Vỉa hè bị chiếm dụng - Bài 2: Quyết liệt xử phạt

Vỉa hè bị chiếm dụng, nhếch nhác, buôn bán lộn xộn là hình ảnh có thể bắt gặp ở rất nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM. Dường như việc chấn chỉnh chỉ mang tính phong trào, xử phạt chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”. Chuyện đường thông hè thoáng ở một thành phố hơn 6 triệu phương tiện xe máy, ô tô và có đông đảo người dân sống nhờ vào “kinh tế vỉa hè” phải chăng là bất khả thi?
Vỉa hè bị chiếm dụng - Bài 2: Quyết liệt xử phạt

Vỉa hè bị chiếm dụng, nhếch nhác, buôn bán lộn xộn là hình ảnh có thể bắt gặp ở rất nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM. Dường như việc chấn chỉnh chỉ mang tính phong trào, xử phạt chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”. Chuyện đường thông hè thoáng ở một thành phố hơn 6 triệu phương tiện xe máy, ô tô và có đông đảo người dân sống nhờ vào “kinh tế vỉa hè” phải chăng là bất khả thi?

        Lực bất tòng tâm

Trả lời phóng viên Báo SGGP về nguyên do tồn tại tình trạng tụ tập buôn bán như một chợ vỉa hè trước cổng Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, ông Trần Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND phường 12 quận 5, cho biết: “Trong 3 ngày từ 28 đến 30-9, phường 12 đã phối hợp với Công an quận 5 và Đội Quản lý trật tự đô thị quận 5 triển khai nhiều kế hoạch giải quyết tình trạng chiếm dụng lòng lề đường trên địa bàn phường, đặc biệt là điểm nóng trước các bệnh viện, trường học. Tuy cũng đã có những biện pháp mạnh nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để. Phường đã nhiều lần giải tỏa việc buôn bán hàng rong trên vỉa hè trước cổng bệnh viện, thu giữ bàn ghế, tủ kệ và nhiều dụng cụ buôn bán khác, không giải quyết trả lại.

Đối với người thường trú tại phường thì kết hợp với công an khu vực và tổ dân phố nhắc nhở, giám sát nên có hiệu quả. Khó nhất là người dân ở nơi khác tới đây buôn bán, họ sẵn sàng sắm lại đồ mới tiếp tục kinh doanh. Phường đang có kế hoạch trong tuần tới họp bàn với Đội Quản lý trật tự đô thị quận 5, xin được lập chốt tại đây để giải quyết tình trạng bát nháo. Phường cũng đã gửi công văn lên Sở GTVT đề xuất đặt biển cấm ô tô, taxi dừng đậu trước cổng bệnh viện để tránh tình trạng ùn tắc giao thông”.

Quán ăn chiếm dụng toàn bộ vỉa hè đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1, TPHCM).

Quán ăn chiếm dụng toàn bộ vỉa hè đường Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1, TPHCM).

Giải thích về tình trạng đậu xe chiếm dụng lòng lề đường trước trụ sở UBND phường 1 quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Đình Chính, Phó Chủ tịch UBND phường 1, thừa nhận: “Vẫn biết như thế là sai nhưng vì trụ sở UBND phường quá chật hẹp, để người dân gửi xe nơi khác rồi qua trụ sở UBND phường liên hệ làm việc người dân vừa tốn phí giữ xe, vừa phải đi bộ một đoạn khá xa, nên chúng tôi đành cho xe đậu trước cửa trụ sở UBND phường. Chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp gọn lại để không ảnh hưởng đến trật tự giao thông”. Khi chính quyền địa phương còn chiếm dụng lòng lề đường thì làm sao có thể gương mẫu và mạnh tay chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng lòng lề đường trên địa bàn?

        Đã làm quyết liệt chưa?

Tại cuộc họp giao ban về việc chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lãnh đạo công an một quận phân trần: “Do địa bàn nhỏ và mật độ dân cư quá đông, nên chúng tôi khó quản lý, dẫn đến tình trạng buôn bán mất trật tự trên một số tuyến đường. Đề nghị thành phố nên xem xét rút giấy phép các quán nhậu có diện tích chỉ 30m2, bởi diện tích nhỏ hẹp như vậy mà được cấp phép kinh doanh thì chắc chắn sẽ phải bày bán và đậu xe tràn xuống lòng đường”. Quan điểm của lãnh đạo UBND TPHCM chủ trì cuộc họp giao ban này là: “Việc xử lý các điểm kinh doanh ăn uống lấn chiếm lòng lề đường phải tuân theo quy định, chứ không phải muốn rút là rút được. Quy trình xử lý có rồi, quan trọng là làm có quyết liệt hay không mà thôi”.

Trở lại phường 11 quận 5, một địa bàn nóng về chuyện chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh và giữ xe quanh các bệnh viện, trường học, ông Trần Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: “9 tháng đầu năm, phường đã lập hơn 300 biên bản xử lý vi phạm. Công an, dân quân kết hợp lập các tổ chốt chặn thường xuyên tại các trường học, bệnh viện để điều phối giao thông, giải tỏa việc lấn chiếm. Cố gắng lắm nhưng nói thật cũng chưa như mong muốn. Rất cần sự hỗ trợ của quận”.

Còn ông Lê Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND phường 14 quận 3, kể một bài học kinh nghiệm: “Khi đường Trường Sa được làm mới, mở rộng, một chủ kinh doanh đã thuê nhà trên đường này bày bán quán ốc chiếm cả vỉa hè. Phường đã nhiều lần lập biên bản, nhưng xét tình cảnh chủ kinh doanh nói đã lỡ đặt cọc thuê nhà 6 tháng, nên phường đành du di. Hết 6 tháng, họ vẫn bán. Mời lên thuyết phục vận động, họ không lên. Anh em xuống lập biên bản, họ thuê giang hồ dằn mặt, kiếm chuyện, thậm chí thách thức. Một tổ chốt chặn được triển khai. Lấn chiếm là tịch thu, xử phạt. Ngày nào cũng vậy, riết quán đành đóng cửa luôn. Đối với tuyến đường Lê Văn Sỹ và Trần Quang Diệu, phường mời chủ các hàng quán lên ký cam kết không lấn chiếm, chỉ bán trong phần vạch sơn cho phép. Nếu lấn ra là xử lý ngay nên riết thành quen, không ai vi phạm. Muốn sạch đẹp thì khó, nhưng nếu đặt yêu cầu sắp xếp cho gọn gàng, vỉa hè còn lối cho người đi bộ, làm quyết liệt là được”.

Vận động, thuyết phục, ký cam kết, sắp xếp cho gọn gàng, trật tự, kiên quyết xử lý khi vi phạm, đó là việc trong tầm tay của các phường và trong chừng mực nào đó là phù hợp với thực trạng hiện nay khi một bộ phận lớn người lao động đang sống nhờ vào “kinh tế vỉa hè”.

THƯ LÊ - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục