
Trước khi diễn ra cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành qui mô và hoành tráng vào sáng nay 30-4, tối qua 29-4, một không khí tưng bừng náo nhiệt đã bùng lên tại tất cả các lễ hội mừng “Mùa xuân đại thắng”.
Chung quanh khu vực các sân khấu, các tụ điểm vui chơi giải trí trong toàn thành phố tràn ngập không khí “Đất nước trọn niềm vui”. Sau 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mọi người lại có dịp biểu thị niềm tự hào đầy kiêu hãnh, nồng ấm tình người.

Đường phố rực rỡ trong đêm pháo hoa 29-4.
Ngay từ chập tối, từng dòng người đổ về trước sân khấu lớn tại quảng trường Nhà hát TP chờ đón giờ khai mạc lễ hội chính “Thành phố Hồ Chí Minh- hòn ngọc tỏa sáng” với tâm trạng náo nức. Lần đầu tiên thành phố dựng một sân khấu rất qui mô, hiện đại và mang đậm dấu ấn Việt Nam. Phong cảnh làng quê yên bình được thể hiện ngay ở phần thiết kế sân khấu với dòng sông nước chảy, những khóm cây, nhà tranh thoảng chút tình tự quê hương.
Đến dự khai mạc lễ hội có đồng chí Lê Thanh Hải, UVTƯ Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; nhiều vị lãnh đạo trung ương và TPHCM; 35 vị khách thuộc 15 nước có đóng góp đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; Tổng Lãnh sự và Phó Tổng Lãnh sự các nước tại TP Hồ Chí Minh, đại biểu 100 cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đọc lời chào mừng, trân trọng cảm ơn các vị khách quý và tất cả bè bạn trong và ngoài nước đã nhiệt tình đến với TP Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm trọng đại này. Ông nhấn mạnh: “Ngày thắng lợi 30 tháng 4 năm 1975 mãi mãi trở thành biểu tượng rực rỡ trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam…
- Một đại tiệc nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc

Ngay sau đó, chương trình lễ hội lớn mang tên “TP Hồ Chí Minh- hòn ngọc tỏa sáng” diễn ra thật sôi động với phần trình diễn bộ gõ “Hào khí non sông” do Nhà hát Bông Sen thực hiện.
Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM tiếp nối chương trình với một tổ khúc múa uy nghi, hùng tráng mang tên “Dấu ấn lịch sử”. Tham gia biểu diễn tại lễ hội này còn có 11 đoàn nghệ thuật đến từ 8 quốc gia: CHND Trung Hoa, CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Vương quốc Thái Lan.
Có thể hiểu rằng bạn bè trong nước và quốc tế đến đây vào dịp này không chỉ để tham dự lễ hội, mà còn để chia sẻ cùng nhân dân thành phố niềm hạnh phúc được vui sống trong hòa bình sau những năm dài bị chiến tranh xâm lược. Những tiết mục ca múa nhạc ca ngợi công cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta, Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, những thành tựu trong thời kỳ đổi mới, được dàn dựng công phu, đầy màu sắc gây ấn tượng đẹp đối với người xem.

Biểu diễn cải lương trên mô hình sông nước Nam bộ.
Lễ hội đã đem lại cho công chúng một bữa đại tiệc nghệ thuật đầy cảm xúc và mang đậm bản sắc dân tộc. Trong hàng vạn người đổ về sân khấu nơi diễn ra chương trình “Sài Gòn – TPHCM hòn ngọc tỏa sáng” có không ít du khách và phóng viên nước ngoài.
Ông Dany, người Mỹ, 62 tuổi đứng lẫn trong đám đông những người dân thành phố tham gia lễ hội cho biết: “Khi chiến tranh xảy ra ở Việt Nam thì tôi là một thanh niên 30 tuổi. Tôi may mắn không phải tham gia cuộc chiến phi nghĩa ấy. Nhưng tôi vinh dự khi có mặt ở Việt Nam nhất là ở TPHCM hôm nay và chứng kiến không khí lễ hội vui tươi của các bạn. Tôi chợt hiểu sâu sắc ý nghĩa của hòa bình…”.
Bạn Nguyễn Hoàng Anh, 18 tuổi, ở số 15 Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận dìu một bà cụ 70 tuổi đi dọc đường Đồng Khởi đến với sân khấu Nhà hát Thành phố nói: “Em sinh ra và lớn lên sau chiến tranh nhưng gia đình em có chú em là liệt sĩ. Chú hy sinh khi chỉ còn mấy ngày nữa là giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Bà em cứ tới ngày này là lại không cầm được nước mắt”.

