Ứng phó rào cản phòng vệ thương mại: Giảm áp lực đối đầu

Bộ Công thương cho biết, Chính phủ Canada đã thông báo kết luận bước đầu về vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (tôn mạ - COR) nhập khẩu từ Việt Nam. 

Theo đó, không có chứng cứ nào cho thấy Chính phủ Việt Nam trợ cấp cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu thép COR. Do vậy, Canada sẽ không áp thuế chống trợ cấp với mặt hàng này nhập khẩu từ Việt Nam. 

Điều tra phòng vệ thương mại dày đặc

Tháng 11-2019, sau khi nhận được đơn khởi kiện của các Công ty Arcelor Mittal Long Products Canada G.P - công ty sản xuất thép cốt bê tông lớn nhất Canada và AltaSteel Inc., Gerdau Ameristeel Corporation, Canada đã điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) với mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Bộ Công thương đã nhanh chóng làm việc với các DN xuất khẩu thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam và các bộ ngành liên quan để cung cấp hồ sơ, chứng từ và hợp tác toàn diện với Canada trong quá trình điều tra. Các DN xuất khẩu tham gia hợp tác đầy đủ trong vụ việc, chiếm khoảng 97% tổng kim ngạch xuất khẩu thép COR từ Việt Nam sang Canada. 

Dự kiến ngày 13-11, sau khi đánh giá đầy đủ về thiệt hại đối với ngành sản xuất thép trong nước, Canada sẽ đưa ra kết luận cuối cùng. Trong trường hợp kết luận không có thiệt hại, Canada sẽ không áp thuế chống bán phá giá với thép COR của Việt Nam. Mức thuế thép nhập khẩu từ Việt Nam sẽ giảm từ 36,3% - 91,8% (mức thuế chống bán phá giá giai đoạn sơ bộ) xuống 2,3% - 16,2% trong kết luận cuối cùng.

Cũng theo Bộ Công thương, đây là những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề để gia tăng nội lực PVTM cho DN xuất khẩu. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều thị trường đang tận dụng tối đa biện pháp PVTM để bảo hộ sản xuất trong nước và hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, kết quả trên chưa đủ để DN thoát khỏi lo lắng khi hàng loạt ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nước đang bị đưa vào diện điều tra PVTM. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngày 15-10, Chính phủ Hoa Kỳ chính thức mở cuộc điều tra Mục 301 về Việt Nam - có thể mở đường cho việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có hàng dệt may. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2016. 

Trao đổi với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày và may mặc Hoa Kỳ cho biết đã bày tỏ thất vọng về phán quyết trên của Chính phủ Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng đối với ngành hàng may mặc, giày dép của Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh các DN Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm phụ thuộc nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Việc áp mức thuế trừng phạt mới đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng tại thị trường Mỹ, gia tăng sức ép cho người tiêu dùng Mỹ do tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, việc điều tra vẫn không thể tránh khỏi. Hiện hiệp hội đang phối hợp với các DN, Bộ Công thương chuẩn bị hồ sơ để cung cấp cho Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn nguy cơ bị áp thuế PVTM. 

Ứng phó rào cản phòng vệ thương mại: Giảm áp lực đối đầu ảnh 1 Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Trường Thành. Ảnh: CAO THĂNG
Tăng cơ hội xuất khẩu hàng Việt

Phân tích về rào cản PVTM, nhiều tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài cho rằng đây là điều không tránh khỏi. DN trong nước sẽ không thể né tránh mà buộc phải chọn giải pháp đối đầu. Do vậy, ngay từ bây giờ, ngoài việc tập trung cho hoạt động sản xuất, DN cần gia cố đội ngũ pháp lý với các tư liệu hồ sơ đầy đủ, đảm bảo cung ứng ngay, kịp thời cho các cơ quan chức năng ngay khi có thông báo điều tra PVTM từ các nước nhập khẩu. 

Ở chiều ngược lại, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Nam Thái Sơn, cho rằng, các tham tán thương mại cần có đánh giá sơ bộ tính khả thi của vụ kiện. Nếu DN trong nước có khả năng thắng kiện thì mới nên tham gia, theo đuổi. Còn trường hợp không khả thi thì việc rút từ đầu sẽ giúp DN giảm nhẹ thiệt hại không cần thiết bởi theo đuổi vụ kiện rất dài hơi và tốn kém.

Một vấn đề khác cũng được DN đặt ra là cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, năng lực khảo sát và định hướng thị trường của DN trong nước còn hạn chế, DN không đủ nguồn lực để tự tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Do vậy, rất cần tham tán thương mại có khảo sát, đánh giá chi tiết xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Đây sẽ là nền tảng để DN gia nhập nhanh thị trường, giảm tối đa rủi ro. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết, bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ nỗ lực phối hợp tốt hơn, tuy nhiên, DN xuất khẩu cần có sự liên kết để xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường. Chiến lược này phải cụ thể, rõ ràng, bởi đây là cơ sở cần thiết để các cơ quan đại diện nước ngoài xây dựng giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cần thiết phải hiệp đồng tác chiến thì mới tránh được “ổ gà” mà thị trường xuất khẩu đang giăng ra.

Ngoài ra, DN cần thiết lập mã QR để hỗ trợ kết nối thông tin lẫn nhau. Về phía bộ đang xây dựng cổng thông tin cơ sở dữ liệu thị trường nước ngoài. Trong đó, phát huy tối đa lợi thế công nghệ và thu thập thông tin từ những người Việt Nam đang công tác, làm việc tại nước ngoài, am hiểu về thị trường để hỗ trợ thông tin cho DN mở rộng xuất khẩu và hạn chế các vụ kiện PVTM.

Tin cùng chuyên mục