Cuối cùng, sau bao cố gắng, đợi chờ của chúng ta, Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã long trọng tuyên bố kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 150 của tổ chức này. Đây thực sự là một sự kiện trọng đại, đánh dấu một chặng đường mới trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Trong 11 năm kiên trì đàm phán để gia nhập WTO vừa qua, chúng ta đã liên tục thúc đẩy tiến trình đổi mới toàn diện và phát triển kinh tế-xã hội của mình, xây dựng và phát triển các ngành, các sản phẩm, các lực lượng doanh nghiệp, đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế song phương với các nước trên thế giới và tham gia ngày càng sâu rộng vào các liên kết kinh tế khu vực.
Là một nước đang phát triển ở trình độ thấp, một nước đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, lại mới tham gia hội nhập quốc tế chưa lâu, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn thách thức ngay trong những năm đầu gia nhập WTO.
Thể chế kinh tế, bao gồm hệ thống luật pháp, chính sách, bộ máy nhà nước và cấu trúc thị trường chưa hoàn thiện sẽ phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của nước nhà, vừa thực hiện các cam kết của Việt Nam với WTO và các tổ chức quốc tế khác.
Môi trường kinh doanh ở nước ta hiện còn nhiều bất cập, sẽ phải được cải thiện cho minh bạch, ổn định, cạnh tranh hơn, thực sự tạo thuận lợi cho sự tham gia và phát triển bình đẳng của mọi doanh nghiệp hoạt động trên đất nước này.
Đặc biệt nhiều ngành, nhiều sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới sẽ khó đứng vững và phát triển được nếu không có những nỗ lực cực lớn để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo nên những liên kết cần thiết để tham gia vào mạng kinh doanh toàn cầu.
Mặt khác, tham gia WTO chúng ta cũng hy vọng sẽ nắm bắt được những thời cơ mới đang mở ra cho Việt Nam. Khi các nước thành viên WTO mở cửa thị trường, dành cho Việt Nam sự đối xử bình đẳng, các ngành kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng xuất khẩu, nhập khẩu, phát triển quan hệ đầu tư, hợp tác về khoa học công nghệ, về đào tạo nguồn nhân lực với các đối tác bên ngoài, cùng nhau khai thác tốt hơn lợi thế so sánh của Việt Nam, tạo chỗ đứng xứng đáng hơn cho Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả các ngành, các doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng trong nước, cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước về lâu dài.
Kinh nghiệm của những nước tham gia WTO sớm hơn chúng ta đều cho thấy, những vấn đề của WTO đặt ra cho mỗi nước chính là những vấn đề “bên trong biên giới”, nghĩa là thành công hay không khi tham gia WTO phụ thuộc cơ bản vào chính bản thân mình.
Tham gia WTO muộn hơn các nước khác, Việt Nam chịu những sức ép lớn, phải chấp nhận nhiều cam kết cao, song với ý chí vươn lên của cả dân tộc, chúng ta quyết tâm vượt qua mọi thách thức để trở thành một thành viên tích cực và xây dựng của WTO, vì lợi ích phát triển của chính mình, của cả khu vực và của cộng đồng quốc tế.
Và một lần nữa, chúng ta lại phải cố gắng vượt lên chính mình để thành công trong chặng đường quan trọng mới của đổi mới, phát triển và hội nhập.
Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN