Đó là câu nói của Phiulavanh Luangvanna, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Lào, nhân chuyến thăm TPHCM, Vĩnh Long, Vũng Tàu vừa qua. Đoàn còn bốn thành viên: Somsouk Sousavath, Phó Chủ tịch hội; Somphone Thummavong, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ, Chánh văn phòng hội; nhà thơ Hongheun Khounphithack và Soukhee Norasilp.
Đoàn đã đến thăm, giao lưu với Hội Nhà văn TPHCM, tiếp đoàn gồm toàn bộ Ban Chấp hành hội và một số nhà văn đã từng sang thăm đất Triệu voi. Hai bên trao đổi xung quanh sự hiểu biết về văn hóa văn nghệ hai nước thông qua con đường dịch thuật văn học, đồng thời cùng khẳng định, muốn giữ gìn bản sắc dân tộc và làm giàu kho tàng văn hóa, mỗi nước cần thực hiện giao lưu văn hóa có chọn lọc.
Đoàn nhà văn Lào được các nhà văn TPHCM đưa đi thăm địa đạo Củ Chi và khu tưởng niệm Bến Dược. Xuống hầm bí mật, luồn sâu vào lòng địa đạo, xuống phòng họp chỉ đạo chiến dịch dưới lòng đất, ông Somsook Souksavath tỏ ra rất ngạc nhiên như không tin vào mắt mình khi chứng kiến dưới lòng đất, nhân dân Củ Chi đã đào tới 200km địa đạo, chia thành 3 tầng, 4 lớp chạy dưới lòng đất.
Nhà thơ ví làng mạc bỗng dưng “mọc” dưới lòng đất, bởi cũng có giếng nước, bệnh viện tiền phương, bếp ăn dã chiến, nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong sổ tay nhà văn, nhà báo Hongheun Khounphithack ghi: “8-1-1966, Mỹ huy động 12.000 quân đánh vào, bị du kích hủy diệt 77 xe tăng, 84 máy bay, làm bị thương 1.600 quân giặc. Trong khi Mỹ chỉ phá hủy được 70m địa đạo”. Anh quay sang nói với tôi: “Ở đây, thế trận đánh giặc dưới địa đạo là biến hóa khôn lường. Mỹ mạnh mấy cũng thua là đúng”.
Đoàn nhà văn Việt-Lào viếng thăm Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, trong đền có ghi đầy đủ họ tên 44.357 liệt sĩ. Đứng trước những người hy sinh vì Tổ quốc, biểu trưng cho lòng yêu nước, tất cả cùng thắp hương tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập - tự do. Trong đền có nhiều khách quốc tế cùng đến thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ.
Trở lại TPHCM, các bạn Lào cùng chúng tôi hát những bài dân ca Việt, dân ca Lào trước khi cả đoàn đến gia đình nhà văn Trần Công Tấn để thắp hương nhân ngày giỗ Hoàng thân Souphanouvong (ông là con nuôi của Hoàng thân). Trong nhà ông có nhiều ảnh ghi lại những cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoàng thân Souphanouvong, những giây phút hai dân tộc sát cánh bên nhau cùng chống kẻ thù chung. Ngày sau, đoàn đi tham quan cửa sông Mê Công đổ ra biển tại Vĩnh Long, dẫn đoàn là nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu. Các nhà văn trở lại những dấu chân theo con đường, những nhánh sông ra tới cửa sông mà nhà thơ Nguyễn Bính (cha của Hồng Cầu) từng đi qua năm 1946, chính ông viết bài thơ Tiểu đoàn 307 do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc (1950), bài hát đã đồng hành cùng dân tộc hơn 60 năm nay. Đi thuyền trên sông Cổ Chiên, một nhánh của sông Tiền, ra cù lao An Bình nhìn về cửa sông đổ ra biển lớn, nhà thơ Soukhiee Norasilp cứ suýt xoa: “Nhìn thấy cửa sông Mê Công đổ ra biển, dòng sông hùng vĩ bao nhiêu, vẻ đẹp của nó thật kiêu sa mà bao người sống bên dòng sông luôn được tận hưởng, chúng ta thật là may mắn!”.
Trở lại Vĩnh Long, những người tiếp nhà văn Lào là các nhà khoa học (Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật tham gia đề tài Nguồn nước hạ sông Mê Công với những số liệu theo dõi nhiều năm). Sau đó là đờn ca tài tử, hát và múa Lâm vông. Những người làm khoa học rất yêu văn hóa văn nghệ, nhất là hát dân gian Việt, múa dân gian Lào. Tiếp đến, đoàn ra thăm Vũng Tàu. Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh dẫn đoàn tới thăm Bãi Dâu nơi ngày xưa Hoàng thân Souphanouvong thường đứng nhìn ra biển mà nhớ về đất nước Triệu voi. Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Somphone Thoummavong khen: “Bờ biển đẹp, nước biển hiền hòa, trời thì xanh mây trắng nhởn nhơ, thật nên thơ quá đỗi”. Tất cả cùng cười sung sướng bên gió biển trong lành. Soukhie Noraip nói một cách thi vị: “Việt Nam anh hùng, đất nước đẹp như tranh, con gái Việt Nam cũng rất đẹp”.
Khi chúng tôi tiễn các bạn văn, bạn thơ Lào ra sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sự bịn rịn hiện trên từng gương mặt. Sosmok Souksavath tặng tôi tập thơ Vườn hoa của thơ, có những bài thơ như những vũ khí sắc bén. Nhà văn Soukhee Norasilp thì tặng tập nghiên cứu thơ và múa của Lào, anh nói: Chia tay nhau chỉ chúc sáng tác hay!
Nhà thơ Trương Nam Chi tặng tập thơ Lạc Duyên cho các nhà văn Lào. Chúng tôi hẹn một ngày không xa sẽ cùng hội ngộ tại Viêng Chăn hay ở TPHCM.
Nhà văn Trần Thị Thắng