Nâng cao trình độ đội ngũ
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sau khi hợp nhất ba địa phương trước đây là TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM trở thành địa phương có quy mô trường lớp lớn nhất cả nước với hơn 3.500 cơ sở giáo dục, gần 2,6 triệu học sinh và hơn 100.000 cán bộ quản lý, giáo viên. Đây là cơ hội rất lớn giúp ngành giáo dục và đào tạo có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
Thứ nhất, về chất lượng đào tạo, cả ba tỉnh, thành phố trước đây đều có chất lượng đào tạo tốt, tương đối đồng đều. Điều này giúp cho việc duy trì chất lượng đào tạo sau khi hợp nhất sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn. Thứ hai, về chính sách hỗ trợ giáo dục, cả ba tỉnh, thành phố đều có chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhà giáo, qua đó tạo lòng tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động yên tâm gắn bó với nghề.
Trong đó, TPHCM trước đây có Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND (ngày 19-9-2023) của HĐND TPHCM về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Tương tự, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây đều có chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên.
Trên cơ sở này, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành các nghị quyết hướng dẫn về thu nhập tăng thêm cho viên chức, người lao động nhằm giúp đội ngũ yên tâm công tác, nghiên cứu bổ sung các chính sách thu hút lao động có trình độ cao đến làm việc tại thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh điều kiện thuận lợi, việc hợp nhất cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở cả 3 khu vực, trải đều ở tất cả bậc học, tập trung phần lớn ở các môn đặc thù như tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật…
Đây là bài toán nan giải chưa thể giải quyết ngay. Ngoài ra, với điều kiện địa giới hành chính mới rộng hơn, đa dạng nhiều loại hình kinh tế (nông thôn, thành thị, xã đảo, đặc khu…) đặt ra yêu cầu mới đối với ngành giáo dục trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học.
Trước mắt, theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự cục bộ, Sở GD-ĐT TPHCM tăng cường “đặt hàng” các trường đại học; đồng thời tiếp tục nhân rộng các giải pháp đã thực hiện trước khi hợp nhất như: triển khai mô hình “lớp học số” tổ chức dạy học từ xa, quản lý và trao đổi kinh nghiệm theo cụm chuyên môn để nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường học
Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh cho biết, TPHCM hiện chưa có chủ trương hoán đổi, sáp nhập, dùng chung cơ sở vật chất trường học. Trong giai đoạn đầu tiên sau hợp nhất, trường lớp vẫn giữ nguyên hiện trạng cơ sở vật chất để đảm bảo sự ổn định đối với việc dạy và học của giáo viên, học sinh.
Tuy nhiên, khi hoạt động đi vào ổn định, ngành giáo dục sẽ nghiên cứu các giải pháp tiếp theo để đầu tư cơ sở vật chất trường học, sử dụng hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, trong đó có việc khai thác tối đa tiện ích của hệ thống thông tin địa lý (còn gọi là bản đồ GIS) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học ở trường gần nơi cư trú, đồng thời tăng tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, diện tích thành phố mới tăng lên tạo ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho ngành giáo dục và đào tạo, nhất là những khu vực trước đây bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Nhờ đó, các giải pháp linh hoạt như hoán đổi, sáp nhập, dùng chung cơ sở vật chất trường học, địa bàn có cơ sở vật chất tốt hơn hoặc dư thừa hỗ trợ địa bàn còn thiếu có thể được tính toán trong thời gian tới.
Ngoài ra, dựa vào số liệu dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), ngành giáo dục sẽ tham mưu UBND TPHCM đầu tư các dự án xây dựng trường học đảm bảo phát huy hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tình trạng quá tải hoặc thừa - thiếu cục bộ, gây lãng phí tài nguyên.
Song song đó, để nâng cao chất lượng dạy và học, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công lập trên địa bàn; “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030”; thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường thực hiện nội dung giáo dục chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập khu vực và quốc tế; tích hợp thêm các đề án đang thực hiện có hiệu quả của tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây như Đề án “Hội nhập quốc tế giáo dục và đào tạo đến năm 2030” (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây), Đề án “Củng cố, tăng cường phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất ngành giáo dục giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030” (tỉnh Bình Dương trước đây).
Năm học 2025-2026, ngành giáo dục và đào tạo giữ nguyên biên chế, số lượng người làm việc của các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc 3 sở GD-ĐT trước đây. Những năm kế tiếp, toàn ngành xây dựng lộ trình sắp xếp tinh giản biên chế tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu