Văn học mạng - Ngành công nghiệp thịnh vượng tại Trung Quốc

Trong bản danh sách các nhà văn giàu nhất Trung Quốc công bố trên China Daily, Giang Nam - một cây bút văn học mạng vượt qua nhà văn đoạt giải Nobel Văn học Mạc Ngôn trở thành người có thu nhập cao nhất trong bảng xếp hạng.
Văn học mạng - Ngành công nghiệp thịnh vượng tại Trung Quốc

Trong bản danh sách các nhà văn giàu nhất Trung Quốc công bố trên China Daily, Giang Nam - một cây bút văn học mạng vượt qua nhà văn đoạt giải Nobel Văn học Mạc Ngôn trở thành người có thu nhập cao nhất trong bảng xếp hạng.

Bảng xếp hạng do Ngô Hoài Nghiêu, người nghiên cứu ngành xuất bản Trung Quốc lập ra hàng năm luôn gây tranh cãi, song nó lại được coi là thước đo của xu hướng xuất bản và văn hóa đọc ở đất nước này. Danh sách năm nay cho thấy, bất chấp tình hình kinh tế trong nước không giữ được đà tăng trưởng cao nhưng ngành xuất bản văn học của Trung Quốc vẫn liên tục phát triển. Thể hiện rõ nét qua doanh thu của các cây viết của văn học mạng, sách thiếu nhi và văn học chính thống cũng như các cây bút danh tiếng từ tháng 11-2012 đến tháng 11 năm nay.
 
Nhà văn Giang Nam đứng đầu danh sách năm nay với thu nhập 25,5 triệu NDT (4,2 triệu USD). Nhà văn đoạt giải Nobel Văn học Mạc Ngôn đứng thứ 2 với thu nhập 24 triệu NDT và đứng thứ 3 là Trịnh Uyên Khiết (18 triệu NDT). Một số nhà văn nổi tiếng khác cũng có tên trong danh sách như Giả Bình Ao và Tô Đồng.

Nhà văn Giang Nam.

Nhà văn Giang Nam.

Đây không phải lần đầu tiên Giang Nam đứng đầu danh sách. Năm ngoái, nhà văn 36 tuổi cũng dẫn đầu bảng xếp hạng với doanh thu hơn 10 triệu NDT (1,6 triệu USD). Trước đó trong năm 2011, anh chỉ xếp hạng thứ 11. Doanh thu của nhà văn Giang Nam cho thấy tại Trung Quốc, văn học mạng đã trở thành một ngành công nghiệp thịnh vượng chứ không còn là một cuộc dạo chơi của cây bút muốn thử sức mình qua những tác phẩm chỉ xuất bản trên mạng.

Ngoài việc tìm kiếm những tác phẩm xuất bản chính thống, giới trẻ Trung Quốc hiện nay còn thích tìm tòi những tác phẩm xuất bản trên mạng. Họ theo dõi từng trang viết, đưa ra ý kiến nhận xét trực tiếp và điều thú vị hơn cả là nhận được phản hồi của tác giả trong những phần tiếp theo của những tác phẩm này.

Thống kê cho thấy, từ năm 2011, doanh thu của Công ty TNHH Đại học Thịnh Đại, công ty nắm giữ 90% thị trường văn học mạng Trung Quốc là hơn 100 triệu NDT một năm. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc (CNNIC), tổng số người dùng internet Trung Quốc đã đạt hơn 400 triệu, trong đó, những người dùng có tài khoản trên các trang web văn học mạng lên tới 162 triệu, chiếm hơn 40% tổng số người sử dụng internet. Đồng thời, sự phổ biến của việc đọc trên điện thoại và sách điện tử cũng cung cấp cho văn học mạng một kênh khai thác mới.

Sự phát triển ồ ạt của văn học mạng đã tạo tiền đề cho việc thành lập  một đại học văn học mạng đầu tiên tại Trung Quốc do nhà văn Mạc Ngôn làm Hiệu trưởng danh dự. Ông Mạc Ngôn cũng là người rất quan tâm đến việc phát triển loại hình văn học này tại Trung Quóc.

Đại học Văn học mạng ra đời dưới sự chỉ dẫn của Hội nhà văn Trung Quốc, được thành lập bởi Công ty Trung Quốc Online cùng một số website văn học khác. Theo giới thiệu của đơn vị thành lập, hiện nay website trường đã đi vào hoạt động. Những học viên muốn tham gia sẽ gửi đơn xin học qua trang web của trường. Trường chia thành các khoa riêng, mời chuyên gia, học giả trong từng lĩnh vực giảng bài online và offline theo định kỳ. Trường đào tạo miễn phí cho học viên.

Mạc Ngôn tỏ ra rất hào hứng: “Tôi chưa từng làm quan trong đời. Được làm hiệu trưởng của trường học không biên giới này, tôi lấy làm vinh hạnh. Chúng ta không thể coi nhẹ sự tồn tại của văn học mạng. Nếu bạn muốn tìm hiểu văn học đương đại Trung Quốc, nhất định không thể bỏ sót văn học mạng thời nay”.

PHƯƠNG NAM 

Tin cùng chuyên mục