TP Hồ Chí Minh sau “giờ G”

Vẫn còn vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép

Vẫn còn vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép

Ngày 15-11, sau khi Chỉ thị của UBND TPHCM về việc chấm dứt nuôi gia cầm và giết mổ nhỏ lẻ tại những nơi gần khu dân cư có hiệu lực, theo chân đoàn kiểm tra lưu động của Chi cục Thú y TPHCM chúng tôi ghi nhận...

  • Nhiều lò giết mổ gia cầm tập trung vẫn hoạt động

1 giờ 45 ngày 15- 11, ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh vẫn còn 3 cơ sở giết mổ công khai, mặc dù UBNDTP đã có văn bản cấm các cơ sở (có phép hay không phép) không được hoạt động (hạng chót ngày 14-11). Cơ sở Thanh Toàn đang nhốt trong chuồng khoảng 550 con gà, cơ sở Tân Thành 150 gia cầm, trại vịt Mười Muôn có 5 công nhân đang cắt cổ nhổ lông 24 con vịt và 195 con vịt nhốt trong lồng.

Vẫn còn vận chuyển, giết mổ gia cầm trái phép ảnh 1

Cán bộ thú y Bình Chánh tìm kiếm gà nuôi nhỏ, lẻ để đem đi tiêu hủy.

Được biết, số lượng gia cầm đưa về giết mổ tại khu vực này trên 1.500 con gà, vịt. 2 giờ 55 tại cơ sở gia công giết mổ Long Bình (1795/ 70, Tạ Quang Bửu, phường 6, quận 8) vẫn diễn ra cảnh giết mổ bình thường. Trước đó, khoảng 11 giờ 30, tại các trạm kiểm dịch Bình Triệu, Thủ Đức, An Sương, An Lạc, quốc lộ 50, cán bộ thú y phối hợp các lực lượng CSGT, CS 113, TNXP kiểm tra chặt từng xe tải, xe khách nhưng chưa phát hiện trường hợp nào đưa gia cầm vào TP.

Tuy nhiên, trạm kiểm dịch Lê Hồng Phong (hướng từ TP Biên Hòa, Đồng Nai vào TPHCM) đã phát hiện 6 xe chở gia cầm, thu giữ trên 2.000 con gà.

Theo Chi cục Thú y TP, những cơ sở nuôi tập trung quy mô lớn (còn khoảng 25.000 gia cầm nuôi gia công cho Công ty CP Việt Nam của 4 hộ ở Hóc Môn và Củ Chi) đã đề nghị thêm vài ngày để giết mổ. Công ty Gia cầm TP, ngoài 29.000 gia cầm (từ 1 kg/con trở lên) chưa kịp giết mổ, còn khoảng 31.000 gà các loại chưa đủ trọng lượng phải xử lý (hôm qua đã xử lý gần 19.000 con).

Ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9… còn khoảng 2.000 hộ nuôi nhỏ lẻ trên 5.700 gà các loại chưa xử lý. Trong khi đó, khó khăn nhất hiện nay là việc xử lý bồ câu nuôi (khoảng 5.000- 6.000 con chưa bắt được).

  • Tiêu hủy 106.720 trứng gia cầm không rõ nguồn gốc

Ngày 15-11, Đội cơ động số 3 phối hợp với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm quận 2 kiểm tra Cửa hàng kinh doanh trứng gia cầm Kim Phượng (số 23/16C Trần Não, phường Bình An), phát hiện 104.000 trứng gia cầm chưa kiểm dịch, không có nguồn gốc xuất xứ- trong số đó có rất nhiều trứng đã bị hư thối được để chung với trứng lành.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra kho chứa của cửa hàng (số 39/4 Lương Định Của, phường An Khánh) và phát hiện 203.000 trứng gia cầm đã kiểm dịch và 2.720 trứng cút không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đây là một trong những cửa hàng kinh doanh trứng gia cầm chưa qua kiểm dịch với số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Đội đã lập biên bản giao cho Ban chỉ đạo quận 2 tiêu hủy toàn bộ số trứng gia cầm này.

Sáng cùng ngày, nhiều siêu thị của hệ thống Coop Mart vẫn kinh doanh thịt và trứng gia cầm đã qua kiểm dịch nhãn hiệu CP và Thanh Bình. Tuy vậy, sức mua đã giảm hơn 70% dù giá hầu hết các loại thịt và trứng gia cầm đều giảm: gà thả vườn (nguyên con) còn 26.000 đồng/kg, trứng gà còn 6.900 đồng/vỉ 10 trứng.

