Vụ tai tiếng ở Ngân hàng Société Générale

Bài 2: Truy tìm "thủ phạm"

Khi tin tức về vụ thiệt hại 4,9 tỷ euro ở Société Générale được truyền đi và tên tuổi "thủ phạm" bị tiết lộ, giới truyền thông vẫn không thể chụp được hình của anh ta kể từ ngày vụ việc bị vỡ lở 24-1. Trên trang nhất của tất cả các báo chỉ có duy nhất tấm hình chụp trực diện gương mặt không mấy gây được thiện cảm.
Bài 2: Truy tìm "thủ phạm"

Khi tin tức về vụ thiệt hại 4,9 tỷ euro ở Société Générale được truyền đi và tên tuổi "thủ phạm" bị tiết lộ, giới truyền thông vẫn không thể chụp được hình của anh ta kể từ ngày vụ việc bị vỡ lở 24-1. Trên trang nhất của tất cả các báo chỉ có duy nhất tấm hình chụp trực diện gương mặt không mấy gây được thiện cảm. 

  • Cánh truyền thông nháo nhào 

Bức hình này ở đâu ra? Chính là từ SG ra. Một nhân viên đã lấy trên mạng nội bộ của nhà băng rồi "tung" lên web. Financial Times là tờ báo đầu tiên sử dụng thông tin này. Tiếp đó tới các hãng thông tấn như AP, Reuters, AFP và các tờ báo Pháp. Mặc dù các tay săn ảnh làm việc cật lực nhưng không ai có được một bức hình "thời sự" của Jérôme Kerviel. Pascal Rostain, tay paparazzi nổi tiếng trong những "phi vụ" cùng loại, đã tìm tới nơi ở của anh ta ở Neuilly-sur-Seine, rồi về tận Bretagne. 

Bài 2: Truy tìm "thủ phạm" ảnh 1
Jerôme Kerviel Ảnh: AFP

Chiều thứ sáu, vùng Bretagne "đặc nghẹt" phóng viên ảnh đến đây chụp hình những người trong gia đình hay hàng xóm của Kerviel. Túi đầy tiền, nhân viên các tờ báo chuyên đưa tin giật gân của Anh sẵn sàng trả thật cao để có được những bức hình "đáng giá" nhưng vô hiệu. Chỉ riêng tờ Le Figaro (Pháp) là có được 2 tấm hình do chính người cô của Kerviel cung cấp, chụp anh ta trong một đám cưới. Tấm hình này sau đó được phát đi trên đài truyền hình, rồi đến lượt các tờ báo khác in lại. Với Internet, hình ảnh của Jérôme Kerviel được truyền đi với tốc độ cực nhanh là điều dễ hiểu nhưng sử dụng lại một hình ảnh "lấy cắp" để đưa lên trang nhất lại là việc mà báo giới Pháp không "quen" lắm.
 
Tổng thống (đang viếng thăm Ấn Độ), thủ tướng (đang làm việc ở Luxembourg) cùng các cơ quan có thẩm quyền của nước Pháp chỉ được SG thông báo về vụ việc 4 ngày sau khi nó vỡ lở, tức là vào ngày thứ tư, 23-1, trong khi một "tổ bí mật" bao gồm ông Daniel Bouton, ông Thống đốc Ngân hàng nước Pháp Christian Noyer và ông tổng thư ký cơ quan quản lý các thị trường tài chính AMF Gérard Rameix đã làm việc suốt 3 ngày trời để lập kế hoạch cứu vãn ngân hàng lớn hàng thứ ba nước Pháp này. Sự chậm trễ này khiến một quan chức cao cấp phải lên tiếng: "Chúng tôi hiểu rằng Daniel Bouton muốn giải quyết cơn khủng hoảng trước khi công khai sự việc nhưng trong nhiều ngày ngân hàng của ông ta đã làm cho cả thị trường tài chính bị rình rập nguy hiểm, giữa lúc thị trường chứng khoán đang có nhiều biến động".

