Trung Đông đầu tư mạnh vào kỹ thuật số

Với chiến lược đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ, các quốc gia tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi ngày càng đầu tư mạnh vào công nghệ kỹ thuật số tiên tiến và đã đạt được những thành tựu đáng kể về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Chiến lượt kể trên giúp các nước thu hút nhiều nhà cung cấp công nghệ lớn trên thế giới. Theo Công ty Tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner (Mỹ), chi tiêu cho công nghệ thông tin ở Trung Đông và Bắc Phi tăng 4,5% hàng năm và đạt 171,3 tỷ USD trong năm 2021 khi các doanh nghiệp ngày càng số hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các cơ hội cho sự phát triển của các ngành công nghệ thông tin địa phương cùng với các khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế khu vực.

UAE đầu tư mạnh vào công nghệ kỹ thuật số trong nhiều lĩnh vực
Trong quý 1-2021, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã khởi động các dự án như “Thị thực làm việc từ xa”, “Dubai thông minh 2021” và các chính sách kinh tế số khác. Khu vực công nghiệp và thương mại của UAE đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ để hỗ trợ đổi mới và mở ra các khả năng kinh tế mới.
Tháng 10, các thành viên Hội đồng tối cao UAE đã hoan nghênh việc công bố “Các nguyên tắc của 50” về kế hoạch đưa nước này đa dạng nền kinh tế trong 50 năm tới. “Các nguyên tắc của 50” đặt ra một lộ trình chiến lược cho thời đại mới về kinh tế, chính trị và xã hội của UAE. Tài liệu này đưa ra 10 nguyên tắc buộc tất cả cơ quan chính phủ, hệ thống lập pháp, cảnh sát và cơ quan an ninh cũng như cơ quan khoa học thực hiện.
 Theo Trung tâm Nghiên cứu lượng tử thuộc Viện Đổi mới công nghệ UAE, nước này đang có dự án phát triển một siêu máy tính với khả năng tính toán theo cấp số nhân. Chính phủ UAE cũng đã công bố khởi động “Mạng lưới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (4.0) để thúc đẩy các công nghệ mới trong lĩnh vực công nghiệp của đất nước.

Theo ông Sarah Al Amiri, Bộ trưởng Bộ Công nghệ tiên tiến của UAE, để đạt được mục tiêu của chương trình, nước này sẽ bổ sung 25 tỷ Emirati Dirham (đơn vị tiền tệ của UAE, tương đương 6,8 tỷ USD) vào nền kinh tế quốc gia từ nay đến năm 2031. Nước này cũng có chương trình mã hóa quốc gia giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số với các nước tiên tiến.

Tương tự như UAE, Saudi Arabia cũng đã đưa ra “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030” cách đây 5 năm. Các mục tiêu chính của tầm nhìn bao gồm củng cố các hoạt động kinh tế và đầu tư, tăng cường thương mại quốc tế phi dầu mỏ, quảng bá hình ảnh vương quốc nhẹ nhàng và thế tục hơn. 

“Kuwait Vision 2035” là một chương trình phát triển quốc gia của Kuwait nhằm biến đất nước này thành một trung tâm thương mại tài chính quốc tế và khu vực thu hút đầu tư. Trong năm tài chính 2020-2021, Chính phủ Ai Cập đã trích lập 12,7 tỷ bảng Ai Cập (800 triệu USD) để khuyến khích chuyển đổi kỹ thuật số. Nước này cũng tung ra sáng kiến có tên là “Ai Cập Kỹ thuật số”.

Các quốc gia Trung Đông khác cũng đã đẩy nhanh cải thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng Internet hiện tại, cũng như tạo ra một môi trường thuận lợi cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Theo các chuyên gia, trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, điện toán đám mây hay máy học, Trung Đông luôn dẫn đầu phần còn lại của thế giới về sự đổi mới và tiến bộ, trong đó UAE dẫn đầu thế giới Arab về đổi mới và áp dụng công nghệ.

Tin cùng chuyên mục