Hiện nay, việc đô thị hóa đã kéo theo khá nhiều bất cập đang xảy ra hàng ngày trên các thành phố lớn. Thành phố ngày càng được mở rộng và tất nhiên sẽ không thể có sự đồng bộ kịp thời của những người dân trước kia đã quá quen với cuộc sống nông thôn.
Bên cạnh ấy là làn sóng người nhập cư đổ về thành phố cộng với sự chưa thích ứng về nếp sống có phải chăng đã làm nên một bộ mặt đô thị không đồng nhất. Chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện, từ những vấn đề nhỏ như ứng xử văn hóa nơi công cộng: trên đường phố, trong rạp hát, trong nhà hàng, quán cà phê đến cả những vấn đề lớn có tính vĩ mô như mặt bằng kiến trúc đô thị… Xin mời các bạn hãy đóng góp ý kiến để cùng xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ngày càng văn minh lịch sự hơn…
SGGP
“Năm 2008 - năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”
Ý thức là nhân tố quyết định!
Có một điều không thể phủ nhận đó là đất nước chúng ta đang ngày càng phát triển, mặc dù cả nước vẫn còn đang trong thời kỳ đổi mới nhưng cũng đã đạt được những thành tựu khá rõ rệt.
Các tỉnh, thành lớn đã và đang dần thay đổi diện mạo của mình cho xứng với vị thế mới của đất nước, nhất là ở hai thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - sự thay đổi này diễn ra rất nhanh chóng. Tuy nhiên phải nhìn nhận một điều là cuộc sống càng đi lên ở đô thị thì dường như nếp sống của con người nơi đây càng có phần chững lại và đi xuống. Tôi xin kể lại một câu chuyện mà tôi đã có dịp chứng kiến cách đây hơn một năm.
Tại ngã tư Bình Triệu đông đúc vào một buổi sáng. Cho xe dừng lại vì đèn đỏ, tôi bỗng bất ngờ khi có giọng nói hét lên “Sao không bỏ hộp sữa xuống đường đi?”. Đập vào mắt tôi lúc này là hai bố con đang dừng xe ở trước mặt, tôi sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu như không được nghe đứa con đó lắc đầu trả lời “Dạ không! con sẽ giữ lại để kiếm thùng rác bỏ vô”. Dường như câu nói đó đã gây bất ngờ không chỉ cho tôi mà cả những người ở xung quanh khiến ai cũng phải đưa mắt nhìn.
Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.
Văn minh đô thị – không chỉ có kêu gọi
TPHCM là đô thị lớn nhất nước. Tuy nhiên, sống trong một đô thị lớn không đồng nghĩa với việc có được văn minh đô thị. Từ những chuyện được xem là nhỏ nhặt như tiểu bậy, nhổ bậy, vứt xác chuột ra ngoài đường đến chuyện lớn hơn như xả rác xuống kênh rạch, thiếu tôn trọng trật tự giao thông gây kẹt xe… vẫn xảy ra nhan nhãn hàng ngày. Trước tình hình đó, việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị là hợp lý mà đáng ra phải làm từ lâu.
Tuy nhiên, điều này không đơn giản. Đơn cử như tại quận Bình Thạnh. Để tạo mỹ quan, quận đã bỏ ra hơn 170 triệu đồng để dọn dẹp, thu gom 167 tấn rác trên đoạn kênh từ cầu Bình Triệu 2 đến cầu Băng Ky, tính trung bình mỗi tấn rác tốn hơn 1 triệu đồng để thu gom. Huy động hàng ngàn giờ công lao động của các lực lượng thanh niên, công an, cán bộ viên chức để dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường, khu vực trọng điểm mất vệ sinh.
Thế nhưng, khi một vị Phó Chủ tịch UBND TPHCM đi kiểm tra tình hình thực tế tại những khu vực được coi là điểm nóng về nếp sống văn minh đô thị của quận mới thấy mọi chuyện không dễ dàng. Những đoạn kênh tốn kém tiền bạc để dọn dẹp đã mau chóng tiếp nhận những đống rác mới, những khu vực hôm trước dọn vệ sinh sạch sẽ nay lại tiếp tục bầy hầy. Thậm chí, ngay trong lúc đồng chí Phó Chủ tịch đang kiểm tra, thanh niên đang dọn dẹp vệ sinh thì vẫn có người dân mang rác ra đổ, thấy đông người họ lại quay vào.