Trong khi đó, các siêu thị trong hệ thống Maximark và một số chợ Phạm Văn Hai, Bến Thành… đã ngưng nhập và kinh doanh gia cầm, các sản phẩm gia cầm dù có kiểm dịch. Trong khi hầu hết các chợ lớn đều tuân thủ các quy định về việc kinh doanh sản phẩm gia cầm thì tại chợ Phú Lâm (quận 6) vào rạng sáng 15-11, vẫn còn hai sạp trong lồng chợ kinh doanh gia cầm trái phép và sai quy định: gà giết mổ sẵn được cắt ra từng bộ phận, bày ra mâm không có bao bì.

Nhiều sạp tại đây còn bán trứng gia cầm (nhãn hiệu Kim Cương, Ngọc Hùng, 5 The…) không có tem kiểm dịch với giá 10.000- 11.000 đồng/ chục.

  • Từ ngày 20-11, chấm dứt việc nuôi gia cầm nhỏ, lẻ

Chiều 15-11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký văn bản khẩn chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm. Theo đó, chủ tịch UBND các quận- huyện, giám đốc sở- ngành và Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm, thủy cầm TP tăng cường tuyên truyền để mọi hộ dân đều biết nguy cơ và cách phòng chống dịch cúm gia cầm; vận động dân ở các xã ven, tiếp giáp với các tỉnh không được tiếp tay, làm ngơ trước việc tuồn gia cầm, thủy cầm vào TP...

Trước ngày 21-11, UBND các phường-xã mời tất cả các hộ kinh doanh nhà hàng, quán cơm, bếp ăn tập thể, hộ bán gà quay, vịt quay… trên địa bàn phường- xã đến xem các băng video về dịch cúm gia cầm và yêu cầu đăng ký địa chỉ mua gia cầm, cam kết không mua gia cầm không qua kiểm dịch để chế biến.

Nếu sau 3 ngày không đăng ký được địa chỉ, lực lượng quản lý thị trường sẽ yêu cầu tạm ngưng kinh doanh. Sở GD- ĐT kiểm tra và đảm bảo các bếp ăn tại trường không mua gia cầm không qua kiểm dịch. Công an TP kiểm soát liên ngành, xử lý mạnh các trường hợp xe tải, xe gắn máy vi phạm, ban hành các văn bản cần thiết để tạm giữ ngay phương tiện vi phạm hoặc tịch thu nếu có tình tiết tăng nặng.

UBND quận- huyện hỗ trợ ngay thiệt hại cho việc tiêu hủy đàn chim cút, bồ câu, gia cầm chưa đến tuổi xuất chuồng. Ngày 20-11, phải chấm dứt việc nuôi gia cầm nhỏ lẻ tại các hộ; ngưng nuôi ở các hộ quy mô lớn; kiểm soát, ngăn chặn việc đưa trái phép gia cầm vào TP.

Ngành thú y đảm bảo ngay các thủ tục kiểm tra huyết thanh, xác nhận không nhiễm bệnh. Thú y các quận- huyện, phường- xã vận động các hộ nuôi đưa chim kiểng ra khỏi địa bàn TP, hoặc tự tiêu hủy. Sau ngày 30-11, các hộ trên toàn địa bàn TP không được phép nuôi chim kiểng. 

Hôm qua 15-11, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã xác nhận thêm 3 địa phương có gia cầm chết hàng loạt do nhiễm cúm là Bắc Ninh, Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc. Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 61 xã, phường thuộc 39 huyện, thị của 13 tỉnh, thành phố là: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Tổng số gia cầm tiêu hủy là 135.863 con- trong đó có 94.464 gà; 37.115 vịt và 4.284 chim cút, bồ câu.

