thông báo một kênh vi phạm pháp luật, nền tảng này sẽ dừng việc chia tiền quảng cáo với kênh đó. Bộ cũng đang phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc…

Tin cùng chuyên mục