Vĩnh biệt họa sĩ Trương Hán Minh: Đường nét tài hoa

Có lúc phải tạm gác chuyện sáng tác để mưu sinh, nhưng với họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh, đó chưa bao giờ là nỗi buồn hay sự nuối tiếc, mà cần phải cân bằng cuộc sống để không ảnh hưởng đến nét vẽ của mình. Hai ngày qua, giới họa sĩ và cộng đồng họa sĩ theo tranh thủy mặc tại TPHCM, tiếc thương vĩnh biệt ông, một trong những họa sĩ tên tuổi, bậc thầy của dòng tranh thủy mặc.

Một đời thủy mặc

Thủy mặc vốn là dòng tranh mang nhiều triết lý nhân sinh, buộc người vẽ phải tĩnh tâm trong từng đường bút. Họa sĩ Trương Hán Minh gắn bó với tranh thủy mặc theo trường phái Lĩnh Nam từ năm 17 tuổi.

Họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh (trái) trong lần nhận bằng xác lập kỷ lục châu Á. Ảnh tư liệu
Không chỉ là câu chuyện sơn thủy như dòng tranh thủy mặc truyền thống của Trung Quốc, thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh còn hài hòa đường nét phong cảnh, làng quê Việt Nam. Mọi thứ trong tranh của ông cứ hiện lên nhẹ nhàng, không cầu kỳ nhưng vẫn trang nhã và ẩn chứa các quan niệm nhân sinh đặc trưng của dòng tranh thủy mặc.


Ruộng bậc thang phía Bắc, rừng đước ở miền Nam, hồ Gươm hay phố cổ Hội An đều hiện lên một cách hữu tình trong tranh của ông. Ông cũng là họa sĩ tiên phong trong việc minh họa thơ của Bác Hồ bằng tranh thủy mặc. “Họa sĩ Trương Hán Minh thường vẽ hoa lá, cây cảnh, chim muông trong các tác phẩm. Tranh của ông có phần khác với tranh thủy mặc truyền thống của Trung Quốc thiên về sơn thủy, mà có hiện thực làng quê Việt Nam tùy theo mỗi chuyến sáng tác”, GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ.

Cộng đồng theo tranh thủy mặc tại TPHCM hiện tại khá ít, bởi vẽ dòng tranh này, ngoài yếu tố kỹ thuật, cần phải có sự am hiểu văn hóa, tĩnh tâm và luyện tập thật nhiều, vì một đường bút là một sự dứt khoát, không thể chỉnh sửa lại như vẽ bằng một số chất liệu khác. Theo GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, họa sĩ Trương Hán Minh đã bàn với hội về kế hoạch mở lớp tranh thủy mặc để có thế hệ tiếp nối và kế thừa, nhưng hiện tại mọi thứ còn dang dở, mà ông đi xa…

Nói về chuyện đào tạo thế hệ kế thừa để tranh thủy mặc được tiếp nối đúng tinh thần nhất, họa sĩ Trương Lộ chia sẻ: “Nhiều lần tôi với anh Minh bàn về chuyện mở lớp đào tạo. Cũng là tranh thủy mặc mà tôi với ảnh mỗi người theo một phái khác nhau, có lúc cũng bực mình, nhưng mà anh em cười một cái rồi thôi, chứ không giận hờn gì hết, vì theo phái nào thì cái chung vẫn là phát triển cộng đồng tranh thủy mặc. Bây giờ, muốn bực mình cũng không được nữa rồi”…

Hướng về cộng đồng

Gắn bó với họa sĩ Trương Hán Minh từ năm 1983, bắt đầu từ các hoạt động của CLB Mỹ thuật thuộc Trung tâm Văn hóa quận 5, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM Trần Huy Chí chia sẻ: “Sau năm 1975, chú tập trung vào việc làm ăn của gia đình, khi mọi hoạt động đã ổn, chú thảnh thơi sáng tác, không để tranh vẽ của mình bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường. Chú cứ song song vậy đó, sáng tác và cân bằng mưu sinh cuộc sống, không để người nghệ sĩ vì nghèo khó hay vẽ theo thương mại thị trường mà mất đi cái bay bổng, nghệ sĩ trong từng đường nét”.

Với những người gần bên, họa sĩ Trương Hán Minh bình dị, gần gũi trong đời thường, nhưng với công việc thì chỉn chu, nghiêm túc. “Lúc nói về công việc, chú không bao giờ phản bác ý kiến nào liền, mà luôn lắng nghe trước, rồi mới từ từ bàn luận vấn đề”, ông Trần Huy Chí kể thêm.

Và cái đẹp không chỉ để ngắm hay gửi gắm triết lý nhân sinh qua từng đường nét thủy mặc, ông còn dùng những tác phẩm của mình để tham gia đấu giá hoặc triển lãm từ thiện. Năm 2013, ông được công nhận kỷ lục là “Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất” Việt Nam và châu Á. “Gắn bó với chú từ hồi còn ở Trung tâm Văn hóa quận 5, quận phát động chương trình gây quỹ từ thiện là chú tham gia ngay, còn những chương trình của thành phố thì khỏi phải nói, chú sẵn lòng hết”, ông Trần Huy Chí chia sẻ.

Hay tin họa sĩ Trương Hán Minh qua đời, trong thời điểm thành phố còn thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bạn bè, học trò của ông ở xa bày tỏ niềm tiếc thương trên trang cá nhân họa sĩ. Người họa sĩ tài hoa ra đi, điều còn lắng đọng lại là sự gần gũi với bạn bè, đồng nghiệp, sự kính mến của học trò và những bức tranh thủy mặc triết lý, thanh thoát… Điều đó hẳn cũng là một sự trọn vẹn trong đời người họa sĩ. Vĩnh biệt một họa sĩ tài tình của dòng tranh thủy mặc, kính tiễn ông bằng sự trân trọng và cảm phục vì tài hoa và tấm lòng của ông dành cho cộng đồng.

Sáng 22-9, lễ tang Họa sĩ - Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đã diễn ra tại nhà riêng của ông ở quận 11 (TPHCM). Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng đoàn đến viếng và chia buồn cùng gia quyến. 

Trong sổ tang, đồng chí Tô Thị Bích Châu viết: “Họa sĩ Trương Hán Minh, một tấm gương tiêu biểu của những người hoạt động nghệ thuật chân chính, có tinh thần dân tộc, yêu nước. Họa sĩ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghệ thuật và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, quan tâm đến các hoạt động an sinh xã hội, đến người dân thành phố”. (GIAO LINH)

Tin cùng chuyên mục