Tuyển sinh lớp 10, Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh: Nếu các trường thiếu chỉ tiêu thì phải nhận thêm

*

* Làm tốt công tác thông tin về trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX), trung học chuyên nghiệp (THCN) * Thực hiện chế độ miễn giảm cho HS hệ dân lập, tư thục (DL, TT) * Quy hoạch mạng lưới trường học để mở rộng xét tuyển năm sau.

Đó là những động thái mới nhất, theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh, ngành GD-ĐT sẽ thực hiện để khắc phục những hạn chế của tuyển sinh lớp 10 như Báo SGGP đã phản ánh trong những số báo gần đây.

Chương trình GDTX giống như phổ thông, nhưng ít môn hơn

* PV:
Thưa ông, sau khi hết thời gian gia hạn nộp hồ sơ vào lớp 10, tình hình các trường gửi báo cáo lên Sở GD-ĐT như thế nào?

* Ông HUỲNH CÔNG MINH: Lớp 10 năm nay, hầu hết các trường nhận HS vào đều tăng so với chỉ tiêu được duyệt. Một bộ phận HS chưa đến đăng ký sau khi trúng tuyển vì nghỉ hè về quê với gia đình nên đăng ký trễ. Chắc chắn giờ này các em đã đăng ký nhập học vì hầu hết các em đều biết tháng 8 tập trung để chuẩn bị khai trường vào tháng 9. Vấn đề thiếu chỉ tiêu không xảy ra. Vấn đề còn lại chỉ là HS ngại đi vào các trường DL, TT đóng học phí cao hơn trường công; chưa ham thích học chương trình GDTX hoặc chưa chấp nhận vào trường THCN nên vẫn còn một bộ phận nhỏ HS không có chỗ học. Đó là tình hình chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.

* Sở GD-ĐT sẽ giải quyết như thế nào?

* Chúng tôi tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ hơn, qua hệ thống báo chí để PHHS tìm hiểu kỹ hơn về chương trình của THCN, TT GDTX, đăng ký chỗ học cho kịp với ngày khai trường. Chương trình GDTX khác hoàn toàn với chương trình bổ túc văn hóa trước đây, bằng cấp có giá trị như bằng phổ thông. HS sau khi tốt nghiệp có thể thi vào ĐH, chỉ khác là HS học ít môn hơn, phù hợp với bộ phận HS chưa đậu vào trường công có số điểm thấp. Các trường THCN giúp HS có điều kiện tiếp xúc với nghề sớm hơn, với các kỹ thuật lao động để có nghề giúp ích cho cuộc sống của mình, của gia đình. Nếu HS có mong muốn tiếp tục học ĐH, các trường này cũng có chương trình liên thông, mặc dù ĐH không chỉ là con đường duy nhất đi từ trường PT. HS chưa có chỗ học nên nhanh chóng đăng ký vào các trường GDTX, THCN.

Mặt khác, chúng tôi đang tích cực xin chế độ miễn giảm học phí cho những em gia đình khó khăn ở các trường DL, TT. Nếu giải quyết vấn đề học phí ở các trường này, tôi cho rằng sẽ làm thông thoáng hơn tuyển sinh của mình. Nếu mình không miễn giảm, các em không có điều kiện học tập, sau này thực hiện chế độ phổ cập GD chúng ta lại bắt đầu đi tuyên truyền giải thích các em trở về trường thì cực kỳ khó khăn.

* Phương án Sở GD-ĐT đang xin chế độ miễn giảm cho HS khối DL, TT có khả thi không, thưa ông?

* Miễn giảm theo diện chính sách, theo mức độ. Tôi nghĩ khả thi vì mảng công lập rất lớn mình còn thực hiện được miễn giảm từ bậc tiểu học đến THPT với kinh phí 7-8 tỷ đồng/năm. Nếu không giải quyết, các cháu sẽ thất học.

* Giám đốc khuyến khích PHHS có con em rớt lớp 10 đi theo GDTX và THCN nhưng hai con đường này còn nhiều bất cập?

* Nói về bất cập, ở lĩnh vực nào cũng có, không chỉ là GDTX và trường nghề. Yêu cầu của chúng ta hiện nay là hội nhập quốc tế, chúng ta phải nhìn về phía trước (tất nhiên là nhìn với khả năng đầu tư của mình, với nỗ lực của thầy cô giáo, với sự đóng góp nhiệt tình của PHHS) để thấy bất cập của từng ngành. Chúng ta thấy GD TP phát triển bậc nhất cả nước cũng như so với chính mình thời gian qua, bất cập ở đây là so với yêu cầu thực tế xã hội của TP đang đi vào hội nhập. Ở GDCN, chúng ta đang phấn đấu có đủ máy móc cho HS thực hành theo tỷ lệ 7/3 (thực hành 7, lý thuyết 3), thực tế hiện nay HS học THCN tốt với thực hành chiếm 6/4 hoặc là 5/5 (trước đây lý thuyết 7/3, thậm chí nhiều trường không có thực hành). Cơ sở vật chất GDTX còn rất yếu, chưa phát triển, nhưng trong thực tế, chỗ ngồi học, sách vở, trang thiết bị cũng được đổi mới theo GD phổ thông.

Trường nào thiếu chỉ tiêu phải nhận thêm học sinh

* HS điểm thấp không nên đeo đuổi hệ phổ thông nhưng có 466 em điểm cao không trúng tuyển phải vào GDTX, THCN đều khiến PHHS và nhiều hiệu trưởng cũng thấy chua xót?

* Tính ra HS khá là phải đạt từ 35 điểm, số này cũng chỉ có hơn 60 em. Trong đó có nhiều em có hướng đi riêng như học quốc tế, DL, TT.

* Nhiều bạn đọc phản ánh vẫn còn nhiều trường chưa tuyển đủ HS. Ông có dám khẳng định các trường đã đủ chỉ tiêu?

* Tôi khẳng định: Có một số trường hợp nghe PHHS phản ánh lại là hiệu trưởng bảo còn chỉ tiêu nhưng thực tế khi kiểm tra hai trường THPT Nguyễn Thị Diệu, THPT Trần Quang Khải, không có như vậy. Đôi khi đó là cách trả lời từ chối khéo của nhà trường để chỉ lên Sở GD-ĐT.

* Nhưng sở mới kiểm tra 2 trường, còn thực tế ghi nhận của Báo SGGP thì nhiều trường vẫn thiếu chỉ tiêu?

* Còn chỉ tiêu mà không cho trẻ học thì vai trò của sở làm gì? Sở GD-ĐT đã làm GD mà sao lại “ác đức” như vậy? Đến giờ này chưa có trường nào báo cáo thiếu chỉ tiêu. Nếu các trường có thiếu thì lập tức nhận HS vào học, còn chỗ thì sao không nhận HS!?

* Theo khảo sát của chúng tôi, những HS được gia đình đầu tư hầu hết đều vào công lập, còn HS nghèo thường rớt khỏi trường công. Trường công lập phải tạo điều kiện cho HS nghèo đi học, đến nay quan điểm chỉ đạo này có gì thay đổi?

* Đó là chuyện đương nhiên, không chỉ là HS nghèo mà tất cả HS đều phải đi học và nhà nước phải tạo điều kiện đó là sự công bằng. Ngành GD-ĐT TPHCM cũng đang thực hiện điều đó.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh:

Về lâu dài, các quận huyện chưa xây trường THPT đủ theo quy hoạch thì phải tiếp tục xây dựng để tất cả các quận, huyện đều thực hiện xét tuyển lớp 10 như 5 quận, huyện đã làm, sẽ không tạo ra áp lực tuyển sinh như vừa qua.

Năm 2005, Chủ tịch UBND TP đã ký quyết định phê duyệt mạng lưới trường THPT, nhưng còn một số quận có khó khăn khách quan, chủ quan dẫn đến xây dựng trường chưa đầy đủ theo quy hoạch. Trong nội thành thường có những chi phối lẫn nhau, ví dụ quận 10, quận 3, quận 1 đủ trường vẫn bị áp lực thi cử, vì các quận lân cận chưa xây xong mạng lưới, tạo phân bổ không đồng đều.

HỒNG LIÊN

Tin cùng chuyên mục