Ngày 7-5, 34 Sở GD-ĐT phía Nam bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường ĐH, CĐ. Lượng hồ sơ ĐKDT giảm mạnh và nhiều trường vốn có lượng dự thi đông vào các năm trước lại kém thu hút thí sinh (TS).
- Hồ sơ giảm mạnh
Lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm mạnh là tình trạng chung của hầu hết các tỉnh thành phía Nam. TPHCM là nơi có lượng hồ sơ sụt giảm nhiều nhất. Năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM có khoảng 140.900 hồ sơ, giảm gần 10.000 hồ sơ so với năm 2009. Văn phòng tuyển sinh Bộ GD-ĐT phía Nam chỉ nhận được hơn 24.000 hồ sơ, giảm 1/3 so với năm ngoái. Tương tự, Sở GD-ĐT Đồng Nai nhận hơn 48.400 hồ sơ, giảm hơn 4.500 hồ sơ dự thi so với năm trước. Tương tự, Sở GD-ĐT Cần Thơ giảm khoảng 6.700 hồ sơ dự thi. Theo các chuyên viên tuyển sinh, hầu hết thí sinh chỉ nộp 1 - 2 hồ sơ dự thi, tỷ lệ “ảo” năm nay chắc chắn sẽ giảm.
Điều bất ngờ nhất là phần giảm được tập trung chủ yếu vào khối các trường top trên. Lượng hồ sơ nhận được khiến nhiều trường đại học lớn tại TPHCM “giật mình” khi sụt giảm 20% - 30%.
Nếu như năm 2009, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dẫn đầu với 63.000 hồ sơ thì năm nay chỉ còn 41.200 hồ sơ, giảm gần 22.000 hồ sơ. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM vốn có thâm niên thu hút đông TS nhất nhì khu vực phía Nam cũng tuột từ 54.000 hồ sơ xuống còn 43.500 hồ sơ. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng giảm từ 35.000 xuống 24.000 hồ sơ dự thi. Trường ĐH Cần Thơ năm 2009 dẫn đầu cả nước với 90.311 hồ sơ thì năm nay giảm hơn 9.000 hồ sơ, còn 80.959 hồ sơ…
- Thí sinh thận trọng
Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai, năm nay thí sinh biết lượng sức, không mạo hiểm chọn trường top, cạnh tranh cao… mà chú ý đến các trường đa ngành, điểm chuẩn tương đối. Trong số hồ sơ của Đồng Nai, phần đông HS chọn nhiều nhất vào Trường ĐH Lạc Hồng với gần 4.800 hồ sơ. Kế đến là các trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Công nghiệp. Năm nay, các trường CĐ cũng thu hút nhiều TS hơn vì yếu tố an toàn.
Cùng xu hướng chọn trường với tiêu chí “an toàn” của năm nay, thí sinh dần ưu tiên lựa chọn các trường ĐH vùng để thi thố. Học sinh tại tỉnh An Giang dành ưu ái lớn nhất cho ĐH An Giang với gần 11.000 hồ sơ, chiếm gần 50% tổng số hồ sơ dự thi của toàn tỉnh. Hơn 18.000 hồ sơ trong tổng số 22.000 hồ sơ dự thi của HS TP Cần Thơ là thi vào ĐH Cần Thơ. ĐH Quy Nhơn và ĐH Tây Nguyên thu hút gần 7.000 hồ sơ dự thi tại tỉnh Gia Lai.
| |
Lý giải về lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm, ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp TPHCM, cho rằng: Mùa tuyển sinh năm 2010 thí sinh tại TP đăng ký vào các trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM không nhiều. Đây là tín hiệu lạ. Điều này không có nghĩa là thí sinh chê mà là e ngại trước những trường có tiếng, chỉ những em thật sự học tốt mới đăng ký.
Qua thống kê cho thấy, mỗi TS chỉ nộp từ 1 - 2 hồ sơ, không còn có kiểu rải hồ sơ “giăng lưới” tìm cơ hội vào ĐH như trước. Các em có sự cân nhắc, tính toán cẩn thận khi nộp hồ sơ.
- Giảm ảo?
Hồ sơ ĐKDT sụt giảm lại là chuyện vui với nhiều trường vì tỷ lệ ảo sẽ giảm và các trường sẽ nhẹ gánh chuyện bù lỗ. Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nếu như năm 2009, trung bình một thí sinh nộp 2,5 hồ sơ thì năm nay chỉ có 1,9 hồ sơ. Điều này cho thấy hồ sơ giảm phần lớn là hồ sơ ảo. Mọi năm sau mỗi mùa tuyển sinh nhà trường đều lo bù lỗ đến vài trăm triệu vì các chi phí như tiền thuê phòng, thuê giáo viên… nhà trường phải tự bỏ ra trước nhưng tỷ lệ dự thi chỉ có 60%-70%. Nhưng mùa tuyển sinh 2010, nhà trường hy vọng sẽ tốt hơn
THANH HÙNG - TIÊU HÀ