
Ngay sau khi báo SGGP đăng bài “Lộn xộn cao ốc”, sáng qua 5-8, ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM đã có cuộc trao đổi với PV Báo SGGP. Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Hòa nhiều lần khẳng định bài viết hết sức đúng đắn đã phản ánh thực trạng kiến trúc cao ốc hết sức lộn xộn của TP. Ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết:
- Cán bộ lách luật làm lợi cho chủ đầu tư !
Cao ốc The Manor đang xây dựng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh không có khoảng lùi, nằm sát lề đường.
- Thưa ông, chủ trương TP khuyến khích xây nhà cao tầng, nhưng vì sao lại không kiểm soát được quy hoạch?
- TPHCM đã trải qua đợt thách thức lớn trong phát triển đô thị. Thời điểm phân lô bán nền đã “băm” hết đất nông nghiệp ngoại thành qua hàng loạt dự án nhỏ lẻ, manh mún. Nói thật, những dự án nhà ở ngoại thành trước đây là ruộng nâng nền, rồi bảo thành đô thị thì sao được?
Chủ đầu tư những công trình kiến trúc cao tầng lộn xộn hiện nay là chính những nhà đầu tư đất trước kia, bán đất lấy lời. Họ chỉ tính đến lợi nhuận sẽ kiếm được khi đầu tư xây dựng nhà cao tầng chứ không quan tâm gì đến không gian đô thị.
Đây là nguyên nhân xây dựng cao ốc hết sức lộn xộn, xoay các kiểu, nằm trong hẻm, lòi ra mặt đường, chui vào góc nọ, góc kia thì TP chẳng khác nào là một “nghĩa trang” người nghèo. Đáng lý ra, sở phải đóng vai trò định hướng về không gian đô thị cho các chủ đầu tư nhưng năng lực chuyên môn của các cán bộ, nhân viên còn hạn chế, TP chưa có quy định rõ ràng.
- Nhưng nhà đầu tư vẫn xây cao ốc hết sức tùy tiện!
- Chủ trương của Nhà nước xây dựng chung cư cao tầng là rất đúng, bởi nếu cứ phân lô bán nền thì TP lấy đất ở đâu đủ cho 10 triệu dân sinh sống? Mặt khác, việc xây dựng cao ốc văn phòng sẽ phục vụ cho TP phát triển thương mại, dịch vụ, tạo vóc dáng đô thị văn minh hiện đại… Nhưng thực tế đã bị nhà đầu tư lợi dụng, không ít các chủ đầu tư xin xây dựng văn phòng nhưng “lái” sang xây chung cư. Đúng ra, những trường hợp vi phạm này các nhà quản lý phải thực hiện tháo dỡ, nhưng lại nằm ngoài tầm của sở chuyên môn, đó là nhiệm vụ của phòng quản lý trật tự đô thị ở các quận, huyện.
- Nhiều cao ốc không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội xung quanh?
- Do một số cán bộ lợi dụng các sơ hở trong quy định để lách và làm lợi cho chủ đầu tư. Chúng tôi đang rà soát lại cơ chế, xây dựng lại cấu trúc phòng ban làm sao để có thể kiểm tra chéo lẫn nhau để tránh những tiêu cực trên.
- Lâu nay việc quy định xây dựng cao ốc đều dựa trên cảm tính?
- Nhận xét như thế thì không hẳn đúng, nhưng sự thật chúng ta không có quy định cụ thể diện tích đất xây dựng, loại chung cư, số hộ chung cư, lộ giới đường chính… Vấn đề này chúng tôi đang làm, trình gấp UBNDTP.
- Tại sao lại cho xây dựng những cao ốc trong nội thành với diện tích quá nhỏ?
- Trong một chừng mực nhất định, nền kinh tế phát triển thì TP cần phải chấp nhận sự vươn lên của TP. Khối đế của TP tối thiểu là 6-8 tầng chứ không dừng lại ở 2 tầng vì áp lực đầu tư, áp lực phát triển.
- Ông nghĩ sao khi dư luận không đồng tình việc TP cho phép xây dựng BitexcoLand tại vị trí đất không phù hợp?
- Xin khẳng định tòa nhà này chưa được cấp phép, chỉ mới có sự thỏa thuận sơ bộ và còn đang trong quá trình xin cấp phép.
- Sẽ có quy chế cụ thể về xây nhà cao tầng?
- Như vậy, trong khi chưa có quy định thì có chấp thuận cho những nhà đầu tư xây dựng cao ốc không?
- Có những vị trí sẽ không cho phép xây như các khu Ngoại giao đoàn trên đường Trần Cao Vân, vì vẫn còn giữ quy hoạch cũ. Còn những khu khác mà năm 1998 đã cho phép xây dựng, nhưng thời điểm đó kinh tế khu vực khủng hoảng chưa xây được thì nay vẫn cho xây theo quy định đã duyệt.
- Thưa ông, quy chế về việc xây dựng mà sở đang soạn có giải quyết được bài toán quy hoạch hiện nay?
- Trước đây, sở chỉ chạy theo việc cấp phép và thỏa thuận chứ chưa có một quy định nào rõ ràng. Theo quy chế đang soạn, TP sẽ có một Trung tâm nghiên cứu kiến trúc và một trung tâm nghiên cứu quy hoạch. Các trung tâm này sẽ biên soạn những quy định về “luật chơi quy hoạch” một cách bài bản, tránh tiêu cực của cơ chế xin-cho, tất cả các quy định đều công khai minh bạch. Lúc này khối tích, tầng cao sẽ có những quy định cụ thể. Mặt khác, quy chế về nhà cao tầng sẽ quản lý nhà cao tầng và tập trung giải quyết những vướng mắc mà chúng ta thường gặp trong thực tế.
Theo đó, sẽ quy định rõ các địa điểm xây dựng chung cư cao tầng, các trục giao thông chính, có bố trí giao thông công cộng và đầu mối giao thông công cộng. Khu đất gần các khu trung tâm thương mại quận-huyện, trong các khu dân cư có diện tích lớn thì ưu tiên xây dựng cụm chung cư chứ không phải nhà chung cư. Đã là chung cư thì phải có sân, khuôn viên cho người dân sinh sống tại đó vui chơi. Quy chế này chúng tôi đang gấp rút trình UBNDTP!
- Thành phố “dâng cao”?
- Ông đề cập đến việc “dâng cao” TP ?
- Thời Pháp thuộc quy hoạch Sài Gòn 500.000 dân, từ đó mới hình thành cơ bản bộ mặt của TP: quận 1, 3, Chợ Lớn, độ cao dâng lên được từ 2-4 tầng. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế của nước ta nhỉnh lên một chút, thay vì quy hoạch TP là cho xây dựng tại các trung tâm thì chúng ta “ôm” lại và chỉ cho đầu tư ở ngoại thành. Vấn đề đặt ra ở đây là hiện nay chúng ta nên xây gì và giữ gì?
Trên thực tế TP đang đi vào đợt sóng thứ hai của sự phát triển kinh tế, từ nay đến 2010. Chỉ có sự phát triển chiều cao mới đáp ứng được phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Theo tôi, tầng cao trung bình khoảng 6-8 tầng là cái đế của TP. Còn những chiều cao ở những nơi cho phép thì sẽ cao hơn. Việc khuyến khích xây nhà cao tầng cần tuân thủ trật tự, vai trò của Sở QH-KT với vai trò là “người gác cửa quy hoạch của TP”.
- Cám ơn ông.
THIỆN - NHUNG