
Cách nơi tập kết hàng cứu trợ có hơn 10 km, đường không bị chia cắt nhưng đến hết ngày 1-10, xã Nghĩa Tâm – một trong 3 xã thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ quét của huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái vẫn chưa nhận được gạo cứu trợ. Em Giàng A Tuấn, 15 tuổi, 3 giờ băng rừng đến UBND xã chỉ được nhận vài gói mì tôm cho cả gia đình.
Hàng cứu trợ sát cạnh - dân vẫn đói
Ngay trong sáng 29-9, những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã được chuyển đến UBND xã Cát Thịnh - “hành dinh” của Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 7 tỉnh Yên Bái. Trong đó có hàng chục ngàn gói mì tôm và 4,5 tấn gạo do Quân khu II ủng hộ.

Bộ đội Quân khu II dựng nhà bạt giúp dân vùng lũ quét.
Thế nhưng đến chiều 30-9, những người dân thị tứ Ba Khe - nơi xảy ra thảm họa, cách trụ sở UBND xã có vài chục mét mới được nhận gạo. “Chúng tôi đói lả 3 ngày liền” - ông Phạm Quang Triệu cùng gia đình anh Nguyễn Duy Tài bức xúc cho biết. Cơn lũ quét qua thị tứ, đã cuốn phăng 24 người dân của xã, 61 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 19 nhà bị sập và còn mang đi toàn bộ tài sản của hàng trăm hộ khác.
Những hộ này, vì nhà cửa vẫn còn nên không thuộc diện được cứu trợ, vì thế, họ không có cả mì tôm để ăn. Bà Sa Thị Sự - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cát Thịnh - thành viên ban chỉ đạo cùng ông Trần Văn Phụng, Chủ tịch UBND xã đều khẳng định: “Mì tôm được cấp từ chiều 28-9, dân không có ai bị đói, tiền trợ cấp của tỉnh được giao đến từng nhà thuộc diện cứu trợ, chiều 29-9 cấp cho mỗi khẩu 10 kg gạo, đảm bảo đúng và đủ đối tượng”.
Tuy nhiên, bà Sự cũng thừa nhận việc cấp gạo cho dân hơi chậm trễ vì hàng cứu trợ do huyện quản lý, khi nào huyện chia thì xã mới cấp. Đường đã thông, nhưng gạo vẫn chưa đến được với người dân xã Nghĩa Tâm dù khoảng cách chỉ hơn 10 km. Lý giải chuyện này, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Nghị cũng chỉ biết lắc đầu: “Huyện chưa cấp.”
Cùng trong danh sách 3 xã thiệt hại nhất huyện Văn Chấn là xã Phù Nham, dân đợi chờ hàng cứu trợ vì đường còn ách tắc nhiều đoạn, có thể thông cảm.
Nhưng lương thực cấp cho dân Nghĩa Tâm và Cát Thịnh quá chậm chạp như vậy, không thể chỉ giải thích: “Chúng tôi không có người và không có phương tiện” như ông Ngô Ngọc Tuấn - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 7 tỉnh Yên Bái. Điều này thể hiện sự lúng túng trong điều hành chỉ đạo công tác cứu trợ cho dân.
Nghĩa tình trong hoạn nạn
Những gia đình nạn nhân vùng lũ chưa định thần lại sau thảm họa để bắt tay vào thu xếp cuộc sống. Các tổ chức đoàn thể, nhất là bà con xóm giềng cùng xúm tay giúp đỡ. Ngay trên khoảng trống hơ hoác nơi tâm lũ cuốn qua, những ngôi nhà bạt đã được dựng lên để phục vụ sinh hoạt tạm thời cho những hộ mất nhà. Những gia đình không bị ảnh hưởng của lũ đã cưu mang chòm xóm.
Ông bà Nguyễn Văn Long, Trần Thị Hương không những cho 5 hộ ở nhờ mà còn cho mượn áo quần, phục vụ cơm nước suốt mấy ngày nay. Ông bà còn nhường giường cho các cháu nhỏ. Thu nhập bằng lương hưu, khoản gánh vác thêm này cũng không phải nhẹ nhàng, song ông Long vẫn vui vẻ cho biết: “Nghe tin khu vực gặp nạn, người thân mang lương thực đến giúp, mình không sao là may mắn quá rồi, số gạo đó để dành cho hàng xóm”.
Gia đình cô giáo Hợp, cô giáo Hoa cũng nấu cơm cứu đói cho hàng chục nhà trong khu. Chị Hứa Thị Sừng lại giúp đỡ bằng cách khác. Toàn bộ số gạo chị đã mua để kinh doanh trước lũ, giờ không bán nữa mà cho vay cứu đói. Vài tạ gạo, giá trị không lớn lắm, nhưng với người làm nghề buôn bán nhỏ như chị, giá gạo tăng từ 3.700 đồng lên 10.000đồng/kg thì đúng là nghĩa cử cao đẹp.
Sinh hoạt của các hộ dân đang dần ổn định trở lại. Người thân của họ từ các nơi mang áo quần, lương thực, đồ dùng đến tiếp tế. Những nhà bị nạn đã nổi lửa nấu bữa cơm đầu tiên kể từ đêm 27-9. Thị tứ Khe Ba vẫn đang tấp nập các đoàn cứu trợ. Nhiều đoàn trực tiếp mang hàng đến trao tận tay cho dân. “Một miếng khi đói” dành cho người hoạn nạn đúng lúc thật quý giá biết bao.
Chiều 1-10, Quốc lộ 32 đã thông từ TP Yên Bái đến cầu Thia huyện Văn Chấn. Đường liên tỉnh từ thị xã Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu đã khắc phục xong. Tuy nhiên, cầu Thia bị gián đoạn nên hàng hóa không lưu thông được tới thị xã Nghĩa Lộ. Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng 20% - 100%, rau xanh thiếu trầm trọng. 14 giờ ngày 1-10, Nghĩa Lộ đã có điện trở lại, còn huyện Văn Chấn, dự tính sẽ có điện sau khoảng 4 ngày nữa. |
BẠCH LIỄU