Báo SGGP ngày 14-6-2014 có đăng bài “Nuôi chim yến tự phát: Khổ tiếng ồn, lo dịch bệnh”, phản ánh về những hệ lụy của tình trạng nuôi chim yến trong khu dân cư. Sau đó, ngày 23-6-2014, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã có Công văn 4864/VP-CNN chỉ đạo tăng cường công tác xử lý các trường hợp nuôi chim yến tự phát trên địa bàn TP. Thế nhưng, đến nay việc nuôi chim yến vẫn tồn tại ở nhiều khu dân cư nội thành, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch cúm gia cầm.
Nuôi chim yến trong... ngân hàng
Gần đây, qua đường dây nóng, nhiều bạn đọc phản ánh chim yến bay lượn trên đường Dương Bá Trạc (quận 8) rất nhiều, gây ô nhiễm tiếng ồn và mất vệ sinh, phân chim vương vãi khắp nơi. Có mặt tại đường Dương Bá Trạc vào buổi chiều, chúng tôi ghi nhận nhiều chim yến bay lượn, kêu inh ỏi, khiến ai nấy đều khó chịu vì tiếng ồn. Đàn chim được nuôi tại 2 căn nhà số 21 và 22 Dương Bá Trạc. Do chịu không nổi mùi hôi thối của phân chim và tiếng chim ồn ào, các nhà bên cạnh đều phải đóng cửa kín mít. Trên vỉa hè, gần 2 nhà nuôi chim yến, phân chim nằm vương vãi khắp nơi.
Cư dân ở khu vực này bức xúc: “Khi nghe tin UBND TP chỉ đạo cấm nuôi chim yến trong khu dân cư, cư dân ở đây vui mừng, tưởng rằng sẽ thoát tình cảnh này. Nhưng rồi vẫn không thấy có chấn chỉnh gì, mọi người vẫn tiếp tục khốn khổ vì ô nhiễm tiếng ồn và phân chim. Chúng tôi phản ánh với chính quyền địa phương nhiều lần, nhưng không hiệu quả. Nhà ai có con nhỏ luôn phải nơm nớp lo dịch bệnh cúm gia cầm. Đã thế, đối diện những nhà nuôi chim yến này là Trường Tiểu học Nguyễn Trực, nếu xảy ra cúm gia cầm sẽ lây nhiễm, bùng phát nhanh”.
Cư dân khu dân cư phía sau Ngân hàng Nam Á (331 Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10) cũng đang phải tiếp tục sống trong tiếng ồn cực lớn từ hàng ngàn chim yến. Bước vào con hẻm bên hông ngân hàng, ai cũng khó chịu vì mùi phân chim nồng nặc. Ông Nguyễn Anh Điệp, Chủ tịch UBND phường 10 quận 10, xác nhận: “Đúng là bên trong Chi nhánh Ngân hàng Nam Á có nuôi chim yến ở 2 tầng trên cùng. UBND phường đã có văn bản gửi lãnh đạo ngân hàng thì được trả lời do đây là chi nhánh, nên không thể tự quyết mà phải chờ hội sở cho người xử lý, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn”.
Đến nay, sau khi UBND TPHCM chỉ đạo chấn chỉnh, vẫn còn nhiều hộ nuôi chim yến ngay trong khu dân cư nội thành, như phía sau tòa nhà 141-143 Võ Văn Tần (quận 3), cửa hàng tổ yến 227 Hùng Vương (phường 9 quận 5), khu vòng xoay Lý Thái Tổ (quận 3), 660 Âu Cơ (phường 10 quận Tân Bình), 958/9 Lạc Long Quân (phường 8 quận Tân Bình)…
Vẫn chưa có vaccine phòng ngừa
Trả lời PV Báo SGGP về việc không chấn chỉnh việc 2 hộ nuôi chim yến trên đường Dương Bá Trạc, Phó Chủ tịch UBND phường 1 quận 8 Trần Thanh Thảo thừa nhận: “Chúng tôi có nhận được phản ánh từ người dân khu vực này. 2 hộ này không thuộc trong quy hoạch nuôi chim yến và không có giấy phép nuôi chim yến. UBND phường nhiều lần có văn bản nhắc nhở không được nuôi chim yến, nhưng họ bảo đã tắt máy thu hút chim yến vào ở, nhưng do chim yến đã quen thuộc với tổ nên vẫn quay về đây. UBND phường lại phải bắt buộc 2 hộ bít các ô cửa nhỏ và tháo dỡ phần nhà cơi nới đã sử dụng sai mục đích, để chim yến không thể bay vào”.
Trên đường Dương Bá Trạc (quận 8), chim yến bay thành đàn.
Trong năm 2013, Chi cục Thú y TPHCM đã phối hợp với Phòng Kinh tế UBND các quận - huyện rà soát, thống kê tình hình các hộ nuôi chim yến trên địa bàn. Theo đó, có đến 540 căn nhà nuôi chim yến tại 19 quận - huyện, tập trung nhiều nhất ở huyện Cần Giờ (231 căn), Nhà Bè (42 căn), Bình Chánh (28 căn), quận 9 (75 căn), quận 12 (21 căn)... Trong 7 tháng đầu năm 2014, chi cục đã tổ chức lấy 257 mẫu giám sát virus cúm gia cầm, kết quả âm tính. Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết: “Thực hiện Thông tư 35/2013 của Bộ NN-PTNT và Công văn 820/UBND-CNN/2014 của UBND TPHCM về việc triển khai Thông tư 35 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến, UBND các quận - huyện đang rà soát cập nhật số căn nhà nuôi chim yến tồn tại, kiểm soát không để phát sinh mới, hướng dẫn các hộ nuôi chim yến đăng ký với địa phương theo đúng quy định.
Theo Kế hoạch 769/2014 của UBND TP về ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây cho người, TP đã có phương án xử lý tình huống nếu phát sinh bệnh cúm trên chim yến. Do chim yến là chim hoang dã được dẫn dụ gây nuôi, trên thế giới hiện nay chưa có quốc gia nào sản xuất vaccine cũng như thực hiện tiêm phòng cho đàn yến, mà chủ yếu tập trung quy hoạch vùng nuôi, giám sát dịch bệnh định kỳ. Để thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến, Sở NN-PTNT đang phối hợp các sở, ngành, UBND các quận - huyện và các nhà khoa học, lấy ý kiến các hộ nuôi chim yến… để trình UBND TPHCM phê duyệt”.
THANH HẢI