
“Từ trước giờ con chưa bao giờ xa gia đình, chưa bao giờ sống tự lập mà không có sự chở che của bố mẹ. Hôm nay là ngày đầu tiên con bắt đầu cuộc sống tự lập, tự trải nghiệm ở một môi trường mới. Ở đây, các bạn cũng có cảm giác như con, bỡ ngỡ và lạ lẫm, nhưng chúng con tự tin sẽ hòa nhập…”, đó là cảm xúc mà chiến sĩ Nguyễn Thùy Linh (17 tuổi, quê ở Cần Thơ) đã chia sẻ trong thư gửi cha mẹ, sau 3 ngày sống trong quân ngũ. Bất cứ ai trong 84 thanh thiếu niên tham gia chương trình “Học kỳ trong quân đội”đều có chung một cảm xúc như vậy khi lần đầu tập làm một người lính thực thụ.
Một ngày trong “quân ngũ”
Đúng 5 giờ sáng, tiếng còi hiệu lệnh của Trung đoàn 88 vang lên. Từ các dãy giường tầng sắt, các “chiến sĩ nhí” bật nhanh dậy. Một vài chiến sĩ còn ngái ngủ cố nán thêm mấy giây nhưng cũng có bạn đã thức dậy và xếp xong nội vụ (chăn, màn, chiếu) vuông vức từ trước đó. Sau 15 phút vệ sinh cá nhân, các chiến sĩ tập hợp thành các tiểu đội một cách nhanh gọn để bắt đầu bài tập thể dục buổi sáng. 24 động tác thể dục và 16 động tác võ thuật tay không trong buổi sáng hôm nay đã trở nên thật nhuần nhuyễn, khí thế đối với các chiến sĩ nhí.

Học tháo lắp súng AK, thú vị quá!
Buổi sáng các chiến sĩ học kỹ thuật sơ cấp cứu, chiều tháo lắp súng AK. Những nội dung không mới với quân nhân nhưng lại thật mới lạ, thú vị đối với các chiến sĩ nhí của “Học kỳ trong quân đội”.
Buổi trưa, hình như không chiến sĩ nào ngủ được, ai cũng hồi hộp chờ đợi để được tranh tài “tháo lắp súng nhanh nhất, đúng quy trình nhất” vào đầu giờ chiều. Đâu đó ở các phòng tập vẫn có tiếng canh cách tập tháo lắp súng: “súng này khô dầu, súng này kẹt rồi khó tháo quá…”.
Không ít chiến sĩ bị trầy xước, chảy cả máu khi tháo lắp súng nhưng không ai ngừng tập. “54 giây, thua bên kia rồi, làm lại. 49 giây, vẫn chưa được, làm lại…”. Các đội thi cứ chạy qua chạy lại để thăm dò đội bạn, tự thi đua với nhau ngay trước khi có sự tham gia của ban giám khảo.
Giây phút chờ đợi đã đến, mỗi tiểu đội cử 3 chiến sĩ đại diện tham gia thi cùng đội bạn. Hồi hộp, căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt các chiến sĩ. Trời bỗng đổ mưa nhưng tất cả không ai rời vị trí. Chiến sĩ “nhí” nhất, 13 tuổi là Thanh Nguyên, quê ở An Giang thuộc Tiểu đội 5 khóc thút thít vì tháo lắp súng vượt quá thời gian cho phép. Rồi kết quả đã có. Tiểu đội 4 tháo lắp súng hết có 41 giây, đứng hạng nhất. Tiếng reo hò của các bạn trẻ được giải nhất vang dội. Phùng Long Đại Hiệp, 15 tuổi, “thủ lĩnh” của tiểu đội tay cầm khẩu súng mới tháo lắp xong mà miệng cứ cười tít.
Tự hào là chiến sĩ!