Sau chuyến kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã nhận định: “Chương trình Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị 2008 chỉ có thể thành công khi nâng cao được ý thức cho mọi người dân cùng có trách nhiệm tham gia giữ gìn vệ sinh chung”.
Và để nâng cao ý thức thì những biện pháp tuyên truyền như hiện nay vẫn còn quá ít, quá mờ nhạt. Ở Singapore, để ngăn chặn một tật xấu khạc nhổ ngoài đường, họ đã kết hợp cả hai biện pháp vừa tuyên truyền vừa đi kèm với hình thức xử lý bằng pháp luật với các hình phạt rất cứng rắn. Và thành tựu họ đạt được là một trong những đô thị được xem là văn minh, sạch sẽ nhất thế giới. Đó là một trong những mô hình cần tham khảo.
Xuân Thân
Văn minh đồng nghĩa với tự giác
Tôi xin kể lại cho bạn nghe hai mẩu chuyện.
Chuyện thứ nhất: Một buổi chiều hai vợ chồng tôi với đứa con gái ra công viên hóng mát. Ngồi trên chiếc ghế đá mới toanh, bên dưới là những hàng gạch mới lát bóng loáng chạy dọc theo thảm cỏ xanh rất đẹp. Bỗng con bé kêu lên: “Cái gì gớm quá ba ơi!”. Tôi nhìn ra phía sau thì thấy một bãi tạp nham đầy thức ăn đồ uống bắn tung tóe khắp nơi. Tôi nói nhỏ với con bé: “Đồ thừa đó con”. Nghe tôi nói con bé ngơ ngác: “Cô giáo dạy con: không nên hái hoa và vứt rác ra công viên bố ạ!”. Tôi chưa kịp nói gì thì nó đã lấy ra một tờ báo đậy lại chỗ bẩn.
Câu chuyện thứ hai: Hôm ấy tôi đi khám bệnh ngồi cạnh một bà cụ đã ngoài 70. Miệng bà bỏm bẻm nhai trầu. Một lúc sau tôi chợt thấy bà cụ cứ loay hoay lục trong túi như tìm vật gì. Tôi đánh bạo hỏi: “Cụ tìm gì ạ?”. Tưởng bà cụ đau bụng, tìm dầu xoa, tôi sốt sắng: “Thưa cụ con có lọ dầu nóng đây ạ, cụ lấy xoa cho ấm bụng!”. Bà cụ liền xua tay: “Không... không... Tôi tìm cái bao ni lông ấy mà…”. Nói rồi bà cụ nhẹ nhàng rút cái bao ni lông đen từ trong túi ra nhổ bã trầu vào đó, lấy dây cao su buộc chặt miệng rồi để vào dưới ghế cạnh góc tường. Tưởng bà cụ khám xong và quên cầm bao ni lông theo. Nhưng không! Bà cụ vẫn nhớ và khi ra khỏi bệnh viện bà không quên bỏ bọc ni lông vào thùng rác. Thiết nghĩ, sống giữa lòng thành phố ai cũng có tính tự giác như bà cụ thì thành phố ta sẽ sạch đẹp, văn minh hơn nhiều.
Võ Trí (P8, Q3, TPHCM)
“Năm 2008 – năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”
Xây dựng ý thức giữ vệ sinh chung!
Một lần, sau khi đi tham quan một vòng thành phố Hồ Chí Minh, tôi hỏi người bạn Singapore có ấn tượng gì về thành phố từng mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” này, anh ta thật thà nói ngay “Thành phố của bạn đẹp nhưng sao có… rác nhiều quá!”.