Ngày 15-11, ông Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) cho biết, viện đã sản xuất thử nghiệm thành công vaccine cúm H5N1. Chủng vaccine này có tên là NIBRG-14, được tạo ra bằng công nghệ di truyền ngược và có nguồn gốc từ chủng virus cúm H5N1 phân lập từ một bệnh nhân ở Thái Bình năm 2004, sau khi đã loại bỏ đoạn gien gây bệnh. Chủng này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận về độ an toàn và khuyến cáo nên dùng cho việc sản xuất vaccine cúm H5N1 trên toàn thế giới hiện nay. Chủng NIBRG-14 đã được cấy vào phôi trứng gà sạch ở Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội). Sau 3 ngày nuôi cấy, dịch trứng đảm bảo đủ lượng virus để sản xuất vaccine cúm H5N1. Hiện nay, viện đã cơ bản hoàn tất “Quy trình sản xuất vaccine trên trứng” và chờ phê duyệt để chuyển giao quy trình, sản xuất đại trà.


Virus H5N1 đột biến theo hướng ngày càng nguy hiểm

Ngày 15-11, Viện Pasteur TPHCM cho biết, sau khi giải mã 159 gien của virus H5N1, các chủng virus được nghiên cứu từ đầu năm 2005 đã có các đột biến tại một số vị trí gắn kết với tế bào chủ trên kháng nguyên HA. Ngoài việc phát hiện một chủng virus có đột biến kháng lại thuốc Tamiflu - thuốc điều trị cúm gia cầm duy nhất còn hiệu quả hiện nay, tất cả chủng virus cúm H5N1 (trong nghiên cứu) đều mang đột biến kháng với Amantadine trên protein M2.

Viện Pasteur TPHCM nhận định, virus đang tích lũy đột biến theo chiều hướng dễ lây nhiễm cho người (có thể từ gia cầm trực tiếp lây sang người hoặc từ người sang người). Theo TS Cao Bảo Vân, Trưởng phòng Sinh học phân tử Viện Pasteur TPHCM, các mẫu bệnh phẩm trên người và gia cầm nhiễm virus cúm tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Bạc Liêu có những biến đổi đột biến rất lạ ngay tại vị trí tiếp xúc của tế bào vật chủ, điều này chưa từng thấy trên thế giới.

Ngoài ra, một điều khá bí ẩn cần làm rõ là vì sao rất nhiều người chăn nuôi đàn gia cầm lớn ở các tỉnh ĐBSCL, những nhân viên tiếp xúc, bắt và xử lý gia cầm nhiều năm liền rất hiếm bị lây nhiễm bệnh, trong khi nhiều người chỉ đi ngang qua nơi bán, ăn sản phẩm gia cầm lại bị nhiễm bệnh.

Lãnh thổ Đài Loan: Xuất hiện thêm virus cúm gà H7N3

Các chuyên gia y tế lãnh thổ Đài Loan vừa tìm thấy virus H7N3 (cũng có khả năng tấn công con người) trong phân của chim di cư tại một vùng đất lầy ở Đài Nam. Virus này xuất hiện lần đầu tiên trên gà tây tại Anh vào năm 1963 và lần mới nhất là trên gia cầm ở Canada vào tháng 5-2004.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo, dịch cúm gia cầm đang lan từ Đông sang Tây ở nước này. Tại tỉnh An Huy, đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm- được xác định do virus H5N1- làm chết 800 con gia cầm. Các cơ quan chức năng đã tiêu hủy 130.000 con gia cầm và tiêm vaccine cho 279.000 con gia cầm tại các vùng lân cận. Trong khi đó, tại Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương, dịch cúm gia cầm cũng bùng phát, hơn 200.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy. ở Romania người ta đã xét nghiệm một loại virus cúm mới thuộc chủng H5. Trong khi đó, Indonesia cho biết đã có 7 trong số 9 người nhiễm cúm bị chết, tuy nhiên người thứ 9 đã qua cơn nguy hiểm.

Cùng ngày, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cho biết, nước này đã quyết định cấp ngay 10 triệu euro hỗ trợ các biện pháp giám sát và cảnh báo dịch cúm ở châu Á.

NHÓM PV

Tin, bài liên quan:

Mọi người dân cùng góp sức
Chính thức ban hành phác đồ điều trị mới chống cúm type A H5N1
Viện Pasteur hoàn thành việc giải mã gien virus H5N1
TPHCM thiêu huỷ chim cảnh, gia cầm

Ghi nhận trước “giờ G”
Thiết lập các chốt kiểm dịch 24/24 giờ

“Ra quân” phòng chống dịch cúm gia cầm
Triệt để phòng chống dịch cúm ở từng thôn, xóm
Cả nước không có người nhiễm cúm H5N1

Tin cùng chuyên mục