  •  "Cơn địa chấn" 50 tỷ 

Từ thứ tư, 23-1, tin tức về việc Ngân hàng SG trong 3 ngày liền - từ thứ hai 21-1 tới thứ tư 23-1 - đã bán ra một lượng tương đương với 48 tỷ euro cổ phiếu thứ cấp dựa trên các chỉ số của thị trường tài chính châu Âu, làm cho thị trường chứng khoán giảm mạnh. Ngày thứ hai, 21-1, được coi là "ngày thứ hai đen tối", đã khiến giới quyền lực tài chính nước Mỹ lo lắng thực sự. Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã có quyết định bất thường giảm tỷ lệ lãi suất xuống 0,75 điểm. "Một trader 31 tuổi, một mình trong văn phòng của anh ta ở La Défense, có thể khiến cho Fed phải ra tay?" - một nhà quản lý người Paris tự hỏi.
 
Hai ngày sau khi bản thông báo được đưa ra, nhiều người vẫn không hiểu nổi bằng cách nào, một nhân viên đơn thương độc mã lại có thể nhân danh ngân hàng của mình mua bán gần 50 tỷ euro trên thị trường (ở thời điểm cao nhất, trong khi vốn của chính ngân hàng chỉ là 30 tỷ euro) mà không ai phát hiện ra, không một cơ chế kiểm tra nào ngăn chặn, không một tín hiệu báo động nào được phát đi trên màn hình radar của máy tính ngân hàng. Khi tổng số tiền giao dịch vượt qua một ngưỡng quy định nào đó, người bán yêu cầu người mua phải trả trước một số tiền. Quy định này cho phép người bán tránh được sự mạo hiểm, khi người mua không có khả năng chi trả. "Giả thiết rằng số tiền đảm bảo này chỉ chiếm 1% tổng số tiền giao dịch (48 tỷ euro) thì nó cũng đã là gần 500 triệu euro, một khoản tiền không thể bỏ qua" - một chuyên gia tài chính nói.

Mặt khác, để che giấu các lệnh mua bán, người nhân viên phải thâm nhập hệ thống tin học của nhà băng để "xóa" các lệnh này, "qua mặt" các nhân viên và hệ thống kiểm tra. Làm sao anh ta có thể làm chuyện đó? Giữa năm 2006 và 2007, Ủy ban Ngân hàng nhà nước đã tiến hành 17 cuộc kiểm tra ở SG nhưng không nhận thấy điều gì bất thường. AMF, có chức năng theo dõi các vụ giao dịch trên thị trường chứng khoán, cũng không phát hiện ra sai phạm nào: người nhân viên đã vượt qua các quy định của nhà băng chứ không phạm luật của thị trường. Nhưng có một điểm mà AMF đặc biệt quan tâm, đó là cách thức mà SG đã sử dụng để thông báo với thị trường về sự thiệt hại của mình.
 
50 tỷ không phải là tổng số tiền của một giao dịch duy nhất mà của nhiều giao dịch khác nhau: 30 tỷ ở Eurostoxx, 18 tỷ với Dax và 2 tỷ với Foostie. Những con số khổng lồ so với giới hạn quy định mà Jérôme Kerviel phải tôn trọng. Công việc của anh ta là mua vào một sản phẩm tài chính nào đó rồi bán ra một sản phẩm khác tương tự, để thu được một khoản lợi nhuận nhờ chênh lệch giá giữa lần mua và bán. Khoản chênh lệch này có thể khá nhỏ so với tổng giá trị danh nghĩa của một thương vụ có thể khá lớn. Hệ thống kiểm soát nội bộ của nhà băng về các giao dịch mạo hiểm lại không quan tâm tới giá trị danh nghĩa này (cho nên bài học đầu tiên được rút ra từ "vụ Kerviel" là hệ thống kiểm soát phải giám sát cả tổng số tiền danh nghĩa của tất cả các giao dịch).
 
Nắm rất rõ quy trình kiểm tra nội bộ của ngân hàng nhờ đã từng làm việc ở nhiều khâu khác nhau, Jérôme Kerviel giờ đây giống như "một tay trộm biết rõ mật mã hệ thống bảo vệ", theo lời ông chủ tịch ngân hàng. SG không cắt nghĩa được động cơ nào khiến anh ta làm việc này (Kerviel không phải là người ăn lương theo "đầu việc") và cho hay chưa dấu hiệu gì cho thấy anh ta có tòng phạm ở bên trong hay bên ngoài ngân hàng…. 

NGUYỄN VŨ (theo Le Monde và Le Figaro)

Thông tin liên quan

 - Bài 1: Xì căng đan tài chính thế kỷ?

Tin cùng chuyên mục