Giá xăng dầu tăng

Vẫn có thể kiềm chế tốc độ tăng giá hợp lý

Vẫn có thể kiềm chế tốc độ tăng giá hợp lý

Trả lời phỏng vấn Báo SGGP hôm qua, 22-8, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết: nếu giữ tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng thì đó cũng là một cân đối vĩ mô tốt.

- PV:
Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến nền kinh tế?

Vẫn có thể kiềm chế tốc độ tăng giá hợp lý ảnh 1

- Thứ trưởng Trần Văn Tá: Trong số những ngành có thị phần lớn thì than, điện và xi măng chiếm vai trò quan trọng, là đầu vào của rất nhiều ngành khác. Nếu những tổng công ty này điều hành tốt, tiết kiệm được chi phí, đặc biệt là xăng dầu, thì việc tăng giá xăng dầu lần này cũng không làm tăng giá sản phẩm tương ứng.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, những ngành này không được tăng giá trong năm nay. Vì vậy, dù giá xăng dầu được điều chỉnh tăng cao trong lần thứ 3 này nhưng đi kèm với đó chúng ta đã có những biện pháp đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, không gây đột biến giá cả hàng hóa trong nền kinh tế cũng như đời sống người dân.

Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17-8, những ngành trọng yếu này của Việt Nam chỉ giảm lợi nhuận chứ không bị lỗ. Cụ thể, sau 3 lần tăng giá xăng dầu, ngành than giảm khoảng 300 tỷ đồng trong kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm 2005 là 815 tỷ đồng; ngành điện giảm hơn 500 tỷ đồng (lợi nhuận dự kiến là 679 tỷ đồng; xi măng giảm hơn 140 tỷ đồng (kế hoạch lợi nhuận là 340 tỷ đồng). Những ảnh hưởng như vậy không làm đảo lộn kế hoạch sản xuất kinh doanh của những ngành này.

- Mới được 7 tháng mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng đến 5,6%, trong khi đó, chúng ta lại tăng giá xăng dầu. Liệu mục tiêu kiềm chế CPI ở mức 6,5% như Quốc hội đề ra có đạt được?

- Mục tiêu kiềm chế CPI là 6,5% được Quốc hội đưa ra là hoàn toàn có cơ sở, trong bối cảnh giá xăng dầu lúc đó dao động ở mức 50-55 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay, giá xăng dầu đã vượt quá mức 65 USD/thùng. Tôi nghĩ rằng, khó có thể giữ được CPI ở mức 6,5%. Thế nhưng việc không hoàn thành các mục tiêu đó là do những yếu tố khách quan bất khả kháng. Nếu chúng ta điều hành tốt thì vẫn có thể kiềm chế ở mức kiểm soát được.

- Vậy, theo ông, chỉ số giá tiêu dùng năm nay sẽ tăng ở mức bao nhiêu?

- Chúng ta sẽ kiềm chế giá tiêu dùng tăng ở mức hợp lý và có thể kiểm soát được. Theo tôi, nếu giữ tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng (mục tiêu năm nay là 8,5%) thì đó cũng là cân đối vĩ mô khá tốt, vẫn trong tầm kiểm soát của Nhà nước mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của tăng trưởng, không gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

HÀ MY

Doanh nghiệp vận tải “lách”… để tăng giá

Mặc dù Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị không được tăng giá cước vận tải và phê bình Cục Đường bộ Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp vận tải tăng giá cước đến không quá 8% để bù đắp chi phí trước đợt tăng giá xăng dầu mới đây, thị trường vận tải vẫn hoạt động theo đúng quy luật cung-cầu: chi phí tăng xăng dầu tăng thì giá thành phải tăng.

“Đi đầu” trong việc này có lẽ là Hiệp hội Taxi TPHCM. Chiều 22-8, Hiệp hội Taxi TPHCM đã mời phóng viên của hầu hết các tờ báo trong thành phố đến để nghe hiệp hội trình bày những khó khăn của doanh nghiệp khi giá xăng dầu tăng. Theo cách tính của hiệp hội, với việc giá xăng A92 - loại xăng chủ yếu để chạy xe taxi, tăng từ 8.800 đồng/lít lên 10.000 đồng/lít đã làm cho chi phí nói chung tăng lên khoảng 14%. “Trong bối cảnh này mà chúng tôi không tăng giá thì chỉ có chết”, ông Đinh Quang Hiền, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM đã khẳng định như vậy. Ông Hiền thông báo, sớm nhất là cuối tháng 8-2005 và chậm nhất là ngày 1-9-2005, các doanh nghiệp trong hiệp hội sẽ tăng giá cước vận tải 300-500 đồng/km đối với tùy loại xe và tùy từng doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Sài Gòn Giải phóng rằng điều này có đi ngược lại quy định không cho tăng giá cước vận tải của Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Taxi cho rằng, quy định của bộ không nhắm đến taxi mà chỉ áp dụng cho xe khách liên tỉnh (?).

Xe khách liên tỉnh là đối tượng bị nhà nước quản lý giá chặt chẽ nhất so với các loại xe khác do phải vào bến xe của nhà nước đón khách, thế nhưng không ít chủ xe vẫn có cách… “lách” để tăng giá cước. Cách phổ biến nhất là cách bỏ tài cũ, xin lập tài mới. Theo quy định, khi lập tài mới, doanh nghiệp được chủ động xây dựng giá cước cùng với biểu đồ vận chuyển. Lợi dụng điều này nhiều doanh nghiệp đã xây dựng giá cước mới cao hơn trước… Thế là xe cũ, hành trình cũ, chỉ có thay đổi tài chuyến mà doanh nghiệp đã có thể tăng giá cước vận tải. Hiện tại Bến xe Miền Đông và Miền Tây đã có nhiều doanh nghiệp “rục rịch” tính chuyện đổi tài chuyến như trên.

Để bình ổn giá cước vận tải, thiết nghĩ Bộ GTVT nên làm việc với các doanh nghiệp, bàn bạc để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết.
 

AN NHIÊN-TUỆ MẪN

Tin cùng chuyên mục