Khi ông nhập ngũ thì tôi mới chào đời. Những năm kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Đông Nam bộ, tôi biết ông qua Chương trình phát thanh QĐND và báo Quân giải phóng Miền Nam. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), về báo Quân khu 7, tôi được trực tiếp gặp ông tại Ban Tuyên huấn Bộ Tham mưu Quân khu 7, nơi ông đang công tác.
Nhà báo Trần Ngọc Thị (thứ hai bên phải) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa (tháng 8-2013). Ảnh: MAI XUÂN THỌ
Khác với cái tên rất phụ nữ Trần Ngọc Thị, ông xuất hiện trước mặt tôi lúc đó là một sĩ quan Quân giải phóng mạnh mẽ và dễ gần. Ông là cộng tác viên “bấm nút” của báo Quân khu 7. Anh Mai Bá Thiện, phụ trách tờ báo và lớp phóng viên trẻ chúng tôi: Vũ Ngọc Xiêm, Xuân Hòa và tôi... coi ông như người nhà. Ông chọn toa xe dã chiến lưu động tiếp quản của quân đội chế độ cũ làm nơi làm việc. Đêm đêm, có khi tận sáng, toa xe dã chiến ấy vẫn sáng đèn. Chúng tôi - lớp phóng viên mới vào nghề luôn cảm phục sự làm việc say mê, đầy trách nhiệm của ông. Ngoài việc lo tròn công việc của một cán bộ tuyên huấn thời kỳ đầu thành phố giải phóng, ông còn say sưa viết báo. Chúng tôi cần bài gì, ông đáp ứng ngay, như thể những đề tài ấy có sẵn, ông chỉ việc sắp xếp lại.
Những năm đầu thành phố Sài Gòn giải phóng có bao nhiêu việc phải làm. Sau mỗi chuyến công tác, ông lại cho chúng tôi những bài viết hấp dẫn, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống.
Một lần, nửa đêm ông gọi điện bảo rằng, tình hình biên giới Tây Nam rất “căng”, bọn phản động Pôn Pốt vừa tràn sang giết hại đồng bào ta. Ông gợi ý, báo Quân khu 7 nên cử phóng viên tiếp cận ngay. Quả nhiên, sớm hôm sau, chúng tôi có lệnh lên biên giới.
Khoảng cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhà báo Trần Ngọc Thị chuyển về cơ quan Đại diện phía Nam báo Quân đội nhân dân tại TPHCM. Như con ong miệt mài nhả mật, ông say sưa làm việc.
Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng, nguyên Trưởng cơ quan Đại diện phía Nam báo QĐND nói, không phải ai cũng hiểu hết bác Trần Ngọc Thị. Ông không để lại ấn tượng với mọi người từ bề nổi mà ở bề chìm - sự nhân hậu, đằm thắm, thủy chung. Bây giờ khi có độ lùi thời gian mấy chục năm gần gụi nhà báo Trần Ngọc Thị, tôi mới ngộ hết nhận xét ấy. Từ tấm gương nghề nghiệp Trần Ngọc Thị, tôi vẫn thấy mình đúng, khi nghĩ rằng, thế hệ làm báo trước chúng tôi thật trách nhiệm, vô tư, đức độ và đầy nhiệt huyết.
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống hiếu học trên đất Quỳnh Lưu (Nghệ An), năm 1953, vào tuổi 19, Trần Ngọc Thị tình nguyện nhập ngũ. Cùng thời với những người cầm viết nổi tiếng trong quân đội, Cao Tiến Lê, Xuân Thiều..., Trần Ngọc Thị chọn cho mình lối đi riêng, vừa làm công tác Đảng, công tác chính trị vừa tham gia viết báo. Người ta biết nhiều đến ông ở sự nghĩa tình.
Năm 1988, nhà báo Trần Ngọc Thị nghỉ hưu theo chế độ. Đối với Trần Ngọc Thị thì hưu mà không nghỉ. Người ta vẫn thấy ông say mê với công việc nghĩa tình. Làm Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Trung đoàn 3 Sư đoàn 9, không quản tuổi cao, sức yếu, Trần Ngọc Thị lặn lội khắp nơi cùng đồng đội chăm lo gia đình những người bạn chiến đấu đang gặp khó khăn.
Gần đây, bước sang tuổi bát tuần, sức khỏe có phần cạn kiệt, Trần Ngọc Thị vẫn như con ong say mê nhả mật. Biết chúng tôi chuẩn bị xuất bản tập sách về Báo Quân giải phóng Miền Nam, từ giường bệnh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), ông gửi đến chúng tôi bài viết gần 5.000 chữ kể về những kỷ niệm của ông với các phóng viên báo Quân giải phóng trên đất miền Đông gian khổ nhưng ấm áp tình người.
Nhớ lại cách đây không lâu, vào thăm lại chiến trường cũ, chúng tôi đưa ông về thăm Đồn biên phòng Long Khốt (Long An), nơi có ngôi đền thờ liệt sĩ. Ông đứng lặng hồi lâu bên những ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều phần mộ ghi “tên Anh chưa ai biết”.
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc - Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Đọc câu thơ khắc trên chuông trong đền thờ, nước mắt ông chảy xuống đôi gò má đầy ắp dấu ấn thời gian và sự từng trải. Ông dặn chúng tôi, nếu “Trời Phật còn cho phép” (câu này ông thường dùng), năm sau vào miền Nam, ông sẽ cùng chúng tôi sang thăm lại nơi ngã xuống của hàng ngàn đồng đội trên chiến trường nước bạn năm xưa.
Nhưng ước nguyện cuối cùng ấy của ông không bao giờ thực hiện được nữa. Cháu Trần Hồng Ngọc, con trai ông, vừa báo tin ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 25 phút ngày 2-2-2016 (nhằm ngày 24 tháng Chạp Ất Mùi).
Tôi đang có chuyến hành hương về nguồn trên đất miền Đông. Hương rừng miền Đông ngào ngạt. Chiều cuối năm, trong tiết gió heo may, rừng cây lá vàng xào xạc. Khi mùa xuân đang về, dọc những nẻo đường biên giới chúng tôi qua như vẫn còn hơi ấm dấu chân của những người lính, trong đó có dấu chân của nhà báo Quân đội nhân dân Trần Ngọc Thị. Xin thắp nén hương thơm và gửi cả hương rừng miền Đông về phương Bắc kính viếng ông, một người lính Bộ đội Cụ Hồ - một con ong miệt mài nhả mật!
TP Hồ Chí Minh, đêm 25 tháng Chạp Ất Mùi.
TRẦN THẾ TUYỂN