
Thời gian qua, người lao động (NLĐ) ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại một số khu chế xuất, khu công nghiệp của TPHCM và tỉnh Bình Dương đã đồng loạt đình công kiến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tính chất và mức độ của các cuộc đình công lần này không chỉ ở thời gian kéo dài, lan rộng sang nhiều địa bàn - mà còn không đúng trình tự pháp luật và không có vai trò của tổ chức công đoàn (CĐ).
- Khi CĐ cơ sở đứng ngoài cuộc

Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân (người đứng ở giữa) kiểm tra bữa ăn giữa ca của NLĐ tại Công ty Kollan (KCX Linh Trung 1).
Hầu hết các cuộc đình công xảy ra thời gian qua đều xuất phát từ việc người sử dụng LĐ thiếu sòng phẳng và công minh với NLĐ về những quyền lợi mà họ được hưởng như: tiền lương, tiền thưởng thấp; không ký hợp đồng LĐ với NLĐ; không đóng bảo hiểm xã hội; tăng ca liên tục; không trả phụ cấp làm thêm giờ; sa thải hoặc có những quy định hà khắc đối với NLĐ; xúc phạm nhân phẩm NLĐ…
Khi những kiến nghị của NLĐ đưa ra không được đáp ứng thì tập thể NLĐ phản ứng bằng cách tự tổ chức đình công thông qua một ban đại diện được cử ra, chứ không yêu cầu CĐ – tổ chức đại diện hợp pháp cho họ – giải quyết tranh chấp. Mặc dù hầu hết các DN đều có hệ thống CĐ từ cấp cơ sở đến tận các tổ, dây chuyền sản xuất, song khi đình công xảy ra nhiều cán bộ CĐ vẫn không hay biết gì.
Đơn cử, tại Công ty Giày Hải Vinh, ngày và giờ đình công được NLĐ thông báo trước 2 ngày mà lãnh đạo công ty và cả hệ thống CĐ vẫn “bình chân như vại”. Ông Phan Đình Chẩn, Chủ tịch CĐ công ty cho biết: “Từ trước đến nay, NLĐ tại công ty chúng tôi rất chăm chỉ làm việc – đâu có ngờ họ lại đình công lớn như vậy (?!). Ngay sáng hôm diễn ra đình công, thấy công nhân tụ tập trước cửa công ty, chúng tôi cứ tưởng cúp điện nên quản đốc xưởng cho nghỉ”.
Tương tự, tại một số DN trong KCX Linh Trung 1 và 2 - khi áp lực đình công lớn quá, nhiều tổ trưởng công đoàn đã bỏ trốn, không dám vận động NLĐ trở lại làm việc. Có DN, chủ tịch công đoàn cơ sở còn làm đơn xin từ chức mặc dù vừa mới được chính tập thể NLĐ bầu ra.
Việc NLĐ cử ra một nhóm người làm đại diện cho mình để tiếp xúc với giới chủ, theo ông Lê Trung Nghĩa, Chủ tịch CĐ các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM, nguyên nhân do NLĐ không tin vào tổ chức CĐ và cho rằng CĐ chỉ bảo vệ quyền lợi của giới chủ. Trên thực tế thì vai trò của CĐ cơ sở ở một số DN quá yếu, thiếu kinh nghiệm và thiếu bản lĩnh giải quyết những vướng mắc trong tranh chấp LĐ. Cán bộ CĐ đều là bán chuyên trách, ăn lương của chủ nhưng làm việc cho CĐ. Nếu đứng về phía NLĐ sẽ bị giới chủ vô hiệu hóa, thay đổi chỗ làm việc, hoặc chấm dứt hợp đồng LĐ.
- Ai bảo vệ quyền lợi NLĐ?
Đó là câu hỏi mà phần lớn NLĐ tại các DN xảy ra đình công vừa qua đặt ra với các cơ quan chức năng. Tại cuộc tiếp xúc với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhiều LĐ của Công ty Kollan đã thẳng thắn nêu lên những kiến nghị của mình mà nhiều năm qua mặc dù CĐ cơ sở có biết nhưng không thỏa thuận được với giới chủ để giải quyết triệt để.
Một công nhân tại đây đã nói với Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: “Bữa ăn giữa ca hôm nay nhờ các bác đi thăm mới được cải thiện đôi chút. Chứ ngày thường thì không thể nào nuốt nổi. Thực đơn cả năm không đổi. Cơm thì hôm sống, hôm nhão. Muốn xin một ít nước tương cũng không có. Ăn xong nước uống phải mất tiền – được chủ nhà ăn bán với giá từ 1.000 đến 3.000 đồng/ly. Chúng cháu kiến nghị mãi mà có ai nghe đâu. Tuần sau nếu các bác quay lại – đột xuất sẽ thấy được chúng cháu ăn uống ra sao”.
Khoản 2 của Điều 173 Bộ luật Lao động quy định: “Việc đình công do ban chấp hành CĐ sở sở quyết định sau khi được quá nửa tập thể LĐ tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký”. Đây là luật quy định, còn trên thực tế có cuộc đình công nào trong nhiều năm qua có vai trò của tổ chức CĐ? Bởi muốn thực hiện đúng luật định, CĐ phải thực sự là “đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ và tập thể LĐ”. Và chỉ khi ấy, NLĐ mới tin và thực thi đầy đủ “quyền” mà pháp luật quy định.
Thêm nữa, công tác quản lý Nhà nước về LĐ, thanh tra, kiểm tra, xử phạt những DN vi phạm trong thời gian qua còn bị buông lỏng. Theo quy định của Bộ luật Lao động, chỉ có thanh tra viên của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội mới có chức năng đi kiểm tra các DN. Trong khi đó, lực lượng này hiện chỉ có vài người nên không thể kiểm tra nổi hàng chục ngàn DN được. Vì thế, nhiều DN cố tình vi phạm và trì hoãn đáp ứng những kiến nghị của NLĐ dẫn tới bùng nổ đình công tự phát.
PHẠM HOÀI NAM