Tượng đài ở TPHCM hiện nay: Chưa xứng tầm

Những năm gần đây, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm đến những vấn đề văn hóa đô thị của TP, trong đó có tượng đài. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hệ thống tượng đài ở TPHCM hiện nay, nhiều người cho rằng: chưa xứng tầm.
Tượng đài ở TPHCM hiện nay: Chưa xứng tầm

Những năm gần đây, lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm đến những vấn đề văn hóa đô thị của TP, trong đó có tượng đài. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hệ thống tượng đài ở TPHCM hiện nay, nhiều người cho rằng: chưa xứng tầm.

  • Tượng đài ngày càng...xấu?

Theo một khảo sát của Sở VH-TT-DL TPHCM, trên toàn địa bàn TP có 44 tượng đài nằm rải rác ở nhiều quận huyện. Trong đó có 13 tượng đài về nhân vật lịch sử, 24 tượng đài sự kiện lịch sử, 2 tượng đài về danh nhân văn hóa, 1 tượng đài mỹ thuật… Trong đó có 16 tượng đài cần xây dựng mới hoặc thay thế chất liệu hoặc tu bổ, cải tạo, nâng cấp.

Nét đặc trưng chung của hầu hết tượng đài ở TPHCM đều được xây dựng bằng bê tông cốt thép, chính vì thế qua năm tháng mưa gió, tượng đài dễ bị xuống cấp, trông rất kém mỹ quan.

Nếu dạo quanh một vòng những tượng đài nằm ở khu vực quận 3, 5, 10, 11… dễ dàng bắt gặp những hình ảnh không mấy đẹp ở một số tượng đài. Chẳng hạn như tượng đài truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TP đặt tại ngã bảy (Lý Thái Tổ), phía dưới tượng đài, thời gian gần đây không biết “sáng kiến” của đơn vị nào khá lạ là xung quanh tượng, dựng những cái nia tròn tròn có ghi các dòng chữ bằng màu sơn đỏ chói, nội dung: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm bảo vệ môi trường trong sạch”?! Những câu khẩu hiệu thế này được đặt ở những vị trí công cộng, dân chúng dễ nhìn, là cần thiết.

Tuy nhiên, với trường hợp này, thì rõ ràng chưa biết hiệu quả ra sao, nhưng trước mắt người dân, đây là một hình ảnh không đẹp chút nào, dễ gây tác dụng ngược và còn làm che khuất những tấm bảng vốn dĩ nhỏ bé nằm phía dưới tượng đài nói về cuộc biểu tình ngày 1-5-1966 của 40.000 công nhân, lao động, đồng bào các giới ở TP.

Ở chợ Nguyễn Tri Phương, có tượng đài Quang Trung được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, từng được nhân dân đóng góp sửa chữa vào năm 1995, nhưng nay cũng đang xuống cấp. Khu vực xung quanh tượng đài, nhiều mảng gạch lát bắt đầu bong tróc.

Tượng đài Lê Lợi (vòng xoay Cây Gõ) được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, trước năm 1975, mặc dù đã được sơn phết lại, nhưng cũng đang xuống cấp. Điều đáng nói hơn, dưới chân tượng đài này có những mảng tường trống nhưng lại không hề có ghi bất kỳ một dòng chữ nào về vị vua sáng lập nhà Hậu Lê.

Tượng đài kỷ niệm truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM tại Ngã Bảy (Lý Thái Tổ). Ảnh: AN DUNG

Tượng đài kỷ niệm truyền thống đấu tranh của công nhân lao động TPHCM tại Ngã Bảy (Lý Thái Tổ). Ảnh: AN DUNG

  • Nỗi niềm đâu chỉ của... tượng!

Kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: “Ngoài những tượng đài hiện hữu, TP cũng nên tính toán ngay việc xây mới một tượng đài mang tính lịch sử, biểu tượng của TPHCM, một TP hơn 300 tuổi. Tôi nghĩ, việc này đòi hỏi phải huy động tổng lực về chất xám của nhân tài, cũng như đầu tư tiền bạc. Như thế mới có một công trình kiến trúc, văn hóa để lại cho muôn đời sau…”

Ở một TP năng động, phát triển như TPHCM thì việc quan tâm nâng cấp, xây mới tượng đài, tạo không gian thoáng đẹp cho tượng đài là hết sức cần thiết. Thậm chí có những tượng đài, nếu xét thấy tính lịch sử chưa phù hợp, cần nghiên cứu để thay mới cho phù hợp hơn.

Chẳng hạn như tượng đài Phù Đổng Thiên Vương ở ngã sáu Cách Mạng Tháng Tám, có những ý kiến cho rằng, cách thể hiện chưa thật ấn tượng về một thân hình cường tráng của sức trẻ, cũng như sự cách điệu chưa đúng với truyền thuyết, cần phải thay đổi.

Còn tượng đài Quang Trung đặt ở trước chợ Nguyễn Tri Phương có thể nghiên cứu thay thế bằng tượng Nguyễn Tri Phương. Bởi địa điểm này gắn liền với Đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương xây lên để chống Pháp…

Với biểu tượng Hồ Con Rùa (khu vực vòng xoay Võ Văn Tần - Phạm Ngọc Thạch), nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của nó. Ở nơi đây, nên chăng xây dựng tượng đài học sinh, sinh viên, thể hiện tinh thần, lòng yêu nước của giới trẻ Sài Gòn trong những tháng ngày xuống đường tranh đấu chống Mỹ.

Đó là “nỗi niềm” của những tượng đài đã có. Nhưng có những tượng đài chỉ nằm trên giấy chưa được xây dựng thì càng đau xót hơn. Lâu nay, nhiều kiến trúc sư, họa sĩ, giới điêu khắc ở TPHCM nghe nói nhiều về chuyện thi thiết kế, xây dựng tượng đài Nam bộ kháng chiến. Thế nhưng, sau nhiều năm trôi qua, tất cả dường như cũng chỉ nằm trên giấy.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn tại công viên Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành). Ảnh: AN DUNG

Tượng đài Trần Nguyên Hãn tại công viên Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành). Ảnh: AN DUNG

  • Cần một tầm nhìn

Với thực trạng hiện nay, rõ ràng việc quy hoạch, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới hệ thống tượng đài ở TPHCM đang đòi hỏi ngày càng cấp thiết. Với các tượng đài xuống cấp, việc sửa chữa, nâng cấp là tất yếu. Nhưng để việc sửa chữa, nâng cấp cũng như xây mới tượng đài đúng tầm của một đô thị lớn rất cần sự quy hoạch. Nếu càng chậm quy hoạch, chậm công bố quy hoạch rộng rãi trong quần chúng nhân dân thì việc xây dựng tượng đài càng về sau, càng khó khăn.

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho biết: “TPHCM hiện nay không thiếu những họa sĩ tài giỏi góp phần làm đẹp tượng đài. Nhưng vấn đề hiện nay là chúng ta chưa có một quy hoạch cụ thể, cũng như việc định hướng phát triển tượng đài thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế… Tôi nghĩ, về lâu dài, TP có những khảo sát, quy hoạch cụ thể và việc quản lý, phát triển tượng đài cũng nên phân cấp quản lý để đạt hiệu quả hơn”.

Kiến trúc sư Dương Hồng Hiến, hội viên Hội Kiến trúc sư TPHCM, nhìn nhận: “Ở những tượng đài đã có ở TPHCM nhìn chung là không tạo ấn tượng vì thiếu cái nhìn về tổng thể của không gian kiến trúc chung quanh nuôi dưỡng tượng đài… Việc cần làm trước tiên là ngồi lại bàn việc làm sạch các không gian đó, tổ chức lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn”.

ĐỖ HẠNH - HỮU VIỆT

Tin cùng chuyên mục