
Liên tiếp trong hai số báo ra ngày 31-1 và 1-2-2005, báo SGGP đã phản ánh tình trạng khó khăn và lộn xộn trong việc trả vé tàu Tết tại ga Sài Gòn và sau đó là bài phản hồi của những người có trách nhiệm tại ga Sài Gòn và của đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ghi nhận chung của chúng tôi là bạn đọc khá thất vọng về cách hành xử của ngành đường sắt đối với khách hàng của mình.

Xếp hàng mua vé tàu.
Dư luận tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề đề nghị ngành đường sắt giải thích: Vì sao trả vé hành khách đã chịu lệ phí 10% còn buộc phải làm “Đơn xin trả lại vé”; vì sao có quy định trả vé trước 4 giờ trước khi tàu chạy nhưng lại không ghi trên vé để hành khách biết; vì sao ga mở rất nhiều cửa bán vé nhưng chỉ mở một cửa trả vé; vì sao trong cung cách hành xử của nhân viên nhà ga đối với khách hàng lại “vô cảm” như thế?!..
Điều đáng nói là năm nào cũng vậy, trước khi bước vào đợt bán vé Tết, ga Sài Gòn đều có chiến dịch công bố rầm rộ kế hoạch phục vụ Tết. Ai cũng tưởng nhà tàu sẽ phục vụ tốt hơn, hành khách bớt khổ, nhưng khi bước vào bán vé thì mọi việc vẫn tái diễn như cũ. Năm nay cũng vậy: Việc chia ngày bán vé và giới hạn thời gian phát số thứ tự đã làm cho hàng ngàn người phải chầu chực ngày đêm tại sân ga mới mua được vé.
Việc hạn chế mỗi người chỉ mua được 2 vé cũng gây nhiều phiền phức nếu như gia đình có 3-4 người cùng muốn đi một chuyến (nhà ga thông báo có thể lên gặp lãnh đạo để giải quyết nhưng ít ai có thể gặp được lãnh đạo trong những ngày này). Các đại lý nhà ga không được cung ứng lượng vé bán ra nhiều. Tất cả đều tập trung ở ga Sài Gòn. Khi lấy số thứ tự để mua vé thì khách hàng phải xuất trình CMND để nhập số vào máy tính, sau đó in vào số thứ tự nên mất nhiều thời gian. Nếu không mua được vé trong ngày mà để mất số thứ tự thì phải xếp hàng lại từ đầu…
Mua vé đã khổ, trả vé cũng khổ. Quy trình trả vé phải xếp hàng đợi, làm đơn đúng theo biểu mẫu, có giấy tờ chứng minh, trả trước theo thời hạn quy định… Dư luận thắc mắc các thủ tục hành chính rườm rà này phục vụ cho ai? Điều đáng nói là giá vé ngày Tết đều tăng hơn ngày bình thường, mức tăng tùy theo loại vé, loại tàu và hành khách đều chấp nhận việc tăng vé “thời vụ” này.
Vậy tại sao nhà ga không tổ chức phục vụ hành khách tốt hơn? Trong bối cảnh các ngành dịch vụ đều đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân thì ngành đường sắt làm ngược lại. Phải đây là lĩnh vực kinh doanh “độc quyền” nên muốn thể hiện “quyền độc” của mình, buộc mọi người phải chấp nhận!?
TIỀN PHONG