Cổ phần hóa bệnh viện công ở TPHCM: Chưa ổn!

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng
Cổ phần hóa bệnh viện công ở TPHCM: Chưa ổn!

Đó là nhận định chung của tất cả đại biểu tham dự hội nghị lấy ý kiến góp ý chủ trương cổ phần hóa (CPH) bệnh viện – trường học trên địa bàn TPHCM do UBMTTQ TPHCM tổ chức sáng 13-4.

  • Một chủ trương xa lạ!
Cổ phần hóa bệnh viện công ở TPHCM: Chưa ổn! ảnh 1

Khu điều trị kỹ thuật cao BV Bình Dân được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Ảnh: MAI HẢI

Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Lê Hiếu Đằng khẳng định, cho đến giờ này, ông và nhiều đồng chí khác ở UBMTTQ cũng như các đoàn thể khác chỉ được biết chủ trương này qua báo chí. Điều này trái ngược hẳn với luật của MTTQ đã quy định: Chính quyền các cấp trước khi ban hành một quyết định gì, nhất là những vấn đề có liên quan đến quyền lợi người dân, đều phải thông qua MTTQ; Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định rõ: Tất cả những đề án, công trình liên quan đến đời sống người dân đều phải công khai, minh bạch.

Đại biểu Trần Thiện Tứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố, cũng nhiều lần đề nghị Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng trình bày rõ về đề án thí điểm CPH Bệnh viện Bình Dân cũng như chủ trương CPH bệnh viện công để các đại biểu biết rõ hơn. Sự ngỡ ngàng của các đại biểu còn tăng cao khi đại biểu Cái Phúc Thắng (Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy) khẳng định: Đây không chỉ là chủ trương của thành phố mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định, chỉ đạo đến năm 2010 sẽ CPH tất cả bệnh viện – trường học công.

Nhiều đại biểu cho rằng: chủ trương này không chỉ xa lạ vì nó được biết đến rất muộn màng mà còn vì hơi trái ngược với định hướng XHCN. Có lẽ vì vậy mà đại đa số đại biểu có ý kiến tại hội nghị đều không ủng hộ chủ trương này.

  • Cổ phần hóa bệnh viện công: cần thận trọng hơn

Điều lo ngại nhất của vị chủ trì hội nghị Lê Hiếu Đằng cũng như nhiều đại biểu khác là chủ trương này có vội vã quá hay không khi chưa hề được phản biện, thậm chí hành lang pháp lý cũng chưa rõ ràng. Để chứng minh sự bất ổn này, ông Đằng dẫn lời ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, vừa trả lời báo chí về việc CPH Bệnh viện Bình Dân khi chưa có hành lang pháp lý: Cái chúng tôi đang vận dụng có sự điều chỉnh không giống luật mà lại đúng luật! Một việc làm tương đối kỳ lạ và có gì đó không ổn – ông Đằng khẳng định và đề nghị: Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại vấn đề này, chúng ta không thể thí điểm trên sức khỏe người dân.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng đã đính chính lại việc định giá cho Bình Dân hiện đã là 90 tỷ đồng (không tính đất và tòa nhà mới xây do xây dựng bằng vốn kích cầu) và cho biết thêm:  sẽ đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân nghèo sau khi CPH thông qua bảo hiểm y tế toàn dân và việc trích một phần cổ tức của nhà nước để lo cho đối tượng này...

Việc định giá tài sản của Bệnh viện Bình Dân cũng khiến rất nhiều đại biểu thắc mắc. Đại diện UBMTTQ quận 5 cho rằng: Việc định giá 81 tỷ đồng cho cơ sở và thương hiệu của Bình Dân là “quá bèo” (khi ông nói đến đây, một đại biểu ngồi dưới đã bức xúc góp ý theo: dù định giá gấp 50 lần nữa cũng chưa xứng với Bình Dân).

Th.S Nguyễn Thị Mỹ Tiên (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM) cảnh báo: Nếu không thận trọng, chúng ta sẽ “lạc đường” và để “rơi rớt” tài sản công vào tay tư nhân. Ngay cả những nước tư bản, họ cũng phân ra rất rõ ràng công và tư chứ không nhập nhằng công – tư kiểu này.

Theo đại biểu Võ Văn Thu – đại diện khối trí thức thành phố: CPH chính là thương mại hóa bởi khi đã CPH, bệnh viện sẽ phải chịu áp lực về trả cổ tức cho cổ đông, buộc phải có lợi nhuận đúng nghĩa - nếu không nói là phải tối đa hóa lợi nhuận. Như vậy khó lòng mà nói đến chuyện lo cho dân nghèo – vốn được xem là bản chất tốt đẹp của nhà nước XHCN.

Ngay cả khi Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng khẳng định, Nhà nước sẽ nắm giữ 60% cổ phần chi phối thì nhiều đại biểu vẫn nghi ngại: Việc cân bằng giữa y đức và cổ tức là điều rất khó khi hiện nay việc cổ phiếu của Bình Dân (dù đề án còn đang ở giai đoạn trình Chính phủ) đã trở thành mặt hàng nóng trên thị trường OTC với giá tăng 8 - 10 lần so với mệnh giá. Nó cho thấy những nhà đầu tư vào Bình Dân không phải là những người xem nhẹ mục đích lợi nhuận.

Nhiều đại biểu thắc mắc rằng: Nếu chủ trương cho rằng CPH để kêu gọi nguồn vốn của xã hội để đầu tư, nâng cấp hoạt động cho các đơn vị thì tại sao không chọn những bệnh viện đa khoa loại II hay những đơn vị còn yếu kém về cơ sở vật chất… mà lại chọn bệnh viện chuyên khoa hàng đầu với vô số những ưu thế như Bình Dân. Đây cũng là ý kiến được hội nghị tán đồng và đề nghị Chính phủ cũng như thành phố nên xem xét lại.

KIM LIÊN

Tin cùng chuyên mục