Gửi về Tổng Công ty Điện lực Việt Nam

Vì đâu dự án công trình thủy điện A Vương bị chậm trễ?

Vì đâu dự án công trình thủy điện A Vương bị chậm trễ?
  • Một dự án khả thi

Dự án thủy điện A Vương có công trình đầu mối trên sông A Vương, thuộc địa phận xã Dang, huyện Tây Giang và xã MaCooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21-3-2003 theo Nghị định số 317/QĐ-TTg.

Vì đâu dự án công trình thủy điện A Vương bị chậm trễ? ảnh 1

Trên cơ sở đó, ngày 31-10-2003, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp có quyết định "phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 dự án thủy điện A Vương". Ngày 24-3-2004, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) có quyết định phê duyệt đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị công nghệ và lưới điện đồng bộ thuộc dự án thủy điện A Vương, đồng thời EVN quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu gói 47.1 mang tên: cung cấp vật tư thiết bị cơ điện thuộc dự án này.

Như vậy những thủ tục pháp lý cần thiết cho việc đấu thầu gói thầu 47.1 thủy điện A Vương đã hoàn tất. Ban quản lý dự án 3 thuộc EVN được giao trách nhiệm giúp EVN trực tiếp triển khai quản lý thực hiện dự án này.

Nhiệm vụ được đặt ra khi xây dựng gói thầu 47.1 bao gồm các công việc cung cấp các thiết bị đồng bộ để đảm bảo việc vận hành bình thường của nhà máy thủy điện A Vương phát điện hoà vào mạng điện quốc gia: 2 tổ máy phát điện, các loại thiết bị phụ, các loại thiết bị điều khiển và thiết bị điện, các máy biến áp lực và thiết bị trạm phân phối 22Kv và phụ tùng thay thế.

Được sự chỉ đạo của EVN và để dự án được đấu thầu rộng rãi quốc tế, Ban quản lý dự án 3 đã tổ chức thông báo mời thầu trên trang web của EVN, Báo Nhân dân... về ngày giờ phát hồ sơ, mở thầu, đóng thầu. Kết quả, đã có 5 đối tác nộp bản chào thầu.

Công việc mở thầu dự án này đã được tiến hành vào chiều ngày 15-2-2005 với sự tham gia của các nhà thầu và Tổ chuyên gia đấu thầu do Ban quản lý dự án 3 quyết định thành lập. Sau khi mở thầu, tổ chuyên gia đã tổ chức đánh giá thầu một cách nghiêm túc, có báo cáo chi tiết.

Trên cơ sở đó, ngày 30-3-2005, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 có "Tờ trình phê duyệt kết quả đánh giá và hiệu chỉnh kế hoạch đấu thầu gói thầu 47.1..." gửi lãnh đạo EVN.

Tại tờ trình này, Ban quản lý dự án 3 đã xếp hạng các nhà thầu: Nhà thầu SOJITZ với giá đề nghị trúng là 40.819.352 USD (xếp thứ nhất); tiếp theo lần lượt là nhà thầu ALSTOM với giá 43.987.660,69 USD; nhà thầu SUMITOMO với giá 44.712.780,65 USD và nhà thầu GE với giá 54.478.797,42 USD. Ban quản lý dự án 3 đề nghị EVN duyệt cho nhà thầu SOJITZ trúng thầu.

  • Nhưng phải chờ

Như vậy, với trình tự, thủ tục và các bước thực hiện theo đúng quy định, việc mở thầu gói thầu 47.1 đã hoàn thành, chỉ còn chờ lãnh đạo EVN phê duyệt là dự án được triển khai trên thực tế.

Theo quy định tại Nghị định 14/200/NĐ-CP, Nghị định số 66/2003/NĐ-CP và các Thông tư số 04/2000/TT-BKH, số 01/2004/TT-BKH, số 01/2004/TT-BKH của Bộ Kế hoạch-Đầu tư thì thời gian thẩm định không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thời gian phê duyệt không quá 7 ngày kể từ khi nhận được báo cáo thẩm định, trừ những gói thầu có vướng mắc cần xử lý. Tuy nhiên đã hơn 6 tháng trôi qua, dự án vẫn còn nằm trên giấy và chưa biết bao giờ mới được phê duyệt.

Tác hại của sự chậm trễ này đã rõ. Nó không thể không ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình thủy điện khi hiện nay nước ta vẫn còn thiếu điện trầm trọng.

Mong rằng phía EVN hãy tôn trọng thực hiện các quy định hiện hành về đấu thầu...


(Theo Báo Công Lý - Cơ quan của Tòa án Nhân dân Tối cao)

Tin cùng chuyên mục