Xây dựng thủy điện ở Miền Trung: “Sai một ly, đi một dặm”

Tính toán thiếu chính xác?
Xây dựng thủy điện ở Miền Trung: “Sai một ly, đi một dặm”

Trong những năm qua, hàng loạt nhà máy thủy điện trên các con sông ở miền Trung đã được đầu tư xây dựng. Trong đó, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn dày đặc các thủy điện và đã bắt đầu nảy sinh những hệ lụy phía hạ nguồn. Thủy điện Đăk Mi 4 (tỉnh Quảng Nam) đang là một trong những điển hình về mối đe dọa gây mất nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu đối với sản xuất nông nghiệp.

Tính toán thiếu chính xác?

Một trong những nhà máy thủy điện xây dựng trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam).

Một trong những nhà máy thủy điện xây dựng trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam).

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Đà Nẵng gửi Bộ Tài nguyên – Môi trường, tình trạng thiếu nước vùng hạ lưu sông Vu Gia rất nghiêm trọng.

Nguyên nhân xuất phát từ báo cáo cân bằng nước và đánh giá hiệu quả, lợi ích vùng hạ nguồn các công trình thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn do Viện Quy hoạch thủy lợi lập năm 2002 đã có những tính toán thiếu chính xác.

Theo đó, lượng nước phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch được tính toán trong báo cáo này là rất nhỏ so với thực tế. Do tính toán sai về cân bằng nước, những người lập quy hoạch đã chọn sai thông số thủy văn đầu vào để tính toán vì đã sử dụng thông số về lưu lượng kiệt thay cho thông số lưu lượng nước trung bình tháng, trong khi hai thông số này có độ chênh lệch nhau rất lớn.

Thêm vào đó, một loạt các công trình thủy điện lần lượt được xây dựng trên sông Vu Gia, khiến tình hình thiếu nước ở cuối nguồn sông càng thêm nghiêm trọng. Trong đó, đáng chú ý là đơn vị tư vấn Dự án thủy điện Đăk Mi 4 đã nhầm lẫn nghiêm trọng vì cho rằng khi chặn dòng Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, nước sẽ chuyển về sông Thu Bồn, sau đó chảy về sông Vu Gia. Mặc dù tính toán trên là có cơ sở, nhưng điều mà các nhà khảo sát thiết kế bỏ sót là có một lượng nhỏ nước sông Thu Bồn chảy về sông Hàn qua sông Vĩnh Điện, nhưng  không sử dụng được do sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn.

Ngoài ra, đơn vị tư vấn lập Dự án thủy điện Đăk Mi 4 đã không chấp hành chỉ đạo của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) tại Quyết định 875 ngày 2-5-2003 phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện.

Quyết định này nêu rõ: “Trong các giai đoạn nghiên cứu, thiết kế tiếp theo, các dự án A Vương, Đăk Mi 4, 1, Sông Boung 2, 4 cần có biện pháp công trình phù hợp để đảm bảo nguồn nước cho môi trường hạ lưu sau tuyến đập” và “Việc xây dựng các nhà máy thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn phải theo thứ tự ưu tiên: A Vương – Sông Tranh 2 – Sông Boung 4 – Đăk Mi 4 – Sông Côn 2 – Đăk Mi 1 – Sông Boung 2 – Sông Giằng. Trong mọi trường hợp, công trình thủy điện Sông Boung 4 phải được xây dựng trước công trình thủy điện Đăk Mi 4”. 

Thế nhưng, thực tế là công trình thủy điện Đăk Mi 4 lại đang được xây dựng trước công trình thủy điện Sông Boung 4. Như vậy sẽ càng làm cho tình hình thiếu nước ở vùng hạ lưu sông Vu Gia trở nên nghiêm trọng hơn trong khoảng thời gian từ khi thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động đến khi thủy điện Sông Boung 4 hoàn thành.

Nguy cơ thiếu nước sạch

Bên cạnh nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, trước đó, vào tháng 7-2008, trong khi chặn dòng công trình thủy điện A Vương để tích nước vào hồ đã gây ra một đợt thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia.

Việc chặn dòng Đăk Mi 4 như là bước tiếp theo đe dọa đến hàng ngàn hécta đất sản xuất nông nghiệp thiếu nước tưới, hàng ngàn nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt.

Theo tính toán của giới chuyên môn, khoảng 10.000ha đất nông nghiệp ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) vốn hưởng lợi từ sông Vu Gia sẽ bị hạn hán. Tình trạng này cũng sẽ khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) bị nhiễm mặn nặng bởi nước ngọt trên thượng nguồn khi chảy về không đủ lưu lượng so với nguồn nước mặn dâng lên từ biển theo thủy triều diễn ra từ cửa sông Hàn.

Điều đáng lo ngại hiện nay là mực nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ đã tụt 70cm so với mực nước bình thường từ khoảng 18 giờ chiều hàng ngày.

Theo kỹ sư Nguyễn Hữu Ba, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước sạch (Nhà máy nước Cầu Đỏ), công ty đã huy động trạm bơm dự phòng ở An Trạch (cách nhà máy 9km) để chống nhiễm mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ nhưng vẫn không khắc phục được. Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng đối với khu vực này nếu Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 vận hành như thiết kế ban đầu là hoàn toàn có thực.

Tổng lượng nước sạch của các nhà máy trên địa bàn cung cấp cho TP Đà Nẵng hiện nay khoảng 155.000m3/ngày, trong đó riêng Nhà máy nước Cầu Đỏ đã cung cấp tới 140.000m3/ngày.

Điều đó cũng có nghĩa là, nếu nhà máy nước này ngừng hoạt động vì nhiễm mặn thì phần lớn các hộ dân ở TP Đà Nẵng sẽ không có nước sạch sử dụng.

Ước tính ban đầu cho thấy, nếu không sớm có giải pháp khả thi để giải quyết vấn nạn này, khoảng 120.000 hộ gia đình-tức hàng trăm ngàn người dân ở TP Đà Nẵng sẽ bị cúp... nước sạch.

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục