

Nhiều công trình trọng điểm của VN sử dụng nguồn vốn ODA
Ngày 11-4, Trả lời báo chí về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đối với việc quản lý vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh thừa nhận việc giám sát, thanh tra chậm được chú ý, còn lúng túng khi thực hiện.
Đến cuối năm 2002, Bộ KH-ĐT mới tổ chức Vụ Thẩm định và Giám sát đầu tư và đến cuối năm 2003, mới thành lập Vụ Thanh tra Kế hoạch đầu tư. Với tư cách là Tổ trưởng Tổ công tác ODA của Chính phủ (gồm Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ), Bộ KH-ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Tuy nhiên, mới tập trung vào khâu thu hút vận động nguồn vốn ODA và đẩy nhanh việc giải ngân theo tiến độ thỏa thuận với các nhà tài trợ mà chưa đi sâu vào giám sát, đánh giá chất lượng của từng dự án.
Theo ông Cao Viết Sinh, vụ việc ở PMU 18 có nguyên nhân cơ bản là việc bố trí nhân sự và vai trò quản lý trực tiếp là Bộ GT-VT. Để ngăn chặn những vụ việc tương tự như ở PMU 18, Bộ KH - ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước khác về ODA xây dựng hệ thống theo dõi và giám sát có hiệu lực đi kèm với những chế tài cần thiết, tiến hành hoàn thiện quy trình và thủ tục quản lý vốn ODA.
* Thứ trưởng Bộ GT-VT Ngô Thịnh Đức vừa ký văn bản gửi Thanh tra Chính phủ xin hoãn cung cấp danh sách các dự án do bộ đang quản lý. Theo đề nghị trước đó của Thanh tra Chính phủ, chậm nhất đến 10-4, Bộ GT-VT phải cung cấp toàn bộ danh sách các dự án sử dụng vốn trong nước và ODA do bộ này quản lý để Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc kéo dài thời gian cung cấp dự án của Bộ GT-VT sẽ dẫn đến việc chậm tiến hành thanh tra, làm rõ các sai phạm, nhất là ở các dự án do PMU18 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, ngay trong tháng 4, cơ quan này sẽ lập các đoàn đi thanh tra dự án của Bộ GT-VT.
V.H. - CH.Q.