Trong thư gửi gia đình, Hoàng Phúc (Tiểu đội 5) viết: “Mới hai ngày trôi qua nhưng con thấy mình khang khác. Con được đứng trong hàng ngũ, khoác lên mình trang phục người lính, được gọi là chiến sĩ, con hãnh diện và tự hào lắm. Con cảm thấy mình lớn ra, như một người đã trưởng thành. Tụi con ở phòng tập thể, mọi sinh hoạt cá nhân đều tự giác, con đã biết tự giặt quần áo của mình- việc nhỏ mà con chưa bao giờ làm. Hôm nay con đã quen được nhiều bạn mới, tụi con sắp thân nhau hết rồi! Thấy mọi việc cũng chẳng cực nhọc như cảm nhận của chúng con trong ngày đầu tiên…”
Chương trình “Học kỳ trong quân đội do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (Trung ương Đoàn TNCS HCM) phối hợp cùng Trung đoàn 88 (Sư đoàn 302, Quân khu 7) tổ chức. Trong 10 ngày, các sĩ quan của Trung đoàn 88 huấn luyện các em về điều lệnh quản lý bộ đội; bắn súng AK; 7 tư thế vận động trên chiến trường; sơ cấp cứu… Tiếp sau môi trường quân ngũ, các em đến Rừng quốc gia Nam Cát Tiên để được tập huấn về các kỹ năng sống trong rừng như: hành quân rừng, mắc võng, dựng bếp Hoàng Cầm, nhận biết thảo dược, xử lý tai nạn… |
Còn Hoàng Vĩnh Hảo (quận Tân Bình-TPHCM) thì viết: “Ngày đầu thấy hơi buồn nhưng bắt đầu ngày thứ hai ai cũng vui, hào hứng. Tuy đến từ nhiều miền quê khác nhau, xa nhất là Đà Nẵng, rồi Nha Trang hay An Giang, Cần Thơ… gần nhất là các bạn ở TPHCM nhưng tất cả như đã quen nhau từ lâu rồi. Mọi người rất đoàn kết, mình đã hiểu được tình đồng chí thiêng liêng mà từ trước đến nay chỉ biết qua trang sách. Thật vui, tự hào biết bao khi nghe anh tiểu đội trưởng gọi mình là chiến sĩ!”.
“Ngày thứ hai: Hôm nay, mâm cơm vẫn là món rau cải xào, canh cải, thịt kho và trứng, nhưng tụi mình không còn bỡ ngỡ, ngập ngừng. Các bạn đã xới cơm cho nhau, gắp thức ăn cho nhau, vui vẻ và ăn rất ngon lành nên mâm cơm không còn bị… “ế” nhiều như hôm qua. Vui quá vì mình đã là một chiến sĩ nhí”. Đó là những dòng nhật ký của Lê Vy, 15 tuổi, quê Cần Thơ.
Những ngày đầu, thật khó khăn khi các em phải tự làm những việc mà trước nay chưa bao giờ phải làm như: ngủ và thức dậy đúng giờ quy định của quân đội; xếp nội vụ (chăn, màn, chiếu…) gọn gàng, vuông vức; tự giặt đồ và khó hơn nữa là bữa ăn theo chế độ quân ngũ: một ngày chỉ 3 bữa cơm! “Nhớ làm sao chén cơm nóng dậy mùi thơm, bàn ăn với bao nhiêu món ngon mẹ nấu, thế mà nhiều lúc mình còn nhõng nhẽo, đòi món này món kia, chê ngọt, tanh…”, Trần Văn Minh - Tiểu đội 4 đã mở đầu trang nhật ký như thế.
Anh Nguyễn Thành Nhân, thành viên Ban Tổ chức nói vui: “Lạ kỳ, các “chiến sĩ” đã vượt qua ngày đầu một cách tuyệt diệu. Nhiều em tưởng chừng không thể hòa nhập thì đã chủ động, vui vẻ và trở thành người hùng trong chính tiểu đội của mình về sơ cứu thương, tháo lắp súng, hành quân rừng trong đêm…”. Còn Thượng tá Vũ Xuân Kiểm, Chính ủy Trung đoàn 88 cho biết: “Chương trình tập huấn “Học kỳ trong quân đội” đã rèn luyện cho các em tính tự giác, cẩn thận, tinh thần kỷ luật, đoàn kết rất tốt. Đó là bước đầu chuyển biến cho thấy sự trưởng thành của các em”.
Thanh Hợp