Không chỉ bàn về quyển sách Văn chương lâm nguy (*) của Tzvetan Todorov - nhà lý luận văn học kiệt xuất Pháp, thực trạng lý luận văn học Việt Nam đã được các chuyên gia phân tích, gióng lên tiếng chuông báo động tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức vừa qua tại
TP Hồ Chí Minh.
- Chuyển cực quá đà
Đánh giá về tình hình lý luận văn học ở Việt Nam thập niên 80 chuyển đổi từ nghiên cứu nội dung sang hình thức như một hiện tượng thời thượng, các nhà nghiên cứu đều có nhận định chung do hệ quả sau thời gian dài chiến tranh, tình hình tiếp nhận thông tin các lý thuyết văn học thế giới nói chung rất hạn chế và thời mở cửa, tâm lý thích cái mới, “sính ngoại” xuất hiện quá hăm hở! PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh (Viện Văn học) nhắc lại đó cũng là tất yếu của cách phê bình hoặc quá tô hồng, hoặc quá bôi đen của một thời kỳ, ví dụ như trường hợp phê bình quyển Cù lao Tràm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.
Cho nên, những vấn đề vận dụng thi pháp học của GS-TS Trần Đình Sử lúc bấy giờ đã tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn trong nghiên cứu văn học. Thế nhưng, gần ba thập niên trôi qua, khi tình hình nghiên cứu thi pháp đã bảo hòa, một hiện trạng khác tiếp tục được dấy lên rất đáng báo động, qua nhận xét của các vị phó giáo sư, giáo sư hướng dẫn luận văn cao học, luận án tiến sĩ ở khoa Ngữ văn các trường đại học.
PGS-TS Phùng Quý Nhâm (ĐHSP TPHCM) chứng minh hiện tượng nhiều người chuyển sang nghiên cứu đề cao quá đà chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc, hậu hiện đại… ở nhà trường cũng như trên các trang báo văn nghệ trẻ. Nhà văn Lê Quang Trang (Hội Nhà Văn Việt Nam), với vai trò phụ trách lý luận văn học ở hội thời gian qua cũng nhận định sự bất cập của nhiều hiện tượng vay mượn các lý thuyết văn học phương Tây một cách thiếu chọn lọc, gượng ép (chẳng hạn trường hợp phân tích thơ Trần Dần).
Nhưng điều đáng lo nhất về sự lâm nguy của văn chương Việt Nam, theo GS-TS Nguyễn Văn Hạnh (Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) là việc dạy văn học, học văn học trong nhà trường. Cách học văn, dạy văn, ra đề thi văn chương, hướng dẫn chấm bài gần như luôn là sự chia khúc văn chương để chấm điểm. Việc làm này làm mất giá trị và làm giảm sút ý nghĩa lớn về tính nhân văn của văn chương. Lẽ ra, chúng ta dạy văn học là giúp cho học sinh biết cách sống ở đời, biết hoàn thiện nhân cách và dạy cho các em có bản lĩnh và lòng tự tin trong sự cảm thụ, nhận thức văn học.
- Giải pháp cân bằng
Soi rọi lại những vấn đề trong Văn chương lâm nguy, theo ý kiến của hầu hết các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình trong hội thảo cũng chính là sự cảnh tỉnh, rút ra kinh nghiệm trong việc đi tìm một hướng đi đúng đắn cho lý luận văn học Việt Nam. Tính thuyết phục của những vấn đề chính là tấm gương tự phản tỉnh hay tự phản biện của Todorov.
Ở Pháp những thập niên qua, chủ nghĩa cấu trúc, gần như có vị thế chiếm lĩnh sâu rộng trong nghiên cứu, giảng dạy hay tràn sang cả lĩnh vực phê bình và báo chí. Thế nhưng, việc áp dụng các phương pháp cấu trúc, ký hiệu, kỹ thuật phê bình… cũng để lại “hệ quả”: làm nghèo nàn văn chương; học sinh chán học văn!
Nhìn lại thực trạng lý luận văn học Việt Nam trên ba bình diện sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy văn học nhằm tìm một hướng đi, đã được chia sẻ qua một vài đề xuất của các nhà lý luận văn học Nguyễn Văn Hạnh, Đoàn Trọng Huy, Trần Thanh Đạm, nhà văn Vũ Hạnh, Nguyễn Đắc Xuân hay những chia sẻ mới về tình hình dạy và học lý luận văn học ở Pháp của tiến sĩ trẻ Nguyễn Thị Từ Huy (ĐH KHXH-NV TPHCM)…
Khái quát lại các vấn đề qua hội thảo, GS-TS Mai Quốc Liên cho rằng chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu lý luận văn học đã qua; tuy nhiên, không nên quá sa đà vào vấn đề nghiên cứu tuyệt đối hoặc phải là nội dung hoặc phải là hình thức. Trong việc tiếp thu cái mới, cái hay của phương Tây, phương Đông, cần có bản lĩnh dân tộc và vận dụng một cách sáng tạo cũng như hướng tới một giải pháp dung hòa.
Bởi văn học là nhân học và nó luôn đối thoại với tất cả hoàn cảnh cuộc sống, như lời nhận định phản tỉnh của Todorov: Chúng ta có thể không sống với các thiên thần nhưng chúng ta phải sống giữa những con người.
KIM ỬNG
(*) Văn chương lâm nguy của Tzvetan Todorov; Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính; Trung tâm Nghiên cứu Quốc học phối hợp NXB Văn Học xuất bản năm 2011).