Câu trả lời khiến tôi không sao tránh khỏi một cảm giác tự ái, nhưng sau đó nhìn kỹ lại, tôi thấy thành phố thân yêu của tôi… quả có thế thật! Thật vậy, bất cứ ai ở thành phố này, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là đã có thể nhìn thấy đủ mọi loại rác. Đường lớn có, đường nhỏ có, trong hẻm lại càng nhiều. Từ các loại phổ biến nhìn đâu cũng thấy như vỏ lon, bịch ni lông, hộp sữa, chai nước… đến các loại như phân chó, xác chuột chết... cũng có nốt. Do thế, không đâu khổ bằng khách bộ hành của ta. Cứ phải vừa bước đi vừa nhìn xuống đất để coi chừng, bởi lơ mơ đạp nhầm một cái thì chỉ có nước… đi cà nhắc với cái tức cứ anh ách trong lòng.
Đó mới chỉ là rác dưới mặt đất. Thử nâng cao tầm mắt một chút, mọi người lại thấy rác nằm nghênh ngang trên các gốc cây, các cột điện… Đó chính là các loại quảng cáo rao vặt lăng nhăng thiếu thẩm mỹ, thậm chí nhảm nhí như trị yếu sinh lý, khoan cắt bê tông, luyện thi bảo đảm đậu...
Sau các loại rác nhìn được này là đến các loại rác không nhìn được nhưng cũng làm khổ người dân không ít. Đó chính là các loại rác âm thanh. Để mời khách, các hàng quán thi nhau mở nhạc ầm ĩ, khiến những người không muốn nghe cũng phải bị vạ lây những âm thanh đinh tai nhức óc. Nhưng như thế cũng còn may, vì các hàng quán này thường ở các con đường lớn; những chiếc xe bán kẹo kéo, keo diệt chuột… mới thật sự khủng khiếp. Chúng cứ len lỏi các hẻm sâu, vào sát cửa nhà rồi cứ ra rả một điệp khúc khiến ai trầm tĩnh nhất cũng muốn phát điên khi cứ phải nghe đi nghe lại đến hàng trăm lần.
Cứ thế, rác đủ mọi loại, đủ mọi kiểu vẫn cứ ngang nhiên xuất hiện. Một số người nghĩ, đường phố là của chung, ai dơ mặc ai miễn nhà mình sạch là được! Do vậy, thành phố ngày càng nhiều rác, mặc dù lực lượng công nhân vệ sinh đã đầu tắt mặt tối để thu dọn.
Vậy phải làm sao để thành phố này xanh - sạch - đẹp, để được gọi là một đô thị văn minh? Chắc chắn chẳng còn cách nào khác là phải xây dựng cho bằng được một nếp sống “Văn minh đô thị” cho tất cả những người dân sống trong thành phố. Trong đó, thiết nghĩ, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung là điều cần thiết trước hết. Còn xây dựng như thế nào, tất yếu phải cần những nhà chuyên môn và sự đồng thuận của cả xã hội.
TRẦN HOÀNG PHƯƠNG
(Lê Văn Sỹ, Q. Tân Bình)
Nếp sống văn minh: Cần giáo dục từ gốc
Đầu năm 2008, thành phố Hồ Chí Minh đã phát động cuộc vận động “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, phường xã, quận huyện và toàn dân. Mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động này là hết sức cần thiết nhằm thiết lập một đô thị hiện đại, văn minh.
Theo tôi, chúng ta nên xem đây như là một điểm khởi đầu của một quá trình thực hiện dài hơi và liên tục chứ không phải trong một năm, qua cuộc vận động rồi đâu lại vào đấy. Mà muốn được như vậy, thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp trước mắt nhằm nhanh chóng phát huy hiệu quả, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp mang tính chiến lược, đón đầu. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Có thể đem chương trình giáo dục “Tác phong văn minh đô thị Việt Nam” vào chương trình giáo dục công dân các cấp trường học, vào các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành.
