Chương trình này đặt trọng tâm vào việc phát triển bóng đá trẻ và 2 yếu tố được AFC nhấn mạnh, đóng vai trò “mũi nhọn” của chương trình là: truyền thông và người hâm mộ. Đến nay, bóng đá Việt Nam đã phát triển nhiều mặt, có những “quả ngọt” từ hệ thống đào tạo nhưng ở khía cạnh truyền thông thì tiến bộ rất chậm. Nếu giá trị của một nền thể thao chuyên nghiệp được cân đo bằng bản quyền truyền hình thì ở Việt Nam, con số này còn… âm. Như bản quyền của V-League, sự kiện thể thao được quan tâm nhất Việt Nam, hiện giá trị được quy đổi ra các sản phẩm quảng cáo và hợp đồng theo hình thức “hàng đổi hàng”. Bóng đá đã thế thì những giải thể thao khác càng không thể nói chuyện tiền bạc với nhau.
Một khi bản quyền truyền hình không thể bán được thì câu chuyện về bản quyền hình ảnh cá nhân VĐV hay việc sử dụng hình ảnh giải đấu trên các phương tiện truyền thông càng không có cơ sở nào để tạo nguồn thu. Về ý nghĩa, không thu được tiền thì vẫn có thể phục vụ được khán giả hâm mộ, tạo độ phủ cho các môn thể thao. Nhưng điều đó lợi bất cập hại. Giữa một người hâm mộ xem, nghe, đọc những thứ miễn phí, với một CĐV sẵn sàng trả tiền để nắm bắt thông tin về đội bóng, sự kiện, môn thể thao mà mình quan tâm là hoàn toàn khác nhau. Càng nhiều thứ miễn phí thì lực lượng nhà báo, phóng viên, bình luận viên chuyên nghiệp sẽ giảm. Các thông tin chính thống sẽ không có nhiều kênh để truyền tải, về lâu dài sẽ bị áp đảo bởi những tin đồn, tin giả.
Trong khi đó, ở thể thao chuyên nghiệp, bản quyền hình ảnh chính là tài sản. Không chỉ bán các trận đấu được truyền hình trực tiếp, thời gian trả lời phỏng vấn, nhân vật nào sẽ xuất hiện trước báo giới… đều được quy định một cách chặt chẽ và có chọn lọc. Trong đó, giới truyền thông chuyên nghiệp sẽ được ưu tiên tiếp cận thông tin. Quy trình ấy tạo ra hàng loạt công ty vệ tinh, quản lý công tác truyền thông, tiếp thị, bảo vệ hình ảnh… biến thể thao chuyên nghiệp thành một nền công nghiệp không khói nhiều lợi nhuận, tạo ra lượng lớn công ăn việc làm.
Trong khi đó, ở Việt Nam, chỉ mới gần 1 năm trước mới có một cuộc hội thảo nhỏ do Tổng cục TDTT tổ chức để bàn về việc phát triển hình ảnh cá nhân VĐV để tạo nguồn thu cho các ngôi sao lúc còn trên đỉnh cao sự nghiệp. Trước đó cũng một thời gian ngắn, đơn vị quản lý ngành mới xây dựng bộ phận chăm sóc truyền thông riêng để kết nối với các nhà báo, phóng viên.
Còn trước đó nữa, một bộ phận những nhà tổ chức - điều hành thể thao ở Việt Nam cứ đương nhiên rằng truyền thông, báo chí nếu không đưa tin về giải đấu thì lấy gì lấp đầy các trang báo hoặc sóng truyền hình. Thậm chí, có giai đoạn giữa nhà tổ chức và báo chí còn ở thế đối đầu thay vì hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nên mới có một nghịch lý: giá bản quyền thể thao quốc tế bán ở Việt Nam thì tăng chóng mặt trong khi bản quyền của các giải thể thao đỉnh cao trong nước thì không ai mua, thậm chí còn được “nhờ cậy” để được phát sóng.
Một số ý kiến cho rằng, nếu không phát miễn phí thì sẽ không ai xem. Nhưng theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, chính những người làm thể thao phải biết cách tiếp cận truyền thông, chăm chút hệ thống báo chí chính thống cũng như mạng xã hội để công tác tuyên truyền được thực hiện bài bản, qua đó tạo ra được xu hướng, khơi gợi sự quan tâm khiến CĐV háo hức được xem thi đấu. Nói cho cùng, không ai thuyết phục được người hâm mộ quan tâm đến môn thể thao của mình bằng chính những người trong cuộc. Họ phải biết cách làm hình ảnh và cũng phải có sự hợp tác tốt với giới truyền thông.
Có một thực tế, số lượng cơ quan truyền thông chuyên về thể thao tại Việt Nam ngày càng giảm. Báo viết không tăng, kể cả các báo điện tử, trong khi số kênh thể thao chuyên biệt không thay đổi nhiều, chưa kể các đài truyền hình địa phương giảm dần thời gian phát sóng thể thao. Sự sụt giảm này đương nhiên là điều bất hợp lý đối với một nền thể thao chuyên nghiệp, qua đó cũng cho thấy một mảng trống rất lớn của thể thao Việt Nam.