Tự hào là “chiến sĩ” áo trắng

Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay 2021 lại là một ngày rất khó quên khi là năm thứ hai liên tiếp, Bộ Y tế quyết định không tổ chức kỷ niệm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dù không có lễ kỷ niệm long trọng, hoành tráng, ngập tràn hoa tươi nhưng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, luôn cảm thấy ngưỡng mộ, tôn trọng và biết ơn những người được xã hội trân trọng gọi là Thầy thuốc. 

Với ngành y tế, suốt một năm qua không chỉ là chặng đường phát triển gian nan mà còn là một cuộc chiến vô cùng hiểm nguy và vất vả. Dịch bệnh Covid-19 hoành hành một lần nữa chứng minh đứng trước sự an nguy về sức khỏe, tính mạng của người dân, những người “chiến sĩ” áo trắng vẫn luôn hết lòng cống hiến, hy sinh với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Họ không chỉ chấp nhận sự thiệt thòi của bản thân và gia đình mà còn luôn sẵn sàng đương đầu với gian khổ và hiểm nguy ở tuyến đầu chống dịch.

Khi đất nước có dịch Covid-19, rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế ở mọi miền Tổ quốc đã gác lại mọi nỗi niềm riêng, xung phong ra “mặt trận” để bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân. Hình ảnh của những y bác sĩ, cán bộ dịch tễ tranh thủ mượn mặt bàn làm việc, thậm chí là hành lang, sàn nhà bệnh viện làm nơi chợp mắt, hay ăn vội hộp cơm nguội lạnh sau những giờ phút căng thẳng chiến đấu với dịch bệnh khiến nhiều người rơi nước mắt.

GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thư gửi đến cán bộ, nhân viên ngành y tế nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, đã xúc động: Trong ngày truyền thống thiêng liêng và cao quý của ngành y tế, nhiều đồng chí vẫn đang lặng lẽ, âm thầm miệt mài không ngại gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bảo vệ sức khỏe và bình an của người dân, đó cũng chính là phần thưởng xứng đáng nhất, ý nghĩa nhất mà Đảng, Nhà nước, nhân dân trao gửi. Những giọt mồ hôi, nước mắt của các đồng chí, những đêm thức trắng ở các điểm dịch, bên giường bệnh luôn được nhân dân ghi nhận. Sự hy sinh của các đồng chí là sự tiếp nối truyền thống quý báu của bao thế hệ dày công vun đắp và cũng là tấm gương sáng để các thế hệ nối tiếp học hỏi, noi theo đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhắn nhủ “Lương y phải như từ mẫu - Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Từ ngàn đời nay, những người làm nghề trị bệnh cứu người luôn được xã hội và nhân dân tôn kính. Tuy nhiên nghề y cũng vô cùng áp lực và không được phép sai lầm vì dù chỉ sơ suất nhỏ nhiều khi cũng phải trả bằng tính mạng của người khác. Không chỉ có dịch Covid-19 khiến y bác sĩ vất vả hơn mà thực tế trong công việc hàng ngày với những người làm nghề y cũng đã rất căng thẳng và mệt mỏi do bệnh nhân đông, bệnh tật lại rất đa dạng và phức tạp. Vì thế chẳng mấy y bác sĩ có được trọn vẹn một ngày nghỉ cuối tuần, hay ngày lễ, tết sum họp đầy đủ với gia đình, người thân. Cũng khách quan thấy rằng trong xã hội hiện nay, cuộc sống của y bác sĩ không còn khó khăn như ngày trước, thậm chí không ít người còn có thu nhập rất tốt. Điều này hoàn toàn bình thường và xứng đáng với công sức, cống hiến của họ cho xã hội và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Làm thầy thuốc là gánh trên vai trọng trách cứu người. Y bác sĩ nào cũng mong chữa lành bệnh cho bệnh nhân, vì đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là danh dự. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19, những y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế đang căng mình chống dịch cần được tôn vinh, chia sẻ, động viên bằng những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa thay vì những lời tung hô sáo rỗng. Còn đối với bất cứ ai lợi dụng việc được khoác trên mình tấm áo blouse trắng để trục lợi, vun vén cá nhân từ dịch bệnh, hay sức khỏe người bệnh, cần phải bị xử lý thật nghiêm khắc. Có như vậy  những con người đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân mới cảm thấy được bình đẳng và tự hào khi được xã hội và nhân dân gọi là Thầy thuốc.

Tin cùng chuyên mục