Một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines hay Malaysia… cũng đã thành công trong việc giáo dục học sinh, sinh viên và người dân nói chung tôn trọng trật tự giao thông, vệ sinh công cộng, nếp sống văn minh đô thị. Để tạo thành một nếp sống văn minh đô thị như hiện tại, các nước này đã kiên trì dành cả chục năm trời triển khai chương trình giáo dục công dân cho học sinh, sinh viên của họ thói quen về trật tự, giữ gìn vệ sinh hay tác phong lịch sự văn minh đô thị. Môn công dân được dạy rất cụ thể và nghiêm túc, gồm cả giáo dục luật lệ giao thông, ý thức bảo vệ của công, phép lịch sự xã giao hàng ngày v.v… Đó là cách giáo dục từ gốc rất đáng để chúng ta tham khảo, học tập và vận dụng một cách phù hợp vào điều kiện cụ thể của nước ta.
HƯNG NGUYÊN (Q.Thủ Đức)
“Năm 2008 – năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”
Bắt đầu từ việc xử lý rác...
Năm 2008 được TPHCM chọn là năm văn minh đô thị. Tuy nhiên, một khi ý thức từ mỗi công dân chưa cao sẽ tác động đến kết quả chung của toàn thành phố. Văn minh đô thị vì vậy nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Rác là vấn nạn đầu tiên tại thành phố. Vẫn biết mỗi quận đều có công ty công ích chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác ngày đêm, mỗi phường đều có những tổ xe thu gom rác dân lập nhưng rác không những không giảm mà có nguy cơ… bùng phát.
Điều dễ thấy nhất là không ít người đụng đâu đổ đó, không tuân thủ theo một quy trình nào cả. Nhiều nơi không có thùng rác công cộng, bắt buộc người dân phải giải quyết khỏi căn nhà vốn chật hẹp của mình. Và thế là rác ùn lên thành từng đống, dưới cột điện, bên thành cầu, lề đường…
Tại các công viên, quảng trường…nhiều người vô tư xả rác mà không cho vào thùng đặt sẵn. Nhưng cái khó là chế tài nào cho việc này. Xử phạt thì luật chưa có, lực lượng cũng không mà chủ yếu là phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người.
TPHCM từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông và hiện nay đóng góp không nhỏ vào ngành công nghiệp không khói của nước nhà, song vấn nạn rác đến nay vẫn chưa có lời giải. Và đó chính là một trở ngại để chúng ta tiến lên một thành phố hiện đại - văn minh - văn hóa.
Nếu ở một số nước văn minh, việc xả rác như tại thành phố chúng ta phải chịu phạt tài chính rất nặng, thậm chí là phạt lao động. Ở Singapore, sở dĩ họ có một môi trường văn minh đô thị rất cao chính là nhờ án phạt nghiêm khắc nếu người dân lẫn du khách xả rác.
Đã đến lúc, mỗi người dân phải có ý thức để rác đúng chỗ, đúng nơi quy định tạo thành nếp quen, bởi đó chính là biểu hiện của lối sống văn minh. Đồng thời, các quận, phường nên có hệ thống bô rác di động thật nhiều để người dân có chỗ bỏ rác. Bởi hiện tại nhiều nơi tại thành phố, bô rác di động rất hôi hám vì không có người trông coi. Còn xe chở rác “hiên ngang” trên đường mà nhiều xe không hề có nắp đậy, nhất là hệ thống thu gom rác dân lập chuyên chở bằng xe lam cũ kỹ, bốc mùi nồng nặc. Những chiếc xe quá đát kiểu này phải được “khai tử” để đảm bảo văn minh đô thị. Thành phố nên trang bị những xe lấy rác mới hơn, chuyên nghiệp hơn để việc lấy rác bảo đảm vệ sinh và có thẩm mỹ hơn.
Hoàng Hưng
...Và những việc làm nhỏ
Một ông cụ đứng bên kia đường, muốn sang nhưng thấy xe nhiều quá, nên ông không dám. Gần đó có một số thanh niên đang đứng hút thuốc và tán gẫu. Chợt phía sau có một cậu bé đi lại lễ phép nói: “Thưa ông! Ông muốn qua đường ạ!”. Ông cụ nhìn cậu bé rồi gật đầu. Cậu bé nói: “Để con dắt ông qua”. Cậu bé vừa dứt lời, ông cụ nhẹ nhàng chuyển cây gậy sang bên tay trái rồi chìa tay phải cho cậu nắm. Đến gần lề đường bên này bỗng ở đằng sau có tiếng gắt gỏng: “Ông già kia qua nhanh lên để người ta còn đi”. Sau khi đưa ông cụ qua đường, cậu bé vẫn nán lại tỏ ý muốn đưa ông cụ về tận nhà nhưng ông cụ mỉm cười chỉ về phía trước: “Nhà ông đây rồi, ông cảm ơn con”. Nói rồi ông cụ thò tay vào túi lấy ra tờ 5.000 đồng trao cho cậu bé: “Ông cho con mua kẹo”. Cậu bé lắc đầu nguây nguẩy: “Con không nhận đâu”. Khi cậu bé đi khuất. Tôi chợt nhìn sang bên kia đường, ba người thanh niên vẫn đang đứng đó. Tôi thầm nghĩ: Giá ai cũng có tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ những lúc khó khăn như cậu bé kia, thì dù một việc làm nhỏ đến đâu cũng đều mang ý nghĩa văn minh của đô thị.
Võ Tri (P8, Q3 TPHCM)
“Năm 2008 – năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”:
Cần những chế tài nghiêm khắc
Đánh giá tổng quan, người dân TPHCM đã có ý thức cao hơn để bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống mới lành mạnh văn minh. Tuy nhiên, chúng ta chưa có nhiều biện pháp phổ biến các quy định đến “tận nhà”. Do đó, vẫn còn tình trạng nhiều người chưa ý thức được tác hại của môi trường vệ sinh kém, vẫn không ít người bàng quan, xem việc giữ đường phố sạch đẹp là của … công nhân vệ sinh! Ngay trong cuộc vận động này, thời gian đầu năm 2008, dịch muỗi và chuột vẫn hoành hành ven kênh rạch ở TPHCM cho thấy tác hại nặng nề của rác thải làm tắc nghẽn dòng chảy, gây hôi hám, làm tái diễn dịch sốt xuất huyết.
Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp
Phải nhìn nhận rằng, một trong những nguyên nhân làm cho đô thị xuống cấp lâu nay, trong đó có nếp sống văn minh đô thị (VMĐT) là do chúng ta quản lý đô thị (QLĐT) bằng những quy định, cơ chế, bộ máy chính quyền, con người không khác so với quản lý nông thôn. Hay nói một cách ví von “dùng chiếc áo của nông thôn mặc cho đô thị quá chật”. Khi đối tượng quản lý khác nhau mà dùng công cụ quản lý như nhau thì trái với khoa học tổ chức. Hơn thế nữa, nhìn lại đội ngũ cán bộ công chức để QLĐT cực lớn như TPHCM không được trang bị, chuẩn bị những kiến thức về QLĐT. Thậm chí, những người này còn mang theo phong cách sinh hoạt của “tiểu nông” làm pha loãng đi “chất công nghiệp”, chất “chính quy” của TP, của “thị dân”. Chính điều này cho thấy cần thiết phải xây dựng nếp sống VMĐT, một đô thị văn minh hiện đại!
Trong quá trình QLĐT, chính quyền đô thị phải luôn đương đầu giải quyết những khó khăn như: tình trạng xây dựng hỗn loạn không tuân theo quy hoạch, vấn đề nước sạch, cấp thoát nước, thiếu cây xanh, nhà tạm bợ, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, gia tăng dân số, trật tự an toàn xã hội… Các khó khăn này luôn tác động lẫn nhau, đan xen làm cho công tác QLĐT đã phức tạp càng phức tạp thêm, không giải quyết được các vấn đề trên thì không bao giờ có VMĐT. Vì thế đặt ra yêu cầu tổ chức QLĐT theo nguyên tắc trực tiếp; phân cấp quản lý rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị. Đòi hỏi trên đặt ra bộ máy chính quyền QLĐT phải tinh gọn, ít tầng nấc (giảm cấp chính quyền), công chức phải có kiến thức về QLĐT, luật pháp phải đồng bộ, pháp chế nghiêm, phương tiện quản lý phải hiện đại, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến…
Được biết, TPHCM đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện mô hình QLĐT theo quan điểm trên. Hy vọng rằng, có mô hình QLĐT phù hợp sẽ góp phần đáng kể nâng cao nếp sống VMĐT.
