Việt Nam vừa là cầu nối vừa là tâm điểm của địa chính trị khu vực và thế giới

Không riêng gì Hoa Kỳ mà hiện nay nhiều quốc gia khác đều có chung mong muốn nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế bằng việc tự khẳng định vai trò của mình mà còn đang trở thành một tâm điểm quan trọng của địa chính trị khu vực và thế giới.

Mối quan hệ đặc biệt với “lợi ích song trùng”

Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam (từ ngày 10 đến 11-9) đang nhận được sự chú ý và quan tâm đặc biệt của dư luận. Đặc biệt không chỉ bởi đây là chuyến thăm của nguyên thủ cường quốc hàng đầu thế giới mà còn do mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng rất đặc biệt: Hai nước vốn là cựu thù rồi trở thành bình thường hóa quan hệ, rồi thành đối tác, đối tác toàn diện và hướng tới một tầm quan hệ mới.

Nói đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ không nên chỉ bó hẹp trong quan hệ song phương hai nước, mà đặt trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới hiện nay, thì có thể thấy mang tầm quan trọng đặc biệt. Việt Nam đã chủ động đổi mới, hội nhập, phát huy vị thế của mình. Đây cũng là nhân tố để thúc đẩy quan hệ với các nước, trong đó với Hoa Kỳ.

Trong hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia sâu vào các định chế kinh tế quốc tế và khu vực như WTO, CPTPP, RCEP, các FTA... Điều này đã tạo ra vai trò đặc biệt của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo cho Việt Nam - một quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng, giờ lại có thêm một vị thế cao hơn rất nhiều ở khu vực cũng như trên thế giới.

Trong chương trình thăm chính thức Hoa Kỳ, ngày 7-7-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự chiêu đãi của Chính phủ Hoa Kỳ do Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì

Trong chương trình thăm chính thức Hoa Kỳ, ngày 7-7-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự chiêu đãi của Chính phủ Hoa Kỳ do Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trì

Bất cứ quốc gia nào khi quan tâm và muốn kết nối quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều không thể bỏ qua Việt Nam với vai trò vừa là cầu nối, vừa là trung tâm. Khi đặt Hoa Kỳ trong mối tương quan với các quan hệ quốc tế của Việt Nam gần đây cũng cho thấy điều ấy. Thông qua Việt Nam, Hoa Kỳ có sự tham gia sâu hơn, kết nối hiệu quả hơn với ASEAN và các nước khác. Bởi vậy mà thời gian qua, không chỉ có Hoa Kỳ mà các nước trong khu vực châu Á, các nước khối ASEAN, các nước châu Âu khác cũng rất muốn nâng tầm mối quan hệ ngoại giao đối với Việt Nam. Do đó, khi đặt mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh mới, dựa trên lợi ích hai bên thì việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên một tầm mới cũng hoàn toàn phù hợp và hài hòa với cả hai phía.

Nâng tầm vị thế mới

Từ mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay và từ vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam, có thể thấy vấn đề mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước; trong đó đặc biệt là các nước lớn và các nước sát sườn với Việt Nam (như các nước láng giềng và khu vực) thì cần hội tụ đủ một số điều kiện.

Thứ nhất, đó là các bên thực sự cần nhau.

Thứ hai, đó là câu chuyện phải có những khuôn khổ hợp tác cụ thể và nguyên tắc chỉ đạo các mối quan hệ. Nền tảng cơ bản và xuyên suốt là phải tôn trọng lẫn nhau và hợp tác hai bên cùng có lợi, ngay cả khi hai bên khác biệt về thể chế chính trị, về xã hội thì cũng phải tôn trọng sự khác biệt đó.

Thứ ba, đó là hai bên có chung đà phát triển quan hệ và có dư địa để tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với nhau.

Đơn cử như mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong khuôn khổ hợp tác của đối tác toàn diện, hàng năm tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai nước luôn ở mức cao (từ 17%-19%), điều này cho thấy hai bên còn có nhiều dư địa để mở rộng thương mại.

Đằng sau đó còn là câu chuyện hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau khi Việt Nam có những mặt hàng mà phía Hoa Kỳ cần (điện tử, giày da, dệt may, nông sản), trong khi Hoa Kỳ cũng có những thứ Việt Nam cần (công nghệ, dịch vụ, tài chính).

Hiện nay cũng là giai đoạn “bỏ trứng vào một rổ” sẽ chịu nhiều rủi ro, nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường là điều mà Hoa Kỳ đang rất cần, và Việt Nam được chọn là điểm đến của họ.

Về phía Việt Nam, khi quan hệ với “người khổng lồ” Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam cũng phải phát triển, “tự lớn” lên. Chỉ có thế thì hàng hóa của Việt Nam mới cạnh tranh được với hàng hóa Hoa Kỳ, và cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế.

Có thể nói, chưa bao giờ thế giới đang bị phân tách mạnh mẽ như hiện nay kể từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Sự phân tách này rất đa dạng và đa chiều, lại đặt trong sự tùy thuộc chung lẫn nhau nên không phân thành các tuyến rõ rệt.

Tuy nhiên bên cạnh những thách thức cũng có những cơ hội cho Việt Nam: Dù nước lớn cạnh tranh chiến lược, nhưng xu hướng chung ở khu vực châu Á vẫn là hòa bình, ổn định và hợp tác; châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới; ASEAN đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh chung đó, quan điểm của Việt Nam là chọn hợp tác với các nước mà không chọn phe, thúc đẩy quan hệ dựa trên sự tôn trọng và hợp tác cùng có lợi và tăng cường năng lực quốc gia, đi cùng chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, làm bạn với các nước. Điều này vừa giúp bạn bè quốc tế tin tưởng vào Việt Nam, đồng thời cũng thông qua đó, Việt Nam từng bước nâng cao, xây dựng được “sức mạnh mềm”, nâng tầm vị thế của chính mình trên trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục