Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 đang được làm nóng bởi nhiều trường đại học công bố mở hơn 30 chuyên ngành, ngành học mới để thu hút thí sinh. Tuy nhiên, mới đến đâu, mới như thế nào và phải chăng chỉ là “bình mới, rượu cũ”… vẫn là câu hỏi lơ lửng.
Ồ ạt thêm ngành – chuyên ngành mới
Khởi phát những ngành nghề mới là các trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM khi dự kiến tuyển mới các ngành y (Khoa y), ĐH Bách khoa mở thêm ngành Kiến trúc dân dụng – Công nghiệp và ĐH Quốc tế cũng dự kiến mở thêm 5 ngành mới thuộc khối kỹ thuật.
Cùng với “người anh em” ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng “nở” thêm một số ngành mới như Hóa dược (ĐH Khoa học Tự nhiên), Việt Nam học (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn).
Trong số các ĐH vùng, ĐH Đà Nẵng cũng dự kiến tuyển thêm 2 ngành mới là Quản lý công nghiệp và Luật kinh doanh.
Trong khi đó, đối với các trường thuộc khối nông lâm – ngư nghiệp như ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, ĐH Nông Lâm TPHCM vốn dĩ ít được sự quan tâm của thí sinh, năm nay cũng lên tiếng với gần chục ngành, chuyên ngành mới như: Công nghệ sinh học môi trường, Hệ thống thông tin môi trường, Kỹ thuật thông tin lâm nghiệp, Kinh tế - quản lý nuôi trồng thủy sản…
Trong số hơn 30 trường công bố chỉ tiêu và thông báo có thêm nhiều ngành mới, nếu nhìn kỹ hơn sẽ thấy chỉ có ĐH Quốc gia TPHCM tuyển thêm ngành mới là ngành Y thuộc Khoa Y mới thành lập. Theo đó, dự kiến chương trình đào tạo ngành y sẽ được xây dựng theo chương trình mới so với chương trình đào tạo ngành y hiện nay tại nước ta.
Điểm nhấn của chương trình mới là áp dụng một số nội dung, phương pháp giảng dạy mới của các quốc gia tiên tiến. Trong đó, những điểm khác biệt nhất của chương trình mới gồm: Tập trung đổi mới ở giai đoạn tiền lâm sàng, tích hợp hệ thống (không dựa vào bộ môn như hiện nay), giảm giờ học, tăng kiến thức mới (khoảng 20 học phần tự chọn), tiếp xúc sớm với bệnh và bệnh nhân.
Cũ người mới ta
Thực tế cho thấy, những ngành mới mà nhiều trường đại học công bố thực chất có những ngành đã rất cũ. Chẳng hạn như Kế toán, Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị khách sạn, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã được các trường đại học khác đào tạo từ lâu.
Thực chất của việc nhiều trường thông báo mở thêm nhiều chuyên ngành và ngành mới là để tự làm mới mình và thu hút sự chú ý của thí sinh. Nếu không thận trọng, thí sinh sẽ rơi vào vết xe đổ của nhiều sinh viên thi đỗ nhưng khi theo học thì nản, thậm chí bỏ ngang giữa chừng…
Bài học trong kỳ thi tuyển sinh 2009 vẫn còn nguyên tính thời sự khi nhiều ngành mới không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có ngành chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển… rồi phải chịu cảnh học ghép, học trái ngành.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, những chuyên ngành hay ngành mới mà các trường ĐH – CĐ công bố trong kỳ thi tuyển sinh năm 2010 thực chất không mới. Riêng chỉ có ĐH Quốc gia TPHCM và Hà Nội được hưởng cơ chế riêng là được phép đào tạo thí điểm những ngành mới nằm ngoài danh mục những ngành nghề đã được phê duyệt.
Điều quan trọng là thí sinh đừng quá bận tâm hay bị cuốn vào “ảo giác” ngành mới mà cần cân nhắc kỹ, hiểu rõ đặc thù, nhu cầu xã hội từng ngành và trên hết phải yêu thích những ngành nghề đó mới theo.
Mặt khác, thí sinh cũng cần cân nhắc với những tên ngành có gắn mác “công nghệ”, những ngành có tên gọi hấp dẫn vì không phải ngành nào cũng hợp với khả năng của mình và nhu cầu xã hội đang cần.
THANH HÙNG