Tấu trống “Hào khí Thăng Long” mở màn chương trình lễ hội.
Lê Thu Hiền 20 tuổi, nhà ở Thủ Đức cùng những người bạn đứng trước một bãi giữ xe gần NVH Thanh niên. Hiền nói: “Tụi em đi từ 4 giờ chiều để còn kịp coi biểu diễn văn nghệ. Lễ hội tổ chức thật sôi nổi, thật vui tươi. Để có ngày vui hôm nay 30 năm trước có biết bao lớp người phải hy sinh xương máu. Tuy không biết về chiến tranh nhưng những bài học lịch sử cũng như những gì mà ba mẹ em trải qua khiến em cảm nhận được niềm hạnh phúc của lớp trẻ không phải chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ…”.
Hàng ngàn người dân, trên đường đi đến khu vực trung tâm lễ hội đã thích thú dừng lại xem những tấm ảnh “Sài Gòn – TPHCM nhìn từ trên không” đang được triển lãm tại công viên Chi Lăng và đường Đồng Khởi. Các bãi giữ xe gắn máy ở gần khu vực trung tâm từ trước 20 giờ đều quá tải.
- Niềm vui lan tỏa từ trung tâm thành phố ra ngoại thành
Hòa trong không khí phấn khởi chung, các sân khấu khác cũng thu hút rất đông khán giả tạo nên một cuộc biểu dương lực lượng văn hóa nghệ thuật cách mạng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Ngay từ 19 giờ, khắp mọi nẻo đường, hàng vạn người dân đã nô nức hướng về công viên 30-4, công viên 23-9 và Nhà hát TP.

Đám cưới Nam bộ được tái hiện trong lễ hội.
Tại công viên 30-4, những công việc chuẩn bị cuối cùng vẫn đang tiến hành, tuy chưa cho người dân vào tham quan nhưng hàng ngàn người vẫn xếp hàng kín xung quanh để thưởng lãm rừng đèn hai màu xanh đỏ rọi sáng toàn bộ công viên. Tại NVH Thanh niên, sau một số chương trình kỷ niệm vào buổi sáng, đến tối nhiều thanh niên vẫn tập trung về đây xem triển lãm ảnh về những ngày giải phóng.
Nhà hát Bến Thành cũng là một điểm đến của khá đông người dân, tại đây xem chương trình âm nhạc “Nhánh lan rừng” của nhạc sĩ Thế Hiển. Anh và các ca sĩ bạn bè, học trò của anh đã biểu diễn hết mình những ca khúc mừng kỷ niệm 30-4.
Hàng ngàn người dân đã tới sân khấu ngoài trời của công viên 23-9 thưởng thức các trích đoạn những vở cải lương do các đoàn tham dự hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005 biểu diễn. Những người không thể vào xem trực tiếp có thể xem qua một màn hình nước khổng lồ đặt sát đường Phạm Ngũ Lão.

Đoàn nghệ thuật Trung Quốc.
Đi ra các quận khác và ngoại thành, chúng tôi nhận thấy nhiều chương trình văn hóa, biểu diễn văn nghệ đã diễn ra trong không khí nô nức phấn khởi của đông đảo người dân địa phương. Không gian TTVH quận 10 rừng rực khí thế hào hùng vang lên từ giai điệu của những bài ca cách mạng trong lễ tổng kết và phát giải “Liên hoan ca múa nhạc truyền thống cách mạng lần thứ 13 – 2005”.
Các tiết mục xiếc tại Đền Bến Dược huyện Củ Chi biểu diễn hấp dẫn, đặc biệt là từng đợt pháo hoa đẹp rực rỡ cả một vùng trời- Chương trình ca múa nhạc và hội chợ triển lãm phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa cũng diễn ra sôi nổi. TTVH quận 12 đã tổ chức khánh thành Nhà văn hóa Tân Thới Hiệp khang trang rộng rãi, là điểm biểu diễn chương trình “Đêm hội văn nghệ – thời trang” và lễ hội “Gánh hàng rong” vui tươi, hấp dẫn…
Các TTVH quận huyện khác cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí phục vụ đông đảo người dân địa phương trong dịp lễ 30-4, 1-5.
NHÓM PV
Đêm an toàn, trật tự
Để tránh ùn tắc giao thông, trước đó, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và các lực lượng phối hợp đã tiến hành phân luồng một số tuyến đường dẫn về khu vực này. Về tình hình an ninh trật tự xung quanh các khu vực lễ đài mít tinh trên đường Lê Duẩn, Công viên tượng đài Bác Hồ, khu vực bắn pháo hoa, Nhà hát thành phố, Công viên 23-9, Thiếu tá Đinh Kim Lợi, Phó trưởng Công an phường Bến Nghé cho biết các điểm tập trung đông người đã được bảo vệ tốt. Hiện tượng kẻ xấu lợi dụng nơi đông người để móc túi, cướp giật đã không xảy ra. Đến 23 giờ, tình hình trật tự giao thông khu vực trung tâm thành phố đã trở lại bình thường. Theo tin từ Công an TP, tình hình ANTT tại các quận, huyện được đảm bảo. |