Người nhà sản phụ hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ (ảnh chụp sáng 29-5-2018)
5 năm trước, ngày 1-5-2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực, quy định rõ về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng chống tác hại của thuốc lá. Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Nhưng qua 5 năm, việc thực thi vẫn kém hiệu quả.
Không cần lén lút
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, thực tế hầu như rất hiếm trường hợp vi phạm bị xử lý.
Hiện nay, trong những tòa nhà sang trọng như hội trường, rạp hát, trung tâm thương mại, trung tâm hành chính… có máy lạnh và thiết bị báo khói, việc hút thuốc lá dễ bị phát hiện, nên những người nghiện thuốc lá không dám công khai hút thuốc.
Tuy nhiên, không phải là họ đã có ý thức tuân thủ quy định của luật. Ngoại trừ những khu vực kể trên, nhiều người vẫn công khai hoặc lén lút hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Dù có nhân viên bảo vệ tuần tra, nhắc nhở, trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) vẫn thấy có khá nhiều thân nhân của sản phụ hút thuốc.
Chụm bàn tay giấu điếu thuốc đang hút dở dang, ông Lê Trung Hưng (quê Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) chống chế: “Tôi cũng biết là bệnh viện cấm hút thuốc lá và nhân viên bảo vệ mà bắt gặp thì phê bình lớn tiếng, xấu hổ lắm. Nhưng vợ tôi đang ở trong phòng mổ, hồi hộp và căng thẳng quá, nên tôi phải ra đây ngồi hút thuốc. Mấy anh em ngồi ở đây cũng cùng cảnh ngộ như tôi. Không phân công cụ thể, nhưng mọi người cũng “cảnh giác”, nhìn 4 hướng, hễ thấy bảo vệ thì báo động để anh em dập thuốc”.
Anh Tân, bảo vệ Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: “Ngoài việc bảo vệ an ninh trật tự, chúng tôi còn nhắc nhở, ngăn chặn việc hút thuốc trong bệnh viện. Ở các khoa, trong căn tin, hành lang… thân nhân các sản phụ chấp hành khá tốt, nhưng cũng có người nghiện thuốc lá quá, lén ra hành lang hút. Chúng tôi nghe mùi khói thuốc lá là đi tìm và ngăn chặn ngay. Nhưng, ở dưới sân vẫn còn không ít thân nhân sản phụ tụ tập hút thuốc. Dù đã vi phạm luật rồi, nhưng nhiều người còn cự nự quyết liệt khi chúng tôi nhắc nhở. Trong những tình huống như vậy, các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã hỗ trợ chúng tôi trong việc khuyên giải và vận động không hút thuốc lá trong bệnh viện”.
Tại các tòa nhà làm việc hay trung tâm thương mại có khu vực dành cho người hút thuốc, những người nghiện thuốc lá vẫn tìm đến đó hút, dù thường phải mất công đi đến nơi cách xa nơi làm việc. Phòng hút thuốc ở sân bay Tân Sơn Nhất cách xa khu vực phòng chờ lên máy bay, cửa luôn đóng chặt, phòng mù mịt khói, trong đó có rất ít ghế ngồi, ánh sáng lờ mờ, vậy mà vẫn luôn có nhiều hành khách nghiện thuốc lá tìm đến hút.
Qua đó cho thấy việc vận động phòng chống tác hại của thuốc lá vẫn chưa đủ sức lan tỏa. Việc bị chế tài hay bị kỳ thị chưa đủ mạnh để khiến người nghiện thuốc lá thấy nên bỏ hút.
Cần động lực để cai nghiện thuốc lá
Những người nghiện thuốc lá có rất nhiều lý do để biện hộ cho việc hút thuốc và không chịu từ bỏ. Dù rằng họ biết rất rõ tác hại của việc hút thuốc chủ động và thụ động. Thuốc lá gây khó chịu cho những người chung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và cả người không sử dụng. Điều lạ là không chỉ những người lao động bình thường mà cả giới trí thức, cả một số nhà giáo, bác sĩ cũng chưa chịu bỏ thuốc lá, hút với lý do “để giải khuây và giảm bớt căng thẳng”.
Điều 22 Nghị định 176 quy định cảnh cáo hoặt phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẫu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá… Phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với chủ cơ sở không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở mình; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành…
Quy định xử lý vi phạm khá rõ, tuy nhiên, việc chấp hành và xử lý vẫn chưa cao, do không có ai thực thi nhiệm vụ xử phạt, trong khi đó chế tài chưa có tính răn đe nghiêm khắc như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Tại Thái Lan, quy định cấm hút thuốc trong trường học, công sở và thậm chí là nơi ăn uống khá nghiêm khắc. Dù quán ăn, nhà hàng ở ngoài trời, nhưng khi có biển “Khu vực không hút thuốc”, chủ doanh nghiệp rất kiên quyết vận động, nhắc nhở và sẵn sàng không phục vụ.
Trong khi đó, biện pháp ở nước ta chỉ là nhắc nhở, vận động. Rất cần có phân công nhân sự chuyên trách xử phạt những người có hành vi hút thuốc lá tại những điểm quy định cấm hút thuốc lá; đẩy mạnh việc chống buôn lậu thuốc lá và các hoạt động kinh doanh thuốc lá vi phạm luật.
Đang trong thời điểm Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25 đến 31-5), những người nghiện thuốc lá nên vì sức khỏe của mình và mọi người chung quanh, tập nói không với thuốc lá một ngày, một tuần, chứng tỏ ý chí, nghị lực và ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá.