Tủ thờ Gò Công đi Tây

Tủ thờ Gò Công đi Tây

Tủ thờ Gò Công (Tiền Giang) đã vang danh khắp miền Nam từ nhiều năm nay với ưu thế bền, đẹp, hoa văn tinh xảo... Điều ngạc nhiên là những nông dân Gò Công không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà gần đây họ còn đưa sản phẩm xuất sang châu Âu, châu Á, châu Mỹ... làm rạng danh tủ thờ Gò Công.

  • 5 đời đóng tủ thờ
Tủ thờ Gò Công đi Tây ảnh 1

Cẩn hoa văn cho tủ thờ Gò Công.
Ảnh: H.P.L.

Từ trung tâm huyện Gò Công Đông, theo Quốc lộ 50 khoảng 5km là đến làng tủ thờ Gò Công. Phó chủ tịch UBND xã Tân Trung- Phan Thành Trí, hân hoan cho biết: “Lúc này đang vào mùa cao điểm sản xuất tủ thờ cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, đồng thời phục vụ xuất khẩu nên làng tủ thờ hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm”.

Ông Ngô Tấn Đức (Ba Đức), người đóng tủ thờ có tiếng ở Gò Công, khoe: “Cái tủ thờ to đùng trị giá 20 triệu đồng để trước nhà là do tôi cùng nhóm thợ làm ròng rã gần 90 ngày công mới xong, giao cho khách hàng ở dưới Kiên Giang.

Tuy nhiên, loại tủ này cũng thường thôi, mỗi tháng làm hàng chục cái. Bên cạnh đó,  tôi còn đóng những tủ thờ lớn trị giá 35 triệu đồng, chuyên xuất sang các nước châu Âu...”.

Làng tủ thờ Gò Công có khoảng 160 cơ sở lớn, nhỏ hoạt động chuyên nghiệp theo dạng “cha truyền con nối”. Trong đó, riêng ấp Ông Non quy tụ khoảng 50% cơ sở.

Tiếng tăm nhất làng là dòng họ nhà ông Ba Đức đã 5 đời gìn giữ và phát triển nghề này. Theo lời kể của ông Ba Đức, nghề đóng tủ thờ ra đời cách đây hàng trăm năm do cụ cố của ông từ miền Bắc mang vào.

Thời đó, tủ thờ được đóng rất đơn sơ, chân vuông thấp, không có hoa văn. Đến đời ông nội  ông mới sáng chế ra chân quỳ, mực nằm bên trong, có mộng, có én... Trông  bề ngoài dễ coi hơn nhưng do chưa có kinh nghiệm và thiếu đồ nghề nên tủ thờ chỉ dừng lại ở mức 3 trụ (3 đũa).

Sau, thợ cả Năm Chung (cha ông Ba Đức), mày mò nhiều năm mới làm được 5 trụ rồi lên 7 trụ. Song song đó, ông bỏ hẳn những loại gỗ ngày xưa thường đóng như gõ mật, gõ đen... không giá trị để chuyển sang đóng bằng cẩm lai, gõ mun... nâng giá trị tủ thờ lên cao hơn.

Đến giờ, ông Ba Đức nối nghiệp đưa tủ thờ lên 9 trụ rồi 11 trụ, 15 trụ, 17 trụ, 19 trụ và 21 trụ... Mặt khác, còn nâng cao hạn sử dụng tủ thờ, mẫu mã hoa văn được cải tiến liên tục... Lúc này, vấn đề tiếp thị, mở rộng thị trường thu hút khách hàng được chú trọng. Tiếng tăm làng tủ thờ Gò Công vang xa và Gò Công trở thành nơi sản xuất, cung cấp tủ thờ độc nhất ở phía Nam.

  • Đưa tủ thờ xuất ngoại

Những năm gần đây, làng tủ thờ không ngừng lớn mạnh, thị trường được mở rộng nhiều nơi. Tuy nhiên, làng nghề vẫn giữ các công đoạn, phương pháp thủ công truyền thống để đảm bảo nét tinh xảo, đặc sắc của tủ thờ.

Thông thường, để đóng tủ thờ chất lượng phải chọn cây gỗ tốt, phơi khô để không bị nhót (co giãn). Kỹ thuật đóng công phu, đặc biệt phải chọn nét cẩn phù hợp và sắc sảo.

Ông Ba Đức cho rằng: “Cẩn là yếu tố quan trọng làm đẹp tủ thờ nên từng nét cẩn phải được thực hiện kỹ lưỡng. Khách hàng thường thích cẩn hình họa long - lân - quy - phụng; nhị thập tứ hiếu; mai - lan - cúc - trúc; chân cẩn đầu rồng - mình mai...”.

Anh Ngô Tấn Nhựt, chủ cơ sở tủ thờ ở xã Tân Trung giải thích: “Nếu như trước đây 1 người đóng toàn bộ một tủ thờ thì nay chia ra mỗi người làm từng công đoạn. Cách này vừa nhanh, vừa nâng chất lượng sản phẩm lên rõ rệt nhờ tính chuyên nghiệp. Những tủ lớn nhiều hoa văn, hồi trước phải 3 tháng mới giao hàng, còn bây giờ chỉ cần 1 tuần là xong”.

Tủ thờ Gò Công đi Tây ảnh 2

Ông Ba Đức bên sản phẩm tủ thờ độc đáo của mình.
Ảnh: H.P.L.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, các cơ sở sản xuất còn đưa tủ thờ xuất ngoại. Ông Ba Đức nhớ lại: “Cách nay khoảng 6 năm, 2 vị khách người Mỹ nhờ người quen ở TPHCM đưa xuống Gò Công cả tuần để ngắm nghía tủ thờ.

Họ xem kỹ lưỡng từng công đoạn, nét hoa văn... rồi đặt đóng 4 tủ thờ với giá 140 triệu đồng, thời gian giao hàng là 1 tháng, theo mẫu mã họ đưa ra.

Tuy nhiên, chỉ 2 tuần là tôi làm xong, với một số sáng chế đẹp hơn khiến họ bất ngờ”. Kế đến khách hàng từ Canada, Úc, Pháp, Anh, Hàn Quốc... cũng đến đặt mua tủ thờ.

Theo ông Ba Đức, khách quốc tế đánh giá cao nét hoa văn sắc sảo, độ bền và vẻ trang nghiêm của tủ thờ Gò Công. Nhiều người không tin những thợ đóng tủ ở đây chẳng ai học qua sách vở... mà tự tìm tòi sáng tạo làm ra.

Theo UBND xã Tân Trung, làng nghề tủ thờ mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhiều hộ không đất đai sản xuất, nay giàu lên nhờ đóng tủ thờ. Riêng gia đình ông Ba Đức có đến 9 cơ sở, quy tụ trên 150 thợ tham gia. Bình quân 1 thợ thu nhập từ 70.000đ- 100.000đ/ngày, cao gấp đôi so với làm nghề khác.

Để nhân rộng làng nghề và mở thêm thị trường xuất khẩu, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cần phối hợp cùng các cơ sở và chính quyền địa phương xúc tiến xây dựng thương hiệu độc quyền cho tủ thờ Gò Công.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục