Việt Nam kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền ở biển Đông

(SGGP).- Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 3-3 tại Hà Nội, trả lời về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 2-3-2016, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này. Việt Nam mong muốn các bên liên quan tích cực thúc đẩy đối thoại tìm giải pháp hòa bình cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, góp phần thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc”.

Trả lời câu hỏi về các giải pháp tiếp theo của Việt Nam trước việc Trung Quốc liên tục có các động thái gây căng thẳng tại biển Đông, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Là quốc gia trực tiếp liên quan tới các tranh chấp ở biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hiệp quốc. Cho đến nay, lập trường nhất quán nêu trên của Việt Nam đã góp phần vào việc duy trì hòa bình ở khu vực và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh”.

Trả lời câu hỏi về các lô dầu khí mà Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vừa qua mời thầu tại biển Đông, biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải có nằm trong vùng biển của Việt Nam hay trong vùng chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không, ông Lê Hải Bình cho biết: “Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ về thông báo mời thầu mà Trung Quốc công bố. Tuy nhiên, lập trường nhất quán của Việt Nam là tại khu vực mà hai nước đang đàm phán, phân định đối với vùng biển thực sự chồng lấn ngoài cửa vịnh Bắc bộ thì theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không một bên nào được đơn phương có các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí”.

Liên quan đến việc 6 thuyền viên Việt Nam trên tàu cá Hàn Quốc bị mất tích ngày 28-2-2016 vừa qua, ông Lê Hải Bình cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nắm được thông tin này. Ngay sau khi biết thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc làm việc với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để có được những thông tin cụ thể. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam đang theo sát và làm việc với các cơ quan chức năng tại Seoul (Hàn Quốc) để có thông tin sớm nhất về tung tích 6 thuyền viên Việt Nam.

Trả lời câu hỏi liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: “Bên lề Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands, bang California (Hoa Kỳ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama đã có cuộc hội kiến. Tại cuộc hội kiến này, Tổng thống Barack Obama đã thông báo sẽ thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5-2016 với mong muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; đồng thời trao đổi về các vấn đề, các biện pháp hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh và cho rằng, chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác vì hòa bình và phát triển trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và đưa quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Hiện nay chuyến thăm đang được hai bên thu xếp”.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục