
Ngày 27-10, nhiều hãng tin lớn trên thế giới như Tân hoa xã, AP, AFP, Kyodo, Financial Times... đã đưa tin về việc Việt Nam hoàn tất các cuộc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sau khi thông báo Việt Nam kết thúc đàm phán với WTO, hãng tin Mỹ AP dẫn lời nhà ngoại giao Mỹ William Tagliani nói: “Việt Nam gia nhập WTO sẽ là một đóng góp quan trọng cho tổ chức này”. Ông W.Tagliani cho biết việc Việt Nam gia nhập WTO “diễn ra vào một thời điểm rất lý thú” trong quan hệ Mỹ-Việt. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong 5 năm qua đã tăng 400%, lên gần 8 tỷ USD/năm.

Hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Ban công tác WTO Eirik Glenne bày tỏ sự khâm phục trước những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đáp ứng nhanh và tích cực những yêu cầu của các nước thành viên trong suốt quá trình đàm phán kéo dài hơn 11 năm.
Tờ Financial Times của Anh đăng bài của phóng viên Frances William từ Thụy Sĩ ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Bài báo có đoạn viết: “Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế nhanh kể từ khi thực hiện các chính sách tự do hóa kinh tế đầu những năm 1990, và hiện nay đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á”.
Báo Asahi của Nhật Bản nhận định, với việc Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 11 tới, những đối tượng được lợi nhiều nhất có thể là các công ty châu Âu và châu Á. Trong khi các công ty trên thế giới theo dõi chặt chẽ tốc độ mở cửa thị trường của Việt Nam, kinh nghiệm của Công ty Bảo hiểm Prudential PLC (Anh) là điều mà tất cả các công ty khác mong muốn.
Nhà báo Bill Hayton thuộc hãng tin BBC nhận định, rằng Việt Nam sẽ có sức hút mạnh hơn đối với các công ty nước ngoài sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ có cơ hội thuận lợi để duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao.
* Ngày 27-10, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói:
“Chúng tôi rất vui mừng trước việc phiên đàm phán đa phương ngày 26-10-2006 tại Geneve, Thụy Sĩ, đã thông qua toàn bộ các tài liệu về gia nhập WTO của Việt Nam, chính thức đánh dấu việc Việt Nam hoàn tất quá trình đàm phán để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nói, đây là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt nhiều năm qua của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như của đoàn đàm phán Việt Nam tại WTO, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào kinh tế khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao các thành viên Ban Công tác của WTO về Việt Nam (WP), lãnh đạo và chuyên viên Ban Thư ký WTO, Chủ tịch Ban Công tác - Đại sứ Eirik Glenne đã tích cực ủng hộ Việt Nam trong suốt quá trình đàm phán.
...Để chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành những cải cách sâu rộng phù hợp với những chuẩn mực quốc tế. Trong thời gian tới, Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ tối đa các lợi ích mà quy chế thành viên WTO sẽ mang lại đồng thời xử lý hữu hiệu các thách thức của quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu”.
* Liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO trước Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 tại Hà Nội có ý nghĩa như thế nào ông Lê Dũng khẳng định:
“Việc Việt Nam gia nhập WTO cùng với việc đăng cai tổ chức Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 tại Hà Nội từ 18 đến 19-11-2006, là những sự kiện chính trị - đối ngoại quan trọng, khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đóng góp được tốt hơn cho tiến trình thuận lợi hóa và mở cửa thương mại, một nội dung quan trọng hàng đầu của APEC”.
V.L. - V.NGH. (Tổng hợp từ THX, AP, AFP, FT, VNS, BBC)