Trong năm thứ 2 được tổ chức, kỳ thi THPT quốc gia 2016 có hơn 887.000 thí sinh tham dự. Để kỳ thi thành công cao nhất, công tác tổ chức vẫn cần hết sức cẩn trọng, chu đáo.
Kỳ thi THPT quốc gia được thực hiện bắt đầu từ năm 2015 nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Kết quả của kỳ thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ.
Nhìn lại có thể thấy, với sự phối hợp chỉ đạo của các bộ, ban ngành, sự tham gia tích cực của các địa phương và sự đồng thuận ủng hộ của toàn xã hội, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 về cơ bản đã đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra, kết quả thi đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy nhiên, vẫn còn đó ý kiến cho rằng việc công bố kết quả thi và sử dụng kết quả thi để tuyển sinh ĐH-CĐ của kỳ thi năm 2015 còn bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Vì lẽ đó, áp lực để kỳ thi năm 2016 được tổ chức an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh không hề là điều nhẹ nhàng đối với ngành giáo dục trong suốt thời gian qua.
Mỗi mùa thi đến lại chứng kiến sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống, từ Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các địa phương, tổ chức đoàn thể đến các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, các nhà hảo tâm… đã đồng hành cùng thí sinh với mong muốn kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan nhất. Các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai được tạo điều kiện tốt nhất tham dự kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại. Hàng ngàn chỗ trọ, suất ăn miễn phí được cung cấp tới thí sinh... Điều đó cho thấy, kỳ thi này được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, bởi dù sao, đó là bước ngoặt cuộc đời quan trọng mở ra tương lai của mỗi một thí sinh, và hơn thế, tương lai của nhiều gia đình.
Cho đến thời điểm này, từ các cán bộ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đến người đứng đầu ngành giáo dục là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều cảm thấy rất tự tin để bước vào kỳ thi. Mọi công việc chuẩn bị đã được ngành giáo dục hoàn tất, mọi việc đã sẵn sàng. Nét mới của kỳ thi năm nay so với kỳ thi năm 2015 là tất cả 63 tỉnh thành đều tổ chức cụm thi, trong đó có 14 địa phương chỉ có 1 loại cụm thi đại học. Đây là điều thuận lợi cho các thí sinh khi không phải di chuyển nhiều nhưng đồng thời cũng là mối lo của ngành giáo dục khi cho rằng, các địa phương có thể thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục đã khẳng định, Bộ GD-ĐT rất chú trọng ở các cụm do sở tổ chức lần đầu.
Cùng với đó, để đảm bảo công bằng trong coi thi, xử lý các tình huống trong đề thi và chấm thi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường đại học, địa phương phải có sự tăng cường chỉ đạo ở các cụm thi do sở GD-ĐT tổ chức. Đặc biệt, ở những vùng hết sức khó khăn như miền Trung, Tây Nguyên thì bộ đã có kế hoạch tăng cường cán bộ hỗ trợ trong quá trình tổ chức thi. Vì vậy, không có chuyện những cụm do sở tổ chức thì “nhẹ tay” mà những cụm do trường đại học tổ chức thì “chặt tay”. Tất cả đều sẽ phải bảo đảm thi an toàn, bình đẳng và nghiêm túc. Công tác di chuyển của cán bộ coi thi cũng đã được quán triệt tăng cường và hỗ trợ từ địa điểm các thầy cô ở các trường đại học đến các điểm thi. Quá trình vận chuyển mang bài thi về cơ sở chấm cũng có sự bảo đảm an toàn với sự tham gia của lực lượng bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng các địa phương… Với những gì mà ngành giáo dục khẳng định, xã hội đã có thể yên tâm về công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi.
Nhưng phải nhìn nhận, dù chuẩn bị kỹ càng đến đâu, dù đã dự báo sát thực các khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện để chủ động phương án xử lý, giải quyết phù hợp..., thì thực tế vẫn có thể có những diễn biến khó lường. Vì vậy, trong những ngày diễn ra kỳ thi, các bộ ngành và địa phương vẫn cần hết sức tránh tâm lý lơ là, chủ quan. Cần thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi này, trong đó có nội dung Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh thành phối hợp với Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh thành triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn tại các địa điểm tổ chức thi trong các ngày thi. Cùng với đó là việc tạo điều kiện bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông ảnh hưởng tới việc tổ chức thi cũng như sự an toàn của cán bộ coi thi, thí sinh, người nhà thí sinh; kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi; cung cấp điện ổn định cho địa điểm ra đề thi, in sao đề thi và các địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi trong các ngày diễn ra kỳ thi… Tựu trung, xã hội không mong gì hơn các cơ quan có trách nhiệm sẽ đặc biệt lưu ý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự tại các cụm thi và tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở xa về dự thi.
Sau kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ là kỳ xét tuyển ĐH-CĐ. Yêu cầu của xã hội, của Chính phủ là phải bảo đảm tuyển sinh công bằng, minh bạch tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bức xúc như một số nơi trong năm 2015. Hy vọng với quyết tâm của ngành giáo dục, của bộ trưởng mới, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ diễn ra an toàn, khách quan.
Chúc tất cả các sĩ tử một mùa thi thật hứng khởi, nhẹ nhàng như thông điệp mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra mới đây.
LÂM NGUYÊN