Diệp Văn Sơn
Còn người ăn xin thì chưa có văn minh đô thị
Mặc dù trong thời gian qua UBND TPHCM, Sở LĐTB-XH TP đã hạ quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng nhưng hiện nay người ăn xin sống lang thang nơi công cộng ở TPHCM vẫn không giảm. Cả ngày lẫn đêm, chỉ cần ra đường là dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em, người già... chìa tay xin tiền người đi đường. Trông rất nhếch nhác!
Ăn xin cũng có hai loại “vì nghèo quá nên phải ăn xin” và “kinh doanh theo hình thức ăn xin” (báo chí đã từng phản ánh nạn bắt trẻ đi ăn xin của các “chủ cái bang”).
Dù nghèo phải đi ăn xin hay kinh doanh bằng nghề... ăn xin đi chăng nữa thì cũng làm mất đi nét văn minh, văn hóa của TPHCM. Đặc biệt là trong năm 2008 - năm TP chúng ta thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Thử hình dung xem, một khi mọi thứ ở TP đều đã văn minh nhưng còn nhan nhản người ăn xin đứng đầy đường thì ai dám bảo TPHCM văn minh?
Chính vì vậy, song song với việc tuyên truyền người dân nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị thì cơ quan chức năng cũng cần phải chú tâm đến câu hỏi và tìm biện pháp giải quyết căn cơ vấn nạn “làm gì để TP hết cảnh người lang thang, ăn xin?”. Chừng nào còn người lang thang ăn xin trên địa bàn TPHCM thì chừng đó TP vẫn chưa có văn minh đô thị.
Ngôn Luận
(ngonluan2007@...)
Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.
Xây dựng một thành phố không thuốc lá
Năm 2008 là năm TPHCM vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Trong các ý kiến của lãnh đạo và nhân dân thành phố đưa ra trên các phương tiện truyền thông có đề cập rất nhiều đến những vấn đề phải chấn chỉnh, giải quyết triệt để như nâng cao ý thức người dân, không xả rác, phóng uế ra đường, chấp hành luật giao thông… nhằm thực hiện thành công nếp sống văn minh đô thị. ...
Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.
Năm 2008 – năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị"
Cán bộ công chức phải làm gương
Đối với chủ trương năm "văn minh đô thị" 2008, những người làm việc trong các cơ quan nhà nước càng phải làm gương. Sự gương mẫu này thể hiện ở các nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, có thái độ văn minh, lịch sự trong khi thi hành công vụ, nhất là khi tiếp xúc với người dân. Đây là một nội dung trong cải cách hành chính nên càng cần phải được quan tâm thực hiện. Người dân khi đến các cơ quan nhà nước phải được đối xử lịch sự, lễ phép, kể cả khi phải từ chối những yêu cầu không chính đáng, không hợp pháp của người dân. Để thực hiện được yêu cầu này, cán bộ công chức cần phải được tập huấn, giáo dục và giám sát thực hiện về các nguyên tắc giao tiếp, ứng xử giữa cán bộ công chức với nhau và với công dân. Ngoài ra, cán bộ công chức phải thực hiện tác phong làm việc hiện đại, khoa học, thể hiện trong giờ giấc, quy tắc làm việc, cách ăn mặc…
Thứ hai, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong cơ quan của mình. Mặc dù yêu cầu về "công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn" đã được đưa ra từ lâu và hàng năm đều có kiểm tra, chấm điểm, nhưng nhiều cơ quan chưa thực hiện nghiêm. Chẳng hạn, một số nơi, bãi giữ xe không ngăn nắp, thu quá giá quy định; không có thùng rác; cán bộ công chức hút thuốc trong phòng làm việc… Thậm chí có cơ quan còn tổ chức ăn uống, đánh bài… trong giờ làm việc; hoặc cán bộ công chức bỏ ra ngoài ngồi quán xá trong lúc người dân đang chờ… Do đó, "công sở sạch đẹp" bao hàm cả yêu cầu đội ngũ những người đang làm việc tại công sở phải có những hành vi văn hóa, văn minh và đúng luật.
