Tương lai của thế giới: Tăng trưởng carbon thấp

Theo đánh giá của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (trụ sở ở Oslo, Na Uy), chi tiêu cho các dự án carbon thấp của thế giới sẽ tăng 10% trong năm 2023.

Đầu tư tăng mạnh

Theo báo cáo của Rystad Energy, việc tăng đáng kể đầu tư vào các dự án hydro và hạ tầng thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), cùng các dự án về năng lượng gió tăng mạnh sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu cho các dự án năng lượng carbon thấp.

Tổng vốn đầu tư lũy kế vào các dự án CCUS, địa nhiệt, hydro, thủy điện, điện gió, năng lượng hạt nhân và năng lượng Mặt trời của thế giới sẽ đạt 620 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 560 tỷ USD của năm 2022. Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng 21% trong năm 2022, lần đầu tiên vượt qua chỉ tiêu cho ngành dầu khí, giữa lúc giá điện cao thúc đẩy các quốc gia tiếp tục đa dạng hóa cơ cấu năng lượng trong nước.

Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng Mặt trời trong năm nay dự kiến tăng 6% so với năm ngoái, lên 250 tỷ USD. Mặc dù giá trị đầu tư tăng không đáng kể nhưng công suất lắp đặt điện Mặt trời sẽ tăng khoảng 25% lên 1.250 GW. Trong khi đó, chi tiêu cho các dự án hydro và CCUS dự kiến đạt các mức tăng theo năm lần lượt là 149% lên 7,8 tỷ USD và 136% lên 7,4 tỷ USD trong năm 2023.

Đầu tư vào thị trường thủy điện trong năm nay dự kiến giảm so với năm ngoái, trong khi đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân được dự báo không thay đổi. Đầu tư vào điện gió trên đất liền sẽ tăng 12% lên khoảng 230 tỷ USD, trong khi đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi dự kiến tăng 20%, lên 48 tỷ USD trong năm 2023.

Dự án Công viên năng lượng Mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum tại UAE

Dự án Công viên năng lượng Mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum tại UAE

Chuyên gia Audun Martinsen, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng tại Rystad Energy, nhận xét, lạm phát gia tăng thường gây khó khăn cho hoạt động đầu tư vào các dự án nói trên, song cho rằng chi tiêu có thể sẽ tăng trở lại trong những năm tới. Triển vọng của lĩnh vực hydro và CCUS là rất tươi sáng nhờ các tiến bộ công nghệ cũng như tính khả thi trên quy mô lớn của các giải pháp này.

Cần tăng tốc

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ chủ trì hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) trong tháng 11 và 12 tới.

Ông Sultan Al Jaber, đặc phái viên khí hậu UAE kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn dầu mỏ hàng đầu ADNOC, Chủ tịch COP 28, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung vào các mục tiêu giảm khí thải.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu ở Abu Dhabi, Chủ tịch COP28 nhấn mạnh, chừng nào còn sử dụng các hợp chất hydrocarbon, thế giới phải đảm bảo loại sử dụng có hàm lượng carbon ít nhất có thể. UAE tin rằng dầu mỏ vẫn đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, nên phải tìm cách thúc đẩy các công nghệ lưu trữ carbon, tách CO2 khi đốt nhiên liệu hoặc CO2 có trong không khí. Ngành năng lượng cũng cần nhanh chóng phi carbon hóa, giảm khí methane và tăng cường khí hydro.

Cũng theo đánh giá của ông Al Jaber, thế giới chưa tìm ra đúng lộ trình để thực hiện mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5oC vào cuối thế kỷ, khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030.

Ông nhấn mạnh năng lượng tái tạo cần tăng gấp 3 vào năm 2030, trong khi sản lượng hydro phải tăng gấp đôi và ngành nông nghiệp, vốn gây ra 30% khí thải toàn cầu, phải được cải cách mạnh mẽ. Thế giới đang đứng trước điểm chuyển giao lịch sử, tăng trưởng carbon thấp là tương lai nhưng thế giới cần tăng tốc.

Tin cùng chuyên mục