
Trong các ngân hàng của nước Pháp, để là một trader trẻ thành công, trước hết phải có tấm bằng của những trường đại học danh tiếng nhất; nếu không sẽ dễ bị đẩy sang bên lề, thậm chí bị coi thường. Để tạo được “ấn tượng” cần thiết, Jérôme Kerviel (J.K.) đã làm mọi cách…
Mặc cảm bằng cấp?

Jérôme Kerviel (ngồi ghế sau) trên đường tới Tòa án Paris
Năm 2005, J.K. đã có những thời khắc đáng nhớ trong sự nghiệp: trở thành trader của một ngân hàng tầm cỡ. Nhưng nếu như ở Mỹ, việc được thăng chức khiến cho người nhân viên được coi trọng hơn thì ở Pháp, trong giới tài chính cấp cao, sự thể diễn ra không hoàn toàn như vậy.
Dường như tham vọng “gây ấn tượng với các đồng nghiệp” cắt nghĩa phần nào những việc làm mạo hiểm của J.K. “Tôi không được coi trọng như các đồng nghiệp khác do học bạ của tôi” - anh ta nói với các nhà điều tra trong thời gian bị tạm giam.
SocGen có thói quen tuyển dụng những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng nhất. Nhiều người trong số họ còn có bằng tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực rất khác nhau như vật lý thiên văn hay vật lý hạt nhân. Những người này được gọi là “quants” do những công thức toán học rất phức tạp mà họ thiết lập nên nhằm đánh giá “chất lượng” (“quantifier”) của những “phi vụ” tài chính. Đấy cũng chính là những người được hưởng mức lương cao nhất.
“Bộ não” của SocGen - bao gồm cả ông Jean-Pierre Mustier, người đứng đầu bộ phận tài chính và đầu tư của ngân hàng - đều tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Ecole Polytechnique lừng danh. Ông Tổng Giám đốc Daniel Bouton thì có bằng của Trường Hành chính quốc gia Ecole Nationale d’administration (ENA), “lò đào tạo” công chức cấp cao của nhà nước.
“Nếu anh được đào tạo ở ENA hay Polytechnique, tương lai của anh kể như được đảm bảo. Nếu không, anh rất ít có cơ hội được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng” - một cựu nhân viên của nhà băng giải thích.
Hành trình của Jérôme Kerviel là một trong những ngoại lệ. Với tấm bằng DESS giản dị (tương đương cao học), anh ta có phần “mặc cảm” so với các đồng nghiệp của mình. Phải chăng anh ta tìm cách “làm hơn” người khác?
Người chưa bao giờ lỗ
Các ngân hàng đối thủ, các chuyên gia về thị trường và về những giao dịch tài chính mạo hiểm vẫn không ngừng tự hỏi: bằng cách nào một trader “junior” (ý nói một nhân viên cấp dưới) vượt qua mọi sự kiểm soát? Và cho rằng việc này là không thể. Dù Jérôme Kerviel có được mô tả như một “tin tặc” phi thường, nắm được “từ khóa mật mã” của 5 hồ sơ tin học khác nhau, dù anh ta có được đánh giá là một chuyên gia lão luyện về hệ thống kiểm tra nhờ đã bắt đầu sự nghiệp từ các “middle và back office” thì lời giải thích của SG vẫn không đủ sức thuyết phục.
Kerviel đã mua 14.000 hợp đồng (contrat) dựa trên chỉ số Dax. “Không một trader nào được phép mua vào một con số lớn như vậy, đó là điều rất đáng ngạc nhiên” - một cựu nhân viên của SG nói. Người này cũng không giải thích được vì sao Kerviel lại không phải trả trước một khoản tiền theo như quy định cho các giao dịch mua vào kiểu này. Trừ khi anh ta chắc chắn có lời.
Về chuyện này, Kerviel chưa bao giờ bị lỗ, trừ những ngày cuối cùng vừa qua. Cuối năm 2007, anh ta đã mang về cho ngân hàng của mình khoản lời hiếm có lên tới gần 1,5 tỷ euro. Có thể đó cũng chính là “động cơ hành động” của J.K. Để có một “chỗ đứng”, tay nhân viên trẻ phải “thể hiện” mình bằng cách làm ra lãi thật nhiều.
Với chức danh “kỹ thuật viên”, lương của Kerviel chỉ khoảng 100.000 euro một năm, “quá bèo” đối với một trader. “Ở bộ phận thị trường có nhiều sự miệt thị. Họ hầu hết đều tốt nghiệp Polytechnique hay Centrale (trường đại học danh tiếng khác của Pháp). Jérôme học ở Lyon, thậm chí còn không phải là Dauphine (một trường đại học của Pháp) nữa!”.
Hiện Jérôme Kerviel đang bị giam giữ tại nhà tù de La Santé. Anh ta thừa nhận đã vượt quá quyền hạn của mình - giao dịch gần 50 tỷ ở thời điểm vụ việc bị phát hiện nhưng cho hay rằng việc này không phải lần đầu và cấp trên của anh ta thường “nhắm mắt làm ngơ” miễn sao mang lại lợi nhuận. Cuộc điều tra vừa có bước ngoặt mới.
Ngày 7-2, một nhân viên của Fimat, chi nhánh của Société Générale, bị tạm giam. Gần 2.000 trang thư từ trao đổi giữa Kerviel và nhân viên này được cảnh sát lấy ra từ máy tính cá nhân của tay trader cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai người.
Thông tin liên quan |
Phần lớn các giao dịch của Kerviel được thực hiện ở thị trường Đức. Theo thông lệ, khi mua vào, trader phải trả trước một món tiền đảm bảo. Món tiền này được trao cho một tổ chức có chức năng quản lý ghi nhận vụ mua bán. Tại Đức, đó là Eurex. Công ty này khẳng định trong năm 2007 “mọi việc đều được tiến hành một cách bình thường”.
Điều đó có nghĩa là mỗi lần giao dịch Jérôme Kerviel đều trả trước tiền đảm bảo. Nếu vậy, tại sao ngân hàng lại không biết gì về những khoản này? Vai trò của Fimat trong vụ này có thể là câu trả lời, vì chi nhánh này cũng là thành viên của Eurex, có thể đảm bảo cho ngân hàng.
Dùng một nhân viên của Fimat thực hiện những giao dịch mua bán của mình, J.K. còn qua mặt được cả SG. Vai trò của người này là làm trung gian trong các vụ mua bán, hưởng hoa hồng và phần trăm tùy theo số và lượng các giao dịch. Vì thế họ có khuynh hướng “làm thân” với các trader. Ở thời điểm hiện tại, cuộc điều tra chưa cho phép xác định được người này thực sự là tòng phạm của Kerviel hay chỉ làm việc một cách vô tình, J.K. vẫn là “nhân vật” chính duy nhất của vụ xì căng đan…
Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn. Không chỉ xoay quanh những việc làm của Jérôme Kerviel mà còn về vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức tài chính và trách nhiệm của SocGen khi “trái bom” bị nổ tung…
Nguyễn Vũ
theo LE MONDE và LE FIGARO