
1. Ông làm không ít người ngạc nhiên khi cho biết, ông vừa vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo của phường 150 triệu đồng để phát triển, mở rộng quy mô vườn lan.
Nhiều người thắc mắc: có thật ông cần vốn đến độ phải nhờ quỹ xóa đói giảm nghèo của phường để mở rộng vườn lan? Ông thật thà bảo: “Đúng là “không” thật! Nhưng mình làm ăn được mà bà con xung quanh nghèo quá thấy nó cũng làm sao ấy! Còn cứ móc tiền túi cho họ hoài cũng không được, ông bà ta đã nói “giúp ngặt chứ ai lại giúp nghèo”.

Ông Vũ Đông Xuân với vườn hoa lan của mình. Ảnh: TR.T.
Từ suy nghĩ như thế và muốn góp sức cùng địa phương nên tôi mới mạnh dạn “đẻ” ra dự án thu hút lao động nghèo địa phương. Tất nhiên, một mình vườn lan của tôi mới chỉ giải quyết cho 20 lao động tìm được chỗ sinh nhai ổn định.
Cái lớn hơn đó là mình muốn làm thử một mô hình gắn chặt giữa người làm kinh tế gia đình với chính quyền địa phương trong việc chăm lo cho cộng đồng, giải quyết việc làm cho người nghèo. Biết đâu sau này có thể nhân rộng mô hình này, bởi vì hiện nay tôi cũng đi hướng dẫn nhiều nhà trồng lan” – ông nói.
Những người lao động ở đây là anh bốc vác, người chạy xe ôm, phụ hồ, chị bán xôi… Họ đến vườn lan để tỉa lá, xếp hoa, cắt cành, tùy theo công việc mà thù lao có thể từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/giờ hoặc hơn.
Nhưng mà cây lan nó “đỏng đảnh” dễ chết, khó sống, “tay ngang” sao chăm sóc được? Ông chậm rãi: “Tôi có kỹ thuật, con tôi có kỹ thuật, không chỉ trong nước mà còn qua tận nước ngoài tham quan học hỏi, mình chỉ lại cho bà con khó gì đâu!”. “Làm kinh tế tư nhân ông không sợ người ta dị nghị, vì mình là đảng viên?”- Ông thành thật nói, không phải không có, nhưng chúng tôi làm trên sự thỏa thuận với người lao động. Và có bóc lột hay không thì để người lao động đánh giá.
Rồi ông chỉ ra vườn mà bộc bạch với tôi, anh thấy giờ này (khoảng 11 giờ trưa) có ai làm không? Họ đã làm xong việc ở vườn lan rồi đang đi làm việc khác, có thể chiều hoặc tối họ quay lại, để xếp hoa, làm cỏ tưới lan…
2. “Tôi gắn bó với gia đình và vườn lan này đã gần 5 năm rồi, ngày xưa nhà tôi bốn bên thì trống hết 3, trưa ngủ dậy thò chân xuống đất là giẫm ngay nước. Trời nắng hay mưa nhà đều có nước ngập. Không nghề nghiệp ổn định nên cố đến mấy cũng không đủ ăn, ngày cúng mẹ bàn thờ trống trơn.
Bây giờ cái đói không còn, nhà đã lên tường, sàn tráng xi măng… Đó là nhờ sự cưu mang của ông chủ vườn lan, chính quyền địa phương” - anh Trần Quang Diệu, một lao động tại vườn lan của ông nói.
Anh tiếp tục nói: “Khi làm việc trong vườn, khó ai có thể phân biệt được ai là chủ ai là người làm công. Ông bà chủ ở đây thường đi tìm người nghèo, cơ nhỡ không nghề nghiệp, thu nhập không ổn định để “mời” về “hành nghề” như chị Nga, chị Oanh…”!
Còn ông thì suy nghĩ đơn giản: đối với tôi lúc nào cũng vậy, nghèo hay giàu không quan trọng mà cái chính là mình sống chan hòa, người có đừng quên người khó. Và hạnh phúc nhất của chúng tôi là được bà con nhớ đến mình khi đã qua cơn hoạn nạn.
Đó cũng là lý do vì sao lao động trong vườn của ông 100% là người nghèo địa phương. Bà Phạm Thị Kim Cúc, vợ ông nói: “Chúng tôi vừa nhận được hộp bánh của một chị bán cơm mang biếu, thật lòng chúng tôi vui lắm, không phải vì được nhận quà, mà vì trước đây thấy chị ấy làm ăn khó khăn, phải đi vay nặng lãi rất vất vả, khi chúng tôi cho vay không lấy lãi, từ đồng vốn ấy chị đã gầy dựng được quán cơm, sống được và trả hết nợ”.
3. Trước nay, từ những năm 1994 gia đình ông kinh doanh nhà trọ. Khi nhận thấy việc kinh doanh nhà trọ không còn hiệu quả. Và để tận dụng diện tích đất có sẵn, gia đình ông đã xây dựng một vườn lan Dendrobium cắt cành, với hơn 10.000 cây.
Song song với xây dựng vườn lan ông xây dựng kế hoạch sử dụng lao động. “Chúng tôi thường tham gia công tác xã hội của khu phố, phường. Qua khảo sát, nhận thấy có khá nhiều lao động nghèo trên địa bàn khu phố không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, còn nhiều thời gian nhàn rỗi. Gia đình tôi thống nhất xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô trồng lan cắt cành. Chúng tôi đã chủ động đề xuất với phường phương án kinh doanh để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo” – ông cho biết.
Khi phương án này trình lên lãnh đạo phường Tân Kiểng và được vay 150 triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của quận, ông liền mở rộng diện tích vườn lan từ 1.000m2 lên 2.000m2 và tăng gốc lan từ 10.000 lên hơn 20.000 gốc.
Và từ một đầu mối chỉ cung cấp lẻ cho các cửa hàng hoa tươi ở quận 5, ông đã mở rộng hệ thống bán sỉ cho một số quận trong TP như quận 1, 10, 3 và chợ đầu mối Hồ Thị Kỷ. Cùng với việc mở rộng quy mô, ông đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động nghèo tại địa phương với mức lương gần 1 triệu đồng/người/tháng.
Với mô hình “Vườn lan xóa đói giảm nghèo”, nhiều người lao động đã thoát được nghèo. Và cái tên Hương Xuân ông đặt cho vườn lan của mình cũng nằm trong suy nghĩ ấy: hương của mùa xuân không chỉ đến với gia đình ông mà còn cho nhiều gia đình không may mắn.
Theo ông, tuy lan là loại hoa “khó nuôi” nhưng thật ra nếu chịu khó thì đây cũng là một nghề vừa dễ làm, lại dễ kiếm tiền.
Ông là Vũ Đông Xuân, Bí thư chi bộ khu phố 1, phường Tân Kiểng, quận 7.
TRẦN TOÀN