Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông

Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình biển Đông thời gian gần đây. Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cho biết:

Nội dung thông điệp tập trung vào 3 điểm chính:

1- Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2- Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3- Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội…

* Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

* Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc.

Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở biển Đông, tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp.

Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước.

* Tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc” diễn biến như thế nào, thưa Thứ trưởng?

* Sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác… Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới. 

V.NGHĨA

- Thông tin liên quan:

>> Việt Nam - Trung Quốc: Duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông

Tin cùng chuyên mục