Viết tay

Khác hẳn với chiều dài lịch sử của chữ viết, cây bút ra đời khá muộn màng. Phần châu Âu xưa viết bằng lông ngỗng. Châu Á làm ra chiếc bút lông từ 200 năm trước Tây lịch dùng cho đến tận ngày nay. Người Việt trước khi có chiếc bút máy vào khoảng đầu thế kỷ XX do người Pháp mang vào thì dĩ nhiên vẫn dùng bút lông.

Chiếc bút máy trong thời gian dài khoảng hơn một thế kỷ là vật dụng trân quý có thể coi như tài sản của người Việt. Thời kháng chiến chống Pháp, bút máy được văn nhân, cán bộ mang từ Hà Nội lên chiến khu rất ít. Nhiều lãnh đạo cấp cao trên chiến khu vẫn phải dùng bút chì, bút sắt chấm mực. Ở Hà Nội tạm chiếm có nhiều bút máy hơn nhưng được coi là thứ hàng xa xỉ. Những bút máy Parker, Waterman ngòi vàng có giá trị bằng chiếc xe đạp hạng sang.

Ông nội tôi có chiếc bút máy Waterman quản nhựa vân gỗ ngòi vàng thường cất trong chiếc hộp chạm bạc rất ly kỳ. Cụ dùng chiếc bút ấy từ ngày còn làm việc trên chiến khu Việt Bắc với các hàng binh Pháp cho đến lúc tạ thế vào năm 1980. Chiếc bút máy ngòi vàng có thể vặn cho ngòi chui vào thân bút khi không dùng nữa. Cháu đích tôn là đứa duy nhất trong nhà thỉnh thoảng được phép bơm mực hộ cụ. Nhưng tuyệt đối không được viết thử chữ nào. Thật ra, tôi cũng có lần bơm mực xong lén viết thử vài chữ vào khoảng đầu những năm 1960. Ngòi bút đã mòn hết hạt gạo, gai sắc cào xước giấy
.
Vào khoảng những năm 1960 - 1970, Hà Nội tràn ngập các loại bút máy Trung Quốc. Bút máy vẫn rất quý nhưng không còn là tài sản nữa. Người Hà Nội sinh ra một nghề mà đến nay đã hoàn toàn thất truyền. Khắc bút. Bờ hồ Hoàn Kiếm, Công viên Thống Nhất, bến tàu bến xe, bách hóa tổng hợp đâu đâu cũng có những anh thợ khắc bút khư khư chiếc cặp nhỏ như cặp vé tàu điện. Trong cặp là một chiếc bảng gỗ có đóng những thanh nhỏ tạo thành các khe hẹp có thể cặp được nhiều loại bút máy. Mấy chiếc “bút” ngòi thép đặc mài nhọn mũi. Vài viên phấn màu.

Những người thợ điêu luyện ngoài khả năng viết chữ đẹp ra còn có thể vẽ hình Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, đôi trai gái đứng bên gốc dừa. Khách khứa ngoài việc thuê khắc tên mình còn có thể khắc thêm hình vẽ kỷ niệm ngày đến thăm Hồ Gươm. Vài người sống ở Hà Nội thì khắc những dòng chữ gửi đến người thương, “Yêu anh mãi mãi”, “Kỷ niệm ngày quen nhau”, “Tặng em nhân ngày…”. Học sinh phổ thông ngày tốt nghiệp có vài nhóm con nhà khá giả mua một lúc hàng chục chiếc bút máy Kim Tinh của Trung Quốc thuê thợ khắc dòng chữ “Kỷ niệm lớp 10A niên khóa 1972” để chia cho nhau.

Bút máy Trung Quốc rất nhiều nhưng thật ra chỉ có hai loại. Kim Tinh và Anh Hùng. Bút Kim Tinh ngòi vàng nhỏ bằng hạt thóc cứng quèo. Chữ viết ra không có nét thanh nét đậm. Bút Anh Hùng thô tháp, ngòi trắng có độ thanh đậm và rẻ tiền hơn nên cũng thịnh hành hơn. Tuy không còn quý giá như bút máy thời Pháp thuộc nhưng nhiều anh chị Hà Nội lúc bấy giờ vẫn thường trưng bút máy trên túi áo trước ngực. Nó nói về chuyện học hành nhiều hơn là khoe chiếc bút.
Thập kỷ 70 ở Hà Nội rộ lên nạn trộm cắp móc túi.

Bút máy là mục tiêu của phần lớn kẻ cắp thời này. Thế cho nên ở hàng bán bút máy cũ ta đọc được không thiếu tên người khắc trên thân bút. Đọc được cả những lời tình tự kiểu như: “Yêu anh mãi mãi”, “Gửi người thương nhớ”. Và không ai dám chắc chắn rằng đó là những chiếc bút máy kẻ cắp mang bán. Kể cả công an.
 
Thời bút máy có rất nhiều “cao thủ” viết tay. Chữ viết ra đều đặn đẹp đẽ với tốc độ kinh ngạc. Thời này cũng sinh ra rất nhiều “chuyên gia” tự học nghề bói chữ. Nhìn chữ là có thể nói được tính cách người viết và đoán được cả tiền duyên hậu vận của họ nữa. Thế nhưng cũng có rất nhiều người chữ viết xấu điên. Tập trung phần lớn ở ngành y. Người ta thường khen đểu nhau “Chữ đẹp như chữ bác sĩ”. Điều này làm cho các thầy bói chữ hết sức hoang mang. Chữ đẹp chữ xấu không nói lên nhiều điều về quan lộ. Bác sĩ vẫn thăng tiến làm lãnh đạo khá nhiều.

Thời này cũng sinh ra vài anh có hoa tay. Gái xếp hàng chờ xin chữ viết. Các cô ấy dùng chữ đẹp để thêu lên áo gối, mùi soa. Chờ khi có dịp mang tặng người mình định yêu. Cũng là một cách thông báo đến chàng về độ tài hoa khéo tay của mình. Thế nhưng con trai thời ấy biết rất rõ. Chẳng có con gái nào đủ khả năng viết được những dòng chữ mượt mà bay bướm đến thế. Chuyện này hình như vẫn còn đúng cho đến tận bây giờ.

Vẫn còn rất nhiều người chữ nghĩa đề cao việc viết tay. Vài nhà văn lớn tuổi lý luận rằng viết tay là một cách bám sát bản thảo nhất. Chia sẻ vui buồn cùng với con chữ từ chính tay mình viết ra. Kệ các bác ấy thôi. Nhìn tập bản thảo viết tay chữa chi chít mực xanh mực đỏ cảm thấy vô cùng may mắn khi mình không phải là “thằng đánh máy”.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục