Không ai có thể phủ nhận, bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội, một giải pháp ưu việt trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Chính sách này càng có ý nghĩa hơn khi nhà nước đã bỏ ra một khoản không nhỏ kinh phí từ ngân sách để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) bằng BHYT cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, việc thực hiện BHYT vẫn còn nhiều bất cập, chỉ số hài lòng của những người thụ hưởng BHYT vẫn ở mức thấp; việc quản lý quỹ BHYT, cân đối thu – chi quỹ trong những năm qua vẫn còn nhiều lỏng lẻo với những nguy cơ vỡ quỹ luôn làm thấp thỏm không chỉ các nhà quản lý.
Trước những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn và yêu cầu của cuộc sống về sự bền vững cho chính sách ưu việt này, việc tạo cơ sở, hành lang pháp lý để việc triển khai được thực hiện tốt hơn, đúng tính chất, mục tiêu hơn là điều vô cùng cần thiết.
Như mong đợi, hôm nay (1-7-2009), Luật BHYT chính thức có hiệu lực và dần đi vào cuộc sống theo từng lộ trình cụ thể. Sự kiện này đang được người dân đón đợi với tất cả kỳ vọng vào những đổi thay theo hướng tích cực khi mà quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình đã được luật hóa, cụ thể hơn, rõ ràng và chặt chẽ hơn. Đúng như tinh thần trong bức thư Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi cán bộ, nhân viên ngành y tế nhân sự kiện này: “…năm nay là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chính sách này theo luật, đánh dấu một bước phát triển mới trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tham gia thực hiện Luật BHYT không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tài chính với những người không may ốm đau, bệnh tật của tất cả mọi công dân”.
Không chỉ với những quy định rạch ròi từ luật đảm bảo rằng, quyền lợi của người thụ hưởng BHYT sẽ được thực hiện tốt nhất, các chương trình “Nâng cao chất lượng và sự hài lòng của người bệnh BHYT” và cả việc chọn cho BHYT một ngày kỷ niệm (cũng vào ngày 1-7 này) thể hiện sự quyết tâm và cả tính cầu thị của các cấp lãnh đạo trong việc nâng cao chất lượng KCB BHYT khiến người dân an tâm hơn, tin tưởng hơn để tham gia. Đây mới là yếu tố quyết định để tiến tới BHYT toàn dân. Đó cũng là để đảm bảo sự bền vững cho chính sách ưu việt này.
Không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng, việc quản lý quỹ BHYT cũng là vấn đề đặt ra.
Quy trình thực hiện chính sách BHYT từ năm 1992 cho thấy, việc quản lý, sử dụng, cân đối quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển BHYT toàn dân.
Có nhiều yếu tố liên quan đến khả năng cân đối thu – chi quỹ BHYT như: mức đóng, số lượng người tham gia, quyền lợi hưởng, vấn đề cùng chi trả khám, chữa bệnh; điều chỉnh chính sách viện phí, tiền lương, sự biến động chi phí KCB, công tác giám định chi phí KCB, phân chia quỹ và cơ chế thanh toán giữa các tuyến y tế…
Luật BHYT ra đời với những quy định rạch ròi về gia tăng chi phí KCB bình quân chung, về thực hiện cùng chi trả chi phí KCB, về chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT của nhà nước … sẽ điều chỉnh được các yếu tố biến động này, đảm bảo một sự bền vững cần thiết.
K. LIÊN