Vụ tai tiếng ở Ngân hàng Société Générale

Bài 3: Người trong cuộc nói gì?

Bài 3: Người trong cuộc nói gì?

Thứ sáu 25-1, cơ quan an ninh tài chính bắt đầu lục soát trụ sở SG và thu giữ những tài liệu liên quan - nhất là các hồ sơ tin học của nhân viên trader. Cùng ngày, cơ quan luật pháp của thành phố Paris nhận định rằng “ở thời điểm hiện tại, người ta chưa thể nói được về những gì ẩn phía đằng sau vụ việc này; vẫn còn quá sớm để có thể rút ra bất kỳ một kết luận nào”… Lời tuyên bố này khiến cho cuộc tranh luận - giờ đây đã mang cả màu sắc chính trị và diễn ra trên bình diện quốc gia - càng thêm gay gắt.

Còn nhiều “vùng tối”

Thứ bảy 26-1, Jérôme Kerviel tự ra trình diện cơ quan cảnh sát. Trưa chủ nhật 27-1, anh ta bị bắt tạm giam. Có 2 đơn kiện về tội gian lận, làm giả, sử dụng chứng giả cứ, lạm dụng sự tin cậy, xâm phạm hệ thống xử lý số liệu của ngân hàng… được gửi đến viện công tố Paris chống lại anh ta. Nếu những cáo trạng này là đúng sự thật Kerviel có khả năng bị kết án 5 năm tù giam.

Bài 3: Người trong cuộc nói gì? ảnh 1

Cư dân mạng “sốt” vì J.K.

SG khẳng định Kerviel đã “qua mặt được tất cả các hệ thống kiểm soát, đặt mua các sản phẩm chứng khoán mạo hiểm với những khoản tiền khổng lồ”, buộc ngân hàng này phải bí mật nhanh chóng “thanh lý” các giao dịch đó, một việc làm có thể đã góp phần làm cho thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm mạnh vào thời điểm đó.

Theo tờ báo Đức Der Spiegel, vài tuần trước đó, Kerviel đã “đầu tư” rất mạnh dựa trên Dax - chỉ số tài chính “sáng giá” nhất của thị trường chứng khoán Đức, mua vào 140.000 hợp đồng.

Từ đầu năm tới ngày 18-1, Dax giảm 600 điểm, tay trader có thể đã bị thiệt hại tới 2 tỷ euro trong “phi vụ” này. Chủ nhật, SG cho hay anh ta đã mua tổng cộng 50 tỷ euro cổ phiếu mạo hiểm như thế.

Con số khủng khiếp này khiến cho sự nghi ngờ của giới tài chính đối với những lời giải thích của SG càng được củng cố, cũng như khoảng thời gian “phạm tội” quá dài mà không bị phát hiện của Kerviel - hơn một năm trời - cũng khiến cho nhiều người đặt dấu chấm hỏi.

Ngay từ ngày thứ sáu, nhà kinh tế nổi tiếng nước Pháp Elie Cohen đã cho rằng “một người đơn độc không thể làm được chuyện đó” và giả thiết rằng đó là một việc làm có mục đích che đậy những thiệt hại của SG trên thị trường Mỹ.

Luật sư của Kerviel “phản công”

Gặp được thân chủ của mình sau khi anh này bị tạm giam 20 tiếng, tối chủ nhật 27-1, các luật sư của Jérôme Kerviel bắt đầu “phản công”. Họ đoan chắc rằng thân chủ của họ “không làm việc gì sai trái, không gian lận một xu, cũng không tham ô bất cứ tài sản gì của ngân hàng”.

Trong bỗng chốc, Jérôme Kerviel trở nên nổi tiếng không thua gì “cậu bé phù thủy” Harry Potter. J.K. giờ đây là một “thương hiệu” rất “hot” đối với cộng đồng dân cư mạng. Thậm chí anh ta còn có cả các “fan club” giống như một minh tinh màn bạc!

Điều khiến họ lấy làm đáng tiếc là việc SG đã “tiến hành một cách vội vã có chủ ý và trong những điều kiện rất bất thường” thanh lý 50 tỷ euro các giao dịch mạo hiểm, “nếu không có sự vội vã này thì các giao dịch đó có thể được vãn hồi cùng với thời gian”.

Các luật sư cho rằng SG đã “tung hỏa mù” để đánh lạc sự chú ý của dư luận về những khoản thiệt hại quan trọng của ngân hàng do cuộc khủng hoảng subprimes có thể gây ra.

Về phần mình, thân chủ của họ hợp tác tích cực với cơ quan điều tra. Viện Công tố Paris cho hay anh ta đã “cung cấp những chi tiết rất hữu ích”, rằng “cuộc điều tra tiến triển tốt”. Hầu như không có tin tức về cuộc điều tra lọt ra ngoài.

Trong suốt những ngày cuối tuần, các nhân viên bộ phận tài chính Sở Cảnh sát thành phố Paris đã làm việc cật lực để xác định xem khoản thiệt hại 5 tỷ euro của SG có phải đúng là do những việc làm sai trái của Jérome Kerviel gây nên hay không.

Theo ông Jean-Michel Aldebert, người đứng đầu bộ phận tài chính của Viện Công tố Paris, Jérôme Kerviel đã đồng ý giải thích về những gì mà SG đệ đơn kiện anh ta. Trong những lần phỏng vấn đầu tiên, Kerviel nói rằng anh ta không làm một điều gì khác ngoài làm việc cho người thuê mình (ý nói SG) bằng cách mang lại những khoản lợi nhuận cho ngân hàng mà cho tới giờ đây anh ta vẫn lấy làm tự hào.

Để làm được chuyện này, có thể đôi lần anh ta đã vượt qua giới hạn được phép. Nhưng ngược lại, Kerviel phản đối tất cả những lời buộc tội về sự gian lận hay lừa đảo làm lợi cho cá nhân mình. Anh ta còn nhắc lại những thành công mới đây nhất của anh ta.

Vào cuối năm 2007, các giao dịch của Kerviel đã mang lại 1,4 tỷ tiền lời, đó là một con số rất lớn. Kerviel nhấn mạnh rằng anh ta đã thực hiện những khoản mua dài hạn và sẽ bán đi vào quý một.

Vì thế, anh ta cho rằng bán khẩn cấp các cổ phiếu như việc mà SG đã làm đầu tuần trước là không thích hợp. Tóm lại, “họ đã buộc Kerviel phải đội một cái nón rộng hơn so với người anh ta”, theo như lời một viên cảnh sát.

Lời khai của Jérôme Kerviel càng làm tăng thêm sự “bán tín bán nghi” của dư luận đối với lời giải thích chính thức của ngân hàng. Ngay từ đầu, SG đã không ngừng kết tội anh ta và “không thể đảm bảo 100% rằng anh ta không có tòng phạm”, tức là “vụ việc” có thể “mở rộng” sang cả những nhân viên khác. Tuy nhiên, Viện Công tố Paris giữ “khoảng cách” với những cáo buộc này. Jérôme Kerviel cho tới lúc này cũng không hề trích dẫn tên bất cứ một đồng nghiệp nào.

Khi được hỏi: “Tại sao ngân hàng lại “thanh lý” các giao dịch vội vã như thế?”, ông Daniel Bouton trả lời: Bởi vì tính mạng của ngân hàng lúc ấy giống như “ngàn cân treo sợi tóc” nếu thị trường có biến động mạnh.

Với gần 50 tỷ cổ phiếu mạo hiểm, SG có thể bị “đánh sập” bất cứ lúc nào. Dẫu vậy, trong cơn “đại nạn” vẫn có chút “may mắn:  Ngày 28-1, thị trường tài chính thế giới chao đảo tới mức vụ bán ra ào ạt của SG hầu như không ai nhận thấy…

Bài 4: Cuộc “so tài” giữa các trader

NGUYỄN VŨ (theo Le Monde và Le Figaro)

Thông tin liên quan

-Bài 1: Xì căng đan tài chính thế kỷ?
-Bài 2: Truy tìm "thủ phạm"

Tin cùng chuyên mục