Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010: Hơn 800 chỉ tiêu những ngành học mới

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010: Hơn 800 chỉ tiêu những ngành học mới

Ngay khi cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 vừa phát hành, nhiều bạn đọc đã gọi đến Báo SGGP tìm hiểu về những ngành học mới. Trong đó, 6 chuyên ngành mới của Học viện Chính sách và Phát triển được bạn đọc TPHCM hỏi nhiều nhất, tuy nhiên vùng tuyển cho 6 ngành học này lại chỉ tuyển những thí sinh thuộc khu vực phía Bắc (bắt đầu từ Quảng Bình trở ra). Trong số báo này, Báo SGGP sẽ thông tin thêm về các ngành mới, cùng mục tiêu đào tạo, để bạn đọc và các thí sinh theo dõi.

6 chuyên ngành mới của Học viện Chính sách và Phát triển

Quy hoạch phát triển, Kế hoạch phát triển, Chính sách công, Chính sách phát triển, Kinh tế đối ngoại (quản lý ODA và FDI) và ngành Tài chính công là 6 chuyên ngành mới lần đầu tiên được đào tạo hệ ĐH tại Việt Nam. Những ngành này do Học viện Chính sách - Phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đào tạo.
 
Thông tin về những ngành mới này, PGS-TS Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, cho biết đây là những ngành được nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh và các nước thuộc khối Bắc Âu đào tạo. Ở Việt Nam, những ngành này chưa được đào tạo để bổ sung cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Theo ông Hùng, ngành Quy hoạch phát triển gắn liền với thực tiễn hiện nay vì tất cả các địa phương, các ngành kinh tế, khu vực đều phải lập quy hoạch phát triển xã hội cho tương lai nhưng đội ngũ cán bộ am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực này lại rất ít, ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa có nhiều chuyên gia về lĩnh vực này; ngành Kinh tế đối ngoại, khác với các trường đại học khác, học viện xây dựng chương trình đào tạo chuyên về quản lý vốn viện trợ phát triển (ODA) và quản lý đầu tư nước ngoài (FDI).

Đây là mảng gần như trống trong đào tạo lĩnh vực kinh tế hiện nay. Về ngành Chính sách công, ở Việt Nam cũng chưa có trường đại học nào đào tạo hệ cử nhân. Từ trước đến nay, các trường kinh tế chỉ đào tạo sau đại học ngành này.
 
Truyền thông quốc tế
 
Truyền thông quốc tế là ngành đào tạo mới của Học viện Ngoại giao năm 2010. Ngành học này đào tạo cử nhân có khả năng vận dụng kiến thức về truyền thông quốc tế để làm việc trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại. Chương trình được thiết kế theo mô hình ngành chính - phụ, trong đó ngành chính là truyền thông quốc tế và ngành phụ là quan hệ quốc tế.

Ngành chính: cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức cơ bản và có hệ thống về truyền thông quốc tế, tập trung vào 3 lĩnh vực: Truyền thông, PR và văn hóa đối ngoại. Ngành phụ: trang bị cho sinh viên khối kiến thức cơ sở và kiến thức chung của ngành quan hệ quốc tế. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân truyền thông quốc tế có thể làm việc ở các cơ quan báo chí, các cơ quan ngoại giao hoặc đối ngoại, hay trong các công ty, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến quan hệ công chúng, truyền thông trong và ngoài nước.

Bác sĩ gia đình
 
Trường ĐH Y Hà Nội mở thêm ngành học mới là Bác sĩ gia đình. Theo ông Phạm Nhật An, Chủ nhiệm bộ môn Y học gia đình, ĐH Y Hà Nội, đây là lần đầu tiên chương trình đào tạo bác sĩ y học gia đình được đưa vào trường đại học.

Bác sĩ y học gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, công tác ở tuyến cơ sở, chịu trách nhiệm quản lý và chăm sóc sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng, các bác sĩ này phải có kiến thức cơ bản cần thiết cả về y học cơ sở, y học lâm sàng, y tế dự phòng và tâm lý y học...

Sinh viên Trường ĐH Y dược TPHCM đang thực tập tại phòng chụp X quang. Ảnh: T.HÙNG

Sinh viên Trường ĐH Y dược TPHCM đang thực tập tại phòng chụp X quang. Ảnh: T.HÙNG

Trong tình trạng ngành y đang thiếu trầm trọng bác sĩ tuyến cơ sở, tuyến huyện, quá tải bệnh viện... thì bác sĩ y học gia đình là một trong nhiều nguồn tháo gỡ sự quá tải.

Ông An cũng cho biết, năm nay mã ngành đào tạo mới này sẽ thấp hơn điểm đào tạo chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Dự kiến, trung bình mỗi năm sẽ đào tạo hơn 200 bác sĩ gia đình, đáp ứng nhu cầu giảm tải trong các bệnh viện tuyến trên hiện nay.
 
Kỹ sư lâm sàng

Kỹ sư kỹ thuật y sinh (còn gọi là kỹ sư lâm sàng) là một ngành học mới nằm trong Khoa Công nghệ sinh học của Trường ĐH Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), dự kiến năm nay sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên với 45 chỉ tiêu, thi khối A và B. Trong thực tế, năm 2009 ngành này đã đào tạo thí điểm khoảng 25 sinh viên vốn từ các khoa, ngành khác chuyển sang. Ngành kỹ sư lâm sàng được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong 4 năm.

Theo GS-TS Võ Văn Tới, Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh nhà trường, chương trình đào tạo tập trung vào hai lĩnh vực: trang thiết bị y tế nhằm đào tạo kỹ sư lâm sàng để vận hành, bảo trì và thiết kế những thiết bị y tế kỹ thuật cao; y học tái tạo nhằm đào tạo chuyên gia sử dụng các vật liệu sinh học thay thế các cơ quan trong cơ thể người.

Cả hai lĩnh vực này đều liên quan đến các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ cơ vật lý, toán ứng dụng, điện – điện tử, công nghệ thông tin, sinh hóa... cho đến y học.
 
Kỹ sư lâm sàng là người có khả năng vận hành, bảo trì các trang thiết bị y tế và hợp tác nghiên cứu với các bác sĩ trong việc khám chữa bệnh tại bệnh viện. Ngoài ra, người tốt nghiệp kỹ sư lâm sàng cũng có thể làm việc trong các công ty cung cấp và chế tạo trang thiết bị y tế, hoặc trở thành doanh nhân trong lĩnh vực này.

GS Tới cho biết, không chỉ riêng Việt Nam, kỹ thuật y sinh đang là ngành thu hút rất lớn lực nguồn lực lao động trên thế giới, kể cả các nước phát triển.

Điện hạt nhân

Năm 2010, ĐH Điện lực (EPU) sẽ tuyển sinh ngành học mới là điện hạt nhân. Đây là ngành học có nhiều tiềm lực khi trong tương lai gần, Việt Nam cần khoảng 2.500 nhân lực phục vụ cho 2 nhà máy điện nguyên tử đầu tiên đang được xây dựng tại Ninh Thuận.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), khâu chuẩn bị hạ tầng, trong đó then chốt là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho lĩnh vực này, cần phải đi trước 10-15 năm.

Trong khi đó, theo Bộ KH-CN, nguồn nhân lực hạt nhân hiện nay của Việt Nam chỉ khoảng 700 người, chủ yếu đang làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Nếu Việt Nam đào tạo 70 người mỗi năm, phải sau 12-15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn cho ngành này.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Trung Tính, Trưởng khoa Công nghệ năng lượng của EPU cho biết, chương trình đào tạo kỹ sư điện hạt nhân sẽ đào tạo các kỹ sư thực hành và một phần kỹ sư trình độ cao phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.

Khung chương trình đào tạo theo hướng nhằm phục vụ xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường tiên tiến trên thế giới như chương trình của Đại học Năng lượng Moscow (Nga), ĐH Kỹ thuật Praha (Czech), của Mỹ, Nhật, Canada...

Sinh viên học ngành này giai đoạn đầu tại EPU, phía Czech sẽ cử giáo sư, chuyên gia sang cùng với giáo sư, giảng viên Việt Nam giảng dạy một số môn học, giai đoạn sau học tại Czech. Với Đại học Năng lượng Moscow, EPU đã ký bản ghi nhớ và đang chuẩn bị các điều kiện để liên kết đào tạo.

Y đa khoa

ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh khóa đầu tiên cho ngành Y đa khoa với 100 chỉ tiêu. Thời gian đào tạo 6 năm theo chương trình đổi mới, tiên tiến chú trọng thực hành sớm tại bệnh viện và cộng đồng. Trong đào tạo khuyến khích việc sử dụng sách tiếng Anh và sử dụng thư viện điện tử.

THANH HÙNG-PHƯƠNG ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục