Việt Nam cần có hãng tàu để logistics vươn ra thế giới

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, ngành logistics Việt Nam đã có bước phát triển nhanh với mức tăng trưởng từ 13 - 15% mỗi năm. Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để logistics Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt những cơ hội và thích ứng với những thách thức khi thực thi Hiệp định EVFTA, sáng 22-9 tại Hà Nội, Bộ Công thương, Tạp chí Công thương đã tổ chức cuộc tọa đàm về những giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA. 

Tọa đàm về giải pháp cho logistics Việt Nam khi thực thi EVFTA

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, ngành logistics Việt Nam đã có bước phát triển nhanh với mức tăng trưởng từ 13 - 15% mỗi năm. Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), logistics là nhịp cầu thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. “Về khía cạnh xuất khẩu thì năm 2021, chúng ta tăng trưởng khoảng 14% và riêng 8 tháng năm nay, tăng trưởng tới hơn 20%”, ông Khanh nói. 

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên Ngô Chung Khanh trao đổi tại tọa đàm

EVFTA là một trong những hiệp định FTA thế hệ mới mà chúng ta có tỷ lệ tận dụng về C/O ưu đãi rất cao, tăng trưởng rất tốt. Theo ông Khanh, như 2021, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi của chúng ta khoảng 14% nhưng năm 2022 thì tỷ lệ này có thể đạt gần 25%.

Trong khi, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, EU là một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam. Sau khi EVFTA được ký kết, khối lượng hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và EU tăng lên rất nhiều, có những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn, như dệt may, da giày, thủy sản… “Để đưa những mặt hàng này đến được khu vực EU với chi phí hợp lý và thời gian ngắn thì vai trò của các doanh nghiệp logistics rất quan trọng”, ông Hải nói. 

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, giao thương với EU, các doanh nghiệp của chúng ta có lợi thế lớn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của khu vực này có tiềm lực, có quy mô lớn và nhiều kinh nghiệm. Còn ở phía Việt Nam, ông Hải cho biết, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu nằm trong lĩnh vực giao nhận và đáp ứng các thủ tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện công đoạn xuất hàng ra khỏi Việt Nam.

Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp thực hiện dịch vụ logistics, ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions của Tập đoàn Bee Logistics, cho biết, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á thì EVFTA ra đời đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cũng như EU có thêm công ăn việc làm, kể cả trong bối cảnh hơn hai năm ứng phó đại dịch Covid-19. 

Ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions của Tập đoàn Bee Logistics

Còn đứng ở vai trò của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang sử dụng các dịch vụ logistics, ông Lê Hoành Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết, trong hai năm 2020 - 2021 và nhất là 8 tháng năm của 2022, nếu như không tận dụng được cơ hội của EVFTA thì có thể nói các doanh nghiệp rất khó khăn khi phải cạnh tranh thị phần khốc liệt. Nhưng nhờ tận dụng được EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của cao su Đà Nẵng đã tăng trưởng tới 36%. 

“Tuy nhiên, như chúng ta biết, thời gian qua, logistics là một chi phí rất lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm, có những thị trường chiếm rất lớn. Có những giai đoạn khó khăn như năm 2021, chi phí logistics đã tăng lên hàng chục lần”, ông Nhựt cho biết, điều này tạo ra áp lực khi các doanh nghiệp cân đối chi phí trong sản xuất.

Ông Lê Hoành Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng

Do Việt Nam không có các hãng tàu, không thể điều phối hãng tàu, nên để vượt qua những khó khăn này, ông Nhựt cho biết, các doanh nghiệp thường phải tìm kiếm cơ hội đa dạng các nhà vận tải, tránh tình trạng chỉ phụ thuộc một hãng tàu. “Tại Thái Lan, ở thời điểm khó khăn, thiếu container rỗng, cước phí tăng cao như năm 2021, Chính phủ Thái Lan đã chỉ đạo các hãng tàu phải trợ giá cho mỗi container là 2.000 USD. Nhưng ở Việt Nam thì không làm được vì chúng ta không có hãng tàu”, ông Nhựt chia sẻ thông tin. 

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm được chi phí logistics, Việt Nam nên phát triển các trung tâm logistics tại các cảng lớn để đảm bảo được lượng tàu vào ra phù hợp. “Đồng thời Việt Nam cũng nên đầu tư các hãng tàu để mình có thể chủ động, như thế mới làm chủ được cuộc chơi này”, ông Nhựt cảnh báo rằng nếu bây giờ chúng ta không làm, không theo kịp thì càng về sau sẽ càng phải cạnh tranh khốc liệt. 

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, một chuyên gia trong lĩnh vực logistics, cho rằng, trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước đang cạnh tranh như vậy, trước hết, doanh nghiệp nào ứng dụng được công nghệ tốt thì có khả năng vượt trội và có thể vươn xa hơn.

Tin cùng chuyên mục