Trung Quốc nổi tiếng với các công trình kiến trúc mô phỏng thắng cảnh nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel ở Hàng Châu, Nhà Trắng ở Bắc Kinh, cầu tháp London ở Tô Châu, đường chân trời Manhattan… Nhưng giờ đây, Zaha Hadid, nữ kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đang đảm nhận 11 công trình cho Trung Quốc, mong muốn hành động này phải dừng lại.
Một ngôi làng mô phỏng làng Hallstatt thơ mộng nổi tiếng ở Áo với những ngôi nhà cổ kính, có nhà thờ mang phong cách phương Tây, bưu điện công cộng kiểu châu Âu cùng nhiều công trình sao chép khác… vừa được khai trương tại TP Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Ngôi làng nhái giống y hệt ngôi làng bình yên nguyên bản nằm bên dãy núi Alps thuộc vùng Salzkammergut từng được UNESCO thừa nhận là di sản thế giới. Khi được thông báo về công trình bản sao này, giới chức ngành du lịch Áo đã thừa nhận đây là một sự trao đổi văn hóa nhằm thúc đẩy du lịch với kỳ vọng có thể thu hút du khách Trung Quốc đến thăm làng Hallstatt.
Vấn đề của Trung Quốc và thái độ của quốc gia này đối với quyền sở hữu trí tuệ lại được khơi dậy khi trình độ sao chép của Trung Quốc đã đạt một tầm cao mới: công trình kiến trúc xây nhái hoàn thành trước cả công trình gốc. Điển hình là công trình Wangjing Soho gồm 3 tòa nhà do bậc thầy làng kiến trúc Zaha Hadid xây dựng ở Bắc Kinh đang chạy đua với một công trình được các kiến trúc sư vi phạm tác quyền ở Trùng Khánh nhân bản. Điều không thể tin nổi là công trình nhái được xây dựng ở Trùng Khánh dự kiến sẽ hoàn tất trước cả công trình gốc ở Bắc Kinh.
Hadid đang thực hiện đến 11 dự án ở Trung Quốc chứ không riêng gì khu tổ hợp cao cấp Wangjing Soho. Theo China Daily, tòa nhà này, lấy cảm hứng từ Vạn Lý Trường Thành, là một bước ngoặt lớn về kiến trúc ở Trung Quốc.
Kiến trúc sư Zaha Hadid đang chuẩn bị thủ tục pháp lý để kiện trùm bất động sản Pan Shiyi, Chủ tịch Soho, về tội sao chép gần như nguyên xi ý tưởng thiết kế công trình Wangjing Soho để xây dựng một công trình giống hệt ở Trùng Khánh.
Hadid cho biết bà hoàn toàn thoải mái nếu có những công trình lấy ý tưởng từ tòa nhà của bà, nó có thể giống ở một vài đặc điểm nhưng nó bắt buộc phải có những điểm khác biệt, nếu không công trình đó chỉ là đi ăn cắp. Điều này được Hadid ví như nước được lấy từ cùng một giếng. Bà sẽ không thể giữ im lặng. Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ (China Intellectual Property) của Trung Quốc, cho đến nay, luật pháp Trung Quốc chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến kiến trúc. Nếu các vụ kiện bị đưa ra tòa, chẳng hạn như vụ Soho sao chép, nhiều khả năng bên sao chép sẽ chỉ phải nộp phạt cho hãng kiến trúc của Zaha Hadid chứ không phải hủy cả công trình đang xây dở kia.
Hạnh Chi (tổng hợp)