Thứ ba, thực hiện tốt các yêu cầu về văn minh đô thị ngay tại gia đình, khu phố mình. Khi về khu dân cư, cán bộ công chức là công dân tại địa phương đó phải tích cực thực hiện vừa với tư cách là một người dân vừa với tư cách là một "người của nhà nước", như giữ gìn vệ sinh, đi họp tổ dân phố đúng giờ; phơi phóng quần áo ngăn nắp, gọn ghẽ….
Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã được phát động từ mấy năm trước nhưng kết quả chưa cao, một phần là do thiếu "đầu tàu" gương mẫu và có khả năng khơi gợi tính tự giác trong cộng đồng. "Đầu tàu" đó phải là cán bộ, đảng viên, công chức viên chức. Bên cạnh đó, các biện pháp tuyên truyền vận động, giáo dục, chế tài… cũng cần được thực hiện thường xuyên, kiên quyết. Có như vậy, năm "văn minh đô thị" 2008 này mới có chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu có hiệu quả lâu dài.
TRÚC GIANG
Đừng xem nhẹ hành vi hút thuốc lá nơi công cộng!
Trong các yêu cầu về thực hiện nếp sống văn minh đô thị năm 2008, chưa thấy nói đến việc hút thuốc lá nơi công cộng. Thực ra, hành vi hút thuốc (nói chung) là một thói quen không những gây tổn hại cho sức khỏe bản thân, mà còn cho cả mọi người xung quanh. Hút thuốc lá ở nơi không có người thì chỉ đáng xem là “mình hút mình chịu”! Còn hút thuốc mà nhả khói cho người khác hít là buộc người ta phải hút thuốc như mình (hút thuốc thụ động), là hành động thiếu văn minh thậm chí có nơi bị coi là vi phạm pháp luật (bị phạt tiền hoặc bị buộc lao động công ích…).
Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.
Những “lô cốt” cản trở văn minh đô thị
Hơn 3 tháng kể từ ngày lãnh đạo TPHCM triển khai chủ trương “thực hiện nếp sống văn minh đô thị” (23-1-2008), thực tế đến thời điểm này vẫn chưa có những diễn tiến tích cực đáng kể. Những chuyện nói hoài, nói mãi: rác thải tràn lan, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tiểu tiện không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng lề đường, văn hóa ứng xử… vẫn chưa được người dân chấp hành nội quy, chủ trương đưa ra một cách nghiêm túc nhất.
Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.
TUẤN VŨ
(Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình TPHCM)
Paris sạch sẽ hơn nhờ… phạt vạ!
Những năm trước tới thăm Paris, khi ra đường ngoạn cảnh, khách du lịch thường phải dò dẫm từng bước một vì sợ cứ mải ngắm nhìn cảnh đẹp có thể sẽ đạp phải các bãi chất thải của các… “cục cưng” bốn chân của các ông bà sang trọng và lịch sự! Bởi người dân Paris từ bao đời nay đã nổi tiếng là rất yêu súc vật và thường có thói quen dắt chó ra đường phóng uế để... khỏi dơ nhà.
Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.
ĐINH KỲ THANH (TP Hồ Chí Minh)
Văn hóa... nhường
Chủ trương “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị” được triển khai hơn 3 tháng qua nhưng thực tế chưa thấy sự khởi sắc nào đáng kể trong các hoạt động văn hóa đô thị.
Ở nhiều nơi, dễ thấy hình ảnh chen lấn để rút tiền ở các máy ATM, nộp tiền khám chữa bệnh, mua vé xe đò mỗi dịp lễ, tết hay lưu thông trên đường. Nếu ai cũng tự giác nhường nhau thì không có cảnh chen lấn lộn xộn, kẻ gian khó trà trộn để móc túi, giật đồ. Trong lần sang Nhật du lịch, trên đường giao thông tôi không hề nghe thấy tiếng còi xe.
Mời bạn click vào đây để xem toàn bộ nội dung ý kiến này.
Đàm Vũ Tri