Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ cốt lõi

Sau khi cả nước sắp xếp lại địa giới hành chính, ngành giáo dục đứng trước thách thức mới là đảm bảo sự ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đây là nhiệm vụ mang tính quyết định đối với sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Theo đó, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo không phải là sự đồng hóa cơ học mà là kiến tạo hệ sinh thái giáo dục linh hoạt, nơi mỗi giáo viên được đặt đúng vai trò, phát huy sở trường và khắc phục hạn chế. Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết, khâu đánh giá năng lực là nền tảng cho mọi điều chỉnh chiến lược.

Hệ thống giáo dục không thể vận hành hiệu quả nếu không có dữ liệu chính xác về nhân sự. Trong đó, đánh giá không chỉ ở bằng cấp mà phải bao quát trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng thích ứng với chương trình giáo dục mới. Quan trọng hơn, đánh giá không nhằm phân loại mà để phát hiện nhu cầu bồi dưỡng, thiết kế lộ trình phát triển cá nhân phù hợp.

Thứ hai, công tác bồi dưỡng triển khai đúng người, đúng nhu cầu, đúng phương pháp. Mô hình bồi dưỡng đại trà, đồng loạt đã cho thấy nhiều hạn chế. Thay vào đó, cần chuyển mạnh hoạt động bồi dưỡng sang hướng cá nhân hóa, nơi người yếu được kèm cặp, người khá giỏi phát triển chuyên sâu và trở thành hạt nhân chuyên môn tại địa phương.

Thứ ba, tái thiết tổ chuyên môn theo cụm, xây dựng môi trường học thuật “mở” với các tương tác đồng đẳng. Việc hình thành các cụm chuyên môn liên trường, liên phường là bước đi cần thiết để phá vỡ sự cô lập chuyên môn, tạo không gian học tập tập thể.

Thứ tư, luân chuyển có chiến lược, tái phân bổ nguồn lực theo hướng phát triển, mục tiêu luân chuyển dựa trên nguyên tắc tự nguyện với các chính sách hỗ trợ đi kèm (như điểm thi đua, phụ cấp, nhà công vụ, ưu tiên bồi dưỡng...).

Thứ năm, đổi mới đánh giá giáo viên, lấy hiệu quả giáo dục làm chuẩn mực. Cần chuyển trọng tâm đánh giá theo hình thức sang đánh giá thực chất sự tiến bộ của người học, chất lượng tổ chức lớp học, mức độ sáng tạo trong giảng dạy, sự đóng góp cho cộng đồng chuyên môn của giáo viên.

Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số giúp mở rộng cơ hội học tập cho đội ngũ, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.

Thứ bảy, môi trường làm việc tạo động lực từ bên trong thông qua các chính sách đãi ngộ. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều biến động, giáo viên cần được lắng nghe, bảo vệ, trao quyền và dẫn dắt, cảm nhận rõ vai trò chủ thể của mình trong cải cách.

Thứ tám, tăng cường hoạt động tham quan học tập trải nghiệm cho giáo viên, thay cho bồi dưỡng trên giấy hay qua lớp học lý thuyết, giúp giáo viên nâng cao năng lực thích ứng, tư duy đổi mới và khả năng kết nối cộng đồng một cách tự nhiên, bền vững.

Như vậy, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên không phải “dàn phẳng” mà là “nâng tầm” mỗi cá nhân, đòi hỏi chính sách nhất quán và tầm nhìn nhân văn. Chỉ khi giáo viên được truyền cảm hứng thì mới thực sự trở thành trụ